Shark Thủy liệu có lật ngược thế cờ?
(DNTO) - “Lời hứa cuối cùng” từ Shark Thủy về lộ trình trả nợ cho các nhà đầu tư, trái chủ cần thực hiện một cách nghiêm túc mới có thể giúp và Apax Leaders phục hồi, khi niềm tin của nhà đầu tư, phụ huynh đang tắt dần.
Sóng sau dồn sóng trước
Dù nhiều lần tổ chức đối thoại với phụ huynh và ngay cả khi tung ra “lời hứa cuối cùng” cam kết trả tiền cho các nhà đầu tư vào Apax Leaders – công ty giáo dục do ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) làm Chủ tịch HĐQT, nhưng làn sóng “đòi tiền” vẫn chưa nguôi ngoai.
Trong cuộc họp gần nhất, ông Thủy cam kết sẽ trả lại tiền cho phụ huynh và nhà đầu tư từ tháng 6/2023 cho đến tháng 4/2024, trước đó là tháng 11/2022. Đợt tái cấu trúc đầu tiên, Apax Leaders sẽ mở lại 31 trung tâm, 300 nhà đầu tư đồng ý đổi nợ lấy bất động sản.
Nhưng nhiều phụ huynh bức xúc vì họ đến các trung tâm Apax Leaders xác nhận số buổi học còn lại làm cơ sở nhận tiền hoàn trả, nhưng khi thì không gặp được nhân viên, khi thì trung tâm hẹn ngày khác. Thậm chí, sự phẫn nộ còn dâng cao khi có những trung tâm Apax còn cho nhân viên cưỡng chế hoặc có hành động quá khích với phụ huynh.
“Tôi có một ham muốn, ham muốn tột cùng đó là đòi được nợ”, một nhà đầu tư góp vốn viết trên trang cá nhân mới đây, mong muốn mọi người tiếp tục lên tiếng để gây áp lực cho ông Thủy. Nhiều phụ huynh cho biết họ cố gắng cho con em tiếp tục việc học tại Apax Leaders vì trót đóng tiền. Một số nhà đầu tư cố chờ đợi vì “giờ có đòi ông Thủy cũng chưa có trả”.
Bên cạnh đó, để tái cấu trúc và lấy lại mốc 52 trung tâm tiếng Anh, Apax Leaders cần khoảng 180 tỷ đồng. Số tiền này buộc phải huy động thêm từ nhà đầu tư. Mặc dù đã có những nhà đầu tư tiếp tục xuống tiền cho Shark Thủy, nhưng rất nhiều phụ huynh, nhà đầu tư chưa đồng thuận với phương án mà công ty đưa ra.
Bởi nhiều nhà đầu tư cũng đang rất khó khăn về tài chính do các khoản vay lãi, mong muốn có thể lấy lại tiền ngay. Chưa kể, họ hoài nghi về khả năng tái cấu trúc thành công của doanh nghiệp, nếu tiếp tục rót tiền thì có thể sẽ bị mất nhiều hơn.
Thêm vào đó, mới đây, 40 Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders tại TP.HCM bị đình chỉ hoạt động. Mặc dù đây là những trung tâm đã đóng cửa từ trước, và lý do Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đình chỉ là để tránh các trung tâm này tự ý mở cửa trở lại mà không báo cáo, không đảm bảo chất lượng, nhưng các nhà đầu tư cũng lo ngại rằng, dẫu có mở lại thì khả năng hoạt động như trước kia cũng rất khó.
Chưa kể, những “phốt” cũ như chất lượng giảng dạy không như cam kết, "ôm tiền bỏ rơi khách hàng", nợ lương giáo viên và nhân viên… vẫn gắn với hình ảnh của Apax Leaders có thể ảnh hưởng tới khả năng thu hút giáo viên và học viên khi trung tâm này trở lại hoạt động.
Vòng quay nợ cũ và vay mới
Ông Thủy và Apax Leaders hiện đang rất nỗ lực để tái cấu trúc các khoản vay bằng cách chuyển đổi các khoản vay thành bất động sản, chia nhỏ các khoản tiền thanh toán hay chuyển đổi thành các hợp đồng vay.
Song song với đó, công ty này cũng đang rất cần vốn để mở cửa trở lại các trung tâm tiếng Anh. Trước mắt là gói hợp tác đầu tư mở trung tâm Apax với vốn ban đầu 3 tỷ đồng. Nhà đầu tư sẽ được chia 40% lợi nhuận và nhận lãi từ tháng vận hành thứ 7. Đồng thời, Apax Leaders cho biết hiện đang cố gắng gọi vốn từ 3 quỹ đầu tư từ Singapore, Malaysia và Mỹ.
Tuy vậy, điều quan trọng là Apax cần ưu tiên giải quyết khoản nợ tồn đọng trong quá khứ, nhất là khi làn sóng đòi tiền của phụ huynh và nhà đầu tư vẫn chưa hạ nhiệt. Bởi khi dư nợ vay quá cao kết hợp với thông tin không tích cực cũng sẽ khiến khả năng tiếp cận các nguồn tài trợ mới bị hẹp lại.
Đặc biệt với các quỹ đầu tư, nếu có rót vốn cho Apax Leaders, họ cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược rõ ràng về việc giải quyết các vấn đề vay nợ của doanh nghiệp. Nếu không thực hiện tốt việc tái cấu trúc nợ và giải quyết các khoản vay có vấn đề sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc tái cấu trúc doanh nghiệp. Bởi nó tác động trực tiếp đến các nhóm lợi ích (nhà đầu tư, trái chủ, phụ huynh, học sinh và cả chủ doanh nghiệp) – nhân tố giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng nhất của mô hình giáo dục là chất lượng giảng dạy. Để có chất lượng giáo dục tốt có giáo trình và chương trình đào tạo tiên tiến, giáo viên giỏi và môi trường đào tạo đầy cảm hứng. Các yếu tố này yêu cầu nguồn lực đầu tư rất lớn trong khi Apax Leaders còn phải đảm bảo giải quyết khoản nợ tồn đọng, đây sẽ là áp lực tài chính rất lớn.
“Bài học vỡ lòng” luôn được nhắc đến của mọi doanh nghiệp đó là niềm tin. Sở dĩ, ông Thủy dễ dàng huy động tiền từ nhà đầu tư do tạo được niềm tin khi trở thành “cá mập” của chương trình Shark Tank Việt Nam. Nhưng dù vì lý do chủ quan hay khách quan thì Shark Thủy và Apax Leaders cũng đã, đang làm niềm tin từ khách hàng, nhà đầu tư mất dần vì những lần hứa hẹn.
“Lời hứa cuối cùng” của Shark Thủy vì thế cần được thực hiện một cách nghiêm túc sẽ có khả năng lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư, phụ huynh và học sinh. Bằng không, sự trở lại của Apax Leaders và ngay cả ông Thủy trong thương trường cũng rất khó.