Bài học kinh doanh từ sau vụ Shark Thủy
(DNTO) - Ở góc độ kinh doanh, việc Shark Thủy dùng đòn bẩy tài chính quá lớn, đầu tư dàn trải là tín hiệu báo trước nhiều rủi ro, kể cả không có sự xuất hiện của đại dịch Covid-19.
Tham vọng “vòi bạch tuộc”
Ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch Công ty Giáo dục Egroup (Shark Thủy) mới đây đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Egroup.
Trên thực tế, pháp luật không hạn chế những doanh nghiệp yếu kém huy động vốn, miễn là tuân thủ nghiêm các quy định. Nhưng trong trường hợp Shark Thủy huy động vốn đúng pháp luật, thì việc kinh doanh, đầu tư của hệ sinh thái này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đến từ việc đầu tư dàn trải.
Hệ sinh thái Egroup bất ổn bởi mô hình hoạt động của công ty phụ thuộc nhiều vào đòn bẩy tài chính. Apax Leaders – chuỗi trung tâm tiếng Anh là “xương sống” của Egroup chủ yếu dựa vào nguồn vốn huy động từ nhà đầu tư để mở rộng.
Giai đoạn 2020-2022, Egroup lấn sân sang bất động sản nhằm sở hữu mặt bằng các cơ sở giáo dục. Slogan "McDonald's không chỉ bán hamburger và Shark Thủy không chỉ có các sản phẩm giáo dục" thể hiện rõ tham vọng này.
Apax Holdings – Quỹ đầu tư của Egroup đã chủ động hơn 7.000m2 đất ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) để xây dựng Trường liên cấp quốc tế Firbank Australia, cùng hợp tác phát triển dự án khu nhà ở và dịch vụ đa năng Vũng Áng (Hà Tĩnh và có kế hoạch rót tiền 300 tỷ vào dự án khu du lịch Hồng Quang - Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Chưa hết, thời điểm này, ông Thủy cũng tham gia ngồi ghế nóng tại Shark Tank Việt Nam. Tại đây, ông cũng có những “deal” (thương vụ) đầu tư khủng như rót vốn vào chuỗi cửa hàng sữa đậu nành Soya Garden với tổng vốn đầu tư lên tới gần 100 tỷ đồng. Hay rót 30 tỷ đồng vào We Escape startup chuyên về trò chơi nhập vai thực tế 5D, nhưng các công ty khởi nghiệp này cũng không thể sống sót sau mùa dịch.
Ngoài ra, Shark Thủy cũng mạnh tay khi đầu tư vào nhiều startup khác như startu công nghệ bất động sản Luxstay (1triệu USD), startup mạng xã hội Umbala (260.000 USD cùng Shark Vương), mô hình du lịch tình nguyện Volunteer For Education; nhà hàng Chay Pema (3 tỷ đồng), mô hình quán cà phê kết hợp dạy tiếng Anh Talks Café 100% English (5 tỷ đồng); dự án sản xuất xe lăn đa năng cho người khuyết tật (1 tỷ đồng)..., nhưng đa phần cũng đã ngừng hoạt động.
Khi các “xúc tu” bị chặt đứt
Chuỗi Apax Leaders tăng trưởng nhanh bằng vay nợ ngay lập tức gặp vấn đề khi đại dịch Covid-19 nổ ra khiến hoạt động dạy học trực tiếp bị đình trệ. Chưa kể hàng trăm triệu USD Shark Thủy bơm vào các startup cũng chìm xuống đáy biển khi hầu hết các dự án này đều nhanh chóng giã biệt cuộc chơi.
Câu chuyện kinh doanh của Egroup và ông Nguyễn Ngọc Thủy giống như nhiều doanh nghiệp khác ở Việt Nam. Sai lầm lớn nhất của họ chính là chọn cách phát triển doanh nghiệp từ vay vốn và dùng đòn bẩy quá đà sẽ tự hại bản thân.
Ngoài ra, khi tích lũy một số vốn từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, nhiều doanh nghiệp nghĩ ngay đến việc mở rộng đầu tư thêm lĩnh vực mới. Họ cho rằng như vậy sẽ đúng với nguyên tắc “không để trứng vào một giỏ”, đồng thời đặt kỳ vọng vào những khoản đầu tư mới sẽ sinh sôi nảy nở.
Nhưng họ quên mất rằng khi phân tán nguồn vốn ra quá nhiều lĩnh vực, đồng nghĩa với việc họ phải dành nhiều thời gian, nguồn lực hơn để quản trị nó. Năng lực của doanh nhân khi bị chi phối bởi nhiều dự án khác nhau cũng sẽ kém hiệu quả. Ngay cả tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam là Vingroup cũng phải sớm đóng cửa hay chuyển nhượng nhiều dự án, lĩnh vực để đảm bảo tập trung nguồn lực.
Chưa kể, vốn ở nhiều nơi đồng nghĩa với việc đọng vốn lâu hơn, thời gian quay vòng vốn cũng kéo dài hơn. Doanh nghiệp luôn ở trong tình trạng “lấy chỗ nọ, bù chỗ kia”. Nếu chẳng may một lĩnh vực kinh doanh cốt lõi bị ảnh hưởng sẽ tạo ra hiệu ứng domino, kéo theo cả chuỗi sập tiệm, giống như trường hợp của Egroup.
Trong cuộc tọa đàm mới đây cùng sinh viên Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), ông Lê Hùng Anh, Giám đốc điều hành BIN Corporation Group (Shark Hùng Anh), cũng thừa nhận BIN Group có 10 đơn vị thành viên nhưng chỉ vài đơn vị sống khỏe, phải nuôi các đơn vị khác đang trên đà khởi nghiệp và vẫn đang thua lỗ. Do đó doanh nghiệp khi muốn đầu tư vào lĩnh vực nào phải lường trước mọi tình huống rủi ro có thể xảy ra.
Egroup và ông Nguyễn Ngọc Thủy đã không lường trước rủi ro khi đầu tư. Nhìn vào hệ sinh thái của Egroup thì không thể hoàn toàn đổ lỗi cho dịch Covid được. Trong khi mảng kinh doanh chính là giáo dục vẫn phụ thuộc vào tiền huy động nhà đầu tư, trả lãi cao, lại tiếp tục đầu tư phân tán đa ngành chắc chắn sẽ nhiều rủi ro. Để rồi khi dịch Covid-19 ập đến, trong khi các doanh nghiệp khác thiệt hại một vài phần, hệ sinh thái Egroup thiệt hại 10 phần.
Đây là bài học kinh nghiệm cho ai khởi nghiệp và đang điều hành doanh nghiệp, nên chọn cách đi từ từ, phát triển chậm nhưng chắc sẽ tốt hơn đi quá nhanh đòn bẩy tài chính quá cao, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế - chính trị và thị trường thế giới nhiều biến động như hiện nay.