Doanh nghiệp bán hàng tốt nhưng vẫn thua lỗ, chuyên gia chỉ ra điểm cốt tử
(DNTO) - Thiếu hiểu biết trong quản trị tài chính, ra quyết định điều hành dựa vào cảm tính, có tài sản nhưng không có tính thanh khoản... khiến nhiều doanh nghiệp dù vẫn bán được hàng nhưng khó tồn tại lâu dài.
Trong quản trị, vận hành doanh nghiệp, có rất nhiều vấn đề mà doanh nhân phải quan tâm, từ việc huy động vốn, nghiên cứu, phát triển sản phẩm, marketing, truyền thông, bán hàng, nhân sự, chuyển đổi số... Tuy nhiên trong số đó, một vấn đề hết sức quan trọng có thể quyết định đến tuổi thọ các doanh nghiệp nhưng đa phần chủ doanh nghiệp, đặc biệt startup hay doanh nghiệp vừa và nhỏ thường quản lý rất sơ sài, đó là tài chính.
Theo chuyên gia, việc quản lý tài chính không phải chỉ đơn thuần là quản lý chuyện lãi lỗ, bởi nhiều doanh nghiệp bán hàng rất tốt, doanh thu rất cao nhưng cuối cùng sau khi hạch toán chi tiết lại lỗ đậm.
Phân tích kĩ hơn, TS Nguyễn Đình Đạt, Tiến sĩ Quản trị kinh doanh, Đại học UWS (Anh), hiện đang phụ trách Bộ môn Tài chính Doanh nghiệp, Khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Ngoại thương Hà Nội, cho biết với một số doanh nghiệp, đôi khi chi phí bán hàng, chi phí sản xuất còn lớn hơn giá bán nên doanh nghiệp càng kinh doanh càng lỗ.
Ví dụ Vinfast đang lỗ khoảng 5,7 tỷ USD, do chi phí bán hàng và chi phí sản xuất cao, trong khi đó cái giá bán của xe Vinfast thì không thể nào cao được. Vì Vinfast phải cạnh tranh với những cái doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Các đối thủ khác như Tesla giảm giá rất mạnh, giá xe của Trung Quốc cũng rất thấp.
Một trường hợp phổ biến khác dẫn đến là doanh nghiệp bán hàng tốt nhưng vẫn phải đóng cửa là công nợ là bán hàng dưới dạng nợ, tức cho khách hàng nợ. Tuy nhiên kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản, vỡ nợ dẫn đến doanh nghiệp khó thu hồi công nợ. Ở phía nhà bán hàng cũng phải vay nợ những nơi khác để sản xuất. Vì vậy, điều này kéo theo tình trạng đổ vỡ dây chuyền, doanh nghiệp này nợ không trả được doanh nghiệp kia, doanh nghiệp kia lại không trả nợ được những đối tác của họ.
Chưa kể, theo TS Đạt, nhiều chủ doanh nghiệp thường đưa ra quyết định theo cảm hứng. Tức thấy dự án nào tiềm năng là đầu tư mà không dựa vào tình hình tài chính và khả năng của doanh nghiệp. Họ chạy theo tăng trưởng, mong muốn có lợi nhuận nhanh nên rất dễ dùng đòn bẩy tài chính quá đà, đôi khi vay nợ lên tới 70-80% nguồn vốn. Trong bối cảnh kinh tế tốt thì doanh nghiệp còn có cơ hội phát triển, nhưng khi kinh tế biến động thì việc này rất nguy hiểm.
Chuyên gia cho biết sai lầm chung trong quản trị tài chính ở các doanh nghiệp Việt Nam là không nắm rõ hoặc không quản lý tốt dòng tiền, nguồn vốn ngắn hạn của doanh nghiệp, dẫn tới không đảm bảo được nghĩa vụ chi trả các các khoản nợ ngắn hạn. Dòng tiền giống như mạch máu của doanh nghiệp, nếu đứt gãy dòng tiền, không thể trả lương cho công nhân, tiền nước, điện, không có tiền mua nguyên vật liệu... thì doanh nghiệp cũng đứng trước nguy cơ phá sản ngay lập tức.
“Vay nợ là con dao hai lưỡi nên thông thường các doanh nghiệp chỉ vay nợ ở mức độ 30-40% tổng nguồn vốn. Bên cạnh đó nên đầu tư vào các tài sản có tính thanh khoản tốt, tức khi cần có thể bán để đảm bảo khả năng trả nợ. Ở Việt Nam rất nhiều cá nhân hay doanh nghiệp thường ‘chết trên đống tài sản’, tức tài sản rất nhiều nhưng thanh khoản kém, khi kinh tế khó khăn thì không bán được và họ dẫn đến mất khả năng thanh toán”, ông Đạt khuyến nghị.
Vị chuyên gia nhấn mạnh đến việc các chủ doanh nghiệp phải vô cùng sát sao với các con số trong báo cáo tài chính vì đây là những con số biết nói. Nó cho nhà điều hành biết được doanh nghiệp có tăng trưởng doanh thu hay không, lợi nhuận như thế nào, hiệu quả quản lý về mặt tài chính, chi phí, cơ cấu vốn, cũng như so sánh với tình hình hoạt động kinh doanh với đối thủ.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần phải nắm được những cái con số khác, ví dụ chi phí trung bình để thu hút được một khách hàng, tỷ lệ khách hàng quay lại vì nó đánh giá sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp có tốt hay không, hay phải đo lường được số lần tiếp xúc khách hàng và tỷ lệ chuyển đổi từ khách hàng mục tiêu thành khách mua hàng ra sao. Doanh nghiệp phải đo lường được đâu là sản phẩm nào bán chạy nhất hay mang về lợi nhuận cao nhất, những sản phẩm nào bán kém và thua lỗ để cân đối lại sản phẩm trong danh mục bán hàng.
“Có câu nói rất nổi tiếng ‘Emotion is money killer’ (tạm dịch: cảm xúc là kẻ thù của tiền bạc). Vì vậy các doanh nghiệp nên sử dụng những phần mềm theo dõi tình hình hoạt động kinh doanh để dựa trên những con số và ra quyết định”, ông Đạt nói.