Chiến lược khôn ngoan của các công ty giáo dục: Ra tay ‘cứu’ nạn nhân vụ Apax Leaders của Shark Thủy
(DNTO) - Nhiều công ty giáo dục đang tận dụng cơ hội để “ghi điểm” với khách hàng bằng cách tạo điều kiện cho hàng nghìn học sinh bị ảnh hưởng khi các trung tâm tiếng Anh của Shark Thủy đóng cửa, được tiếp tục học tập miễn phí.
Đối thủ tung chiêu đón khách hàng
Thời gian vừa qua, Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax (Apax Leaders) - công ty con của Apax Holdings do ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) làm Chủ tịch HĐQT, vướng nhiều lùm xùm liên quan đến chất lượng dạy học, chậm trả lương, nợ lương giáo viên... Nhiều phụ huynh đã đề nghị, thậm chí gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng để yêu cầu Apax Leaders hoàn trả hàng tỷ đồng tiền học phí khi không thực hiện đúng cam kết đào tạo.
Tuy nhiên, với khoản lỗ năm kỷ lục trong năm vừa qua (81 tỷ đồng) cùng với khoản nợ phải trả lên tới hơn 3.070 tỉ đồng, gấp đôi vốn chủ sở hữu, Apax khó có thể hoàn trả ngay học phí cho các gia đình. Công ty này đề xuất chuyển thành hợp đồng vay, lãi suất như ngân hàng và trả dần sau giai đoạn tái cấu trúc.
Tận dụng thời điểm nhiều gia đình đang “lao đao” trong vụ Apax Leaders, nhiều công ty giáo dục đối thủ đã vào cuộc để “giải cứu” các nạn nhân.
Mới đây, Trung tâm Anh ngữ ILA (thuộc Study Group), phát đi thông báo sẽ triển khai học bổng hỗ trợ học viên bị gián đoạn việc học tại Apax Leaders.Cụ thể, ILA sẽ không thu học phí với các học sinh còn lưu học phí tại trung tâm tiếng Anh của Shark Thủy, mọi học sinh sẽ được chăm sóc như tất cả những học sinh khác của ILA, để không ảnh hưởng đến kết quả học tập và tâm lý của các em.
Hệ thống Anh ngữ IELTS Cherubim cũng cho biết miễn học phí cho tất cả học sinh bị gián đoạn việc học tiếng Anh, nhất là luyện thi IELTS của Apax Leaders. “Quyết định trên sẽ kéo dài đến khi không còn ai là nạn nhân", đại diện trung tâm này cho hay.
Một startup giáo dục khác đến từ Ấn Độ là BrightCHAMPS cũng có động thái tương tự. Nền tảng học tập trực tiếp có mặt tại 30 quốc gia mới đây đã ra mắt mô hình kết hợp học tập trực tuyến và ngoại tuyến với BrightCHAMPS Next-Gen Hub đầu tiên tại TP.HCM.
Đơn vị này cho biết hiện đang cung cấp các lớp học miễn phí trị giá 3 tháng cho tất cả học sinh có đóng trước các lớp Apax Leaders và CMS Edu – một trung tâm khác cũng bị tố ôm tiền học phí và bỏ rơi học viên.
“Những trường hợp đáng tiếc này không nên cản trở quá trình học tập và tiến bộ của học sinh. Chúng tôi rất vinh dự được hỗ trợ các bậc cha mẹ bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa hai công ty và hoan nghênh họ liên hệ với đội ngũ của chúng tôi tại Việt Nam”, đại diện dự án BrightCHAMPS Next-Gen Hub tại Việt Nam, cho biết.
Chiến lược marketing khôn ngoan
Có thể nói, nhiều trung tâm tiếng Anh vốn là đối thủ của Apax Leaders, đã rất khôn ngoan khi nhân chuỗi khủng hoảng của hệ thống anh ngữ này, tung ra chiến lược marketing kịp thời “ghi điểm” với khách hàng.
Chiến lược biết cách “đánh” vào cảm xúc của các học sinh, phụ huynh vừa bị mất hàng chục, hàng trăm triệu đồng tiền học phí, lại chưa thể tìm được chỗ học tập tiếp theo. Chỉ cần xuất trình hóa đơn thanh toán và các văn bản đã kí với Apax Leaders, các gia đình đã có thể tiếp tục cho con em theo học miễn phí tại các trung tâm tiếng Anh khác.
Mặc dù, chi phí để các trung tâm tiếng Anh “giải quyết hậu quả” của Apax Leaders không nhỏ, bởi mỗi một khóa học tiếng Anh trên thị trường dao động từ vài chục đến hàng trăm triệu/năm. Với số lượng học sinh theo học hệ thống này lên tới hàng trăm nghìn, con số đền bù rất lớn.
Tuy nhiên, nếu so sánh với chi phí để có một khách hàng mới, theo ước tính tốn gấp 5-7 khách hàng cũ, thì việc chuyển đổi từ khách hàng cũ của đối thủ chưa hẳn là tốn kém.
Bởi, khi “giải quyết hậu quả thay đối thủ”, một mặt các trung tâm dễ dàng chiêu mộ khách hàng của đối thủ, nếu làm tốt có thể biến thành khách hàng trung thành của chính mình. Một mặt khác không để lại tiếng xấu về việc cạnh tranh không lành mạnh hay cố tình hạ bệ đối thủ. Từ đó giúp các trung tâm dễ dàng lan tỏa các thông điệp truyền thông về một đơn vị đào tạo có trách nhiệm với sự nghiệp trồng người.
Thực tế, các gia đình Việt Nam thuộc hàng chịu chi khi sẵn sàng dành tới 20% thu nhập để đầu tư cho giáo dục của con cái, là mức cao trên thế giới. Do đó, họ đặt kỳ vọng vào việc lựa chọn một môi trường giáo dục tốt vì nó sẽ ảnh hưởng đến trình độ, kiến thức, nhân cách của học viên.
Bên cạnh chất lượng dịch vụ giáo dục, cách ứng xử của các trung tâm giáo dục với gia đình và học viên cũng là một “điểm chạm” rất quan trọng để tạo lợi thế cạnh tranh với các đối thủ. Bởi cốt lõi của sản phẩm, dịch vụ là chất lượng, với sản phẩm giáo dục, yêu cầu này còn quan trọng hơn.
Do vậy, việc đứng ra ứng cứu nạn nhân của Apax Leaders sẽ chỉ như “pháo bông”, vụt sáng trên bầu trời trong tích tắc. Để chiến lược truyền thông này đạt hiệu quả trọn vẹn, các trung tâm đứng ra “giải cứu” cần giữ đúng “chữ tín” của mình với các phụ huynh và học sinh. Vì nếu không làm tốt, thậm chí có thể bị hiệu ứng ngược khi các gia đình, học sinh sẽ đánh đồng với các đơn vị đào tạo thiếu chuyên nghiệp.