Chuyên gia bàn cách giúp doanh nghiệp bất động sản 'vượt cạn'
(DNTO) - Các yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước sẽ còn tiếp tục tác động đến các doanh nghiệp bất động sản. Cơ hội để các doanh nghiệp hồi phục phải bắt đầu ở chính nội lực doanh nghiệp, từ việc khai thác dòng vốn tín dụng, tài sản và quỹ đất hiệu quả đến khả năng mời gọi nước ngoài hợp tác.
Thị trường bất động sản chưa bao giờ rơi vào giai đoạn khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành đứng trước vô vàn thách thức khi dòng tiền cạn dần, các khoản phải trả khi kỳ đáo hạn trái phiếu cận kề, cầu thị trường suy yếu...
Trong khi chờ những động thái từ phía Chính phủ để có thể hỗ trợ cho thị trường, việc các doanh nghiệp phải chủ động tự tìm cách tháo gỡ khó khăn, vượt lên hoàn cảnh, được nhận định chính là mấu chốt quan trọng ở thời điểm hiện tại.
Theo TS. Nguyễn Lưu Bảo Đoan, Giám đốc Chương trình bất động sản, Đại học Kinh tế TP.HCM, phát biểu trong talkshow "Bất động sản tìm động lực phục hồi trong thách thức" mới diễn ra tuần qua, trong khoảnh khắc khó khăn hiện nay, rất nhiều yếu tố thay đổi cần được xem xét cẩn trọng, từ câu chuyện khai thác dòng vốn tín dụng, tài sản, quỹ đất hiệu quả, khả năng mời gọi doanh nghiệp nước ngoài cùng hợp tác…
"Đây chính là không gian sáng tạo họ cần phát triển", ông cho biết. Và điều này có nghĩa, đã đến lúc các doanh nghiệp cần phát huy nội lực, đi bằng chính đôi chân của mình để vượt thách thức.
Năm 2023, các yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước sẽ tiếp tục tác động đến các doanh nghiệp bất động sản như áp lực lạm phát, tăng trưởng kinh tế không được như mong đợi. Tuy nhiên, theo chuyên gia, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội xem lại mô hình kinh doanh. Những gì đã làm được và thành công trong một thời gian tương đối dài có thể không đúng với họ trong giai đoạn sắp tới.
Các doanh nghiệp cần xem xét lại kỳ vọng của mình, khả năng đáp ứng niềm tin người tiêu dùng nói chung và nhà đầu tư chứng khoán nói riêng. Thời gian qua, kỳ vọng của nhà đầu tư cá nhân vào mức sinh lời của bất động sản rất lớn dẫn đến các hậu quả tiêu cực. Yếu tố niềm tin nhà đầu tư hay người tiêu dùng hiện đang ở mức thấp và điều này buộc các công ty kinh doanh muốn sống sót phải điều chỉnh kỳ vọng của họ về khả năng sinh lời dòng vốn. "Tuy nhiên, đây là các thách thức", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Đặc biệt, việc thay đổi về cơ chế, pháp lý diễn ra một cách ồ ạt và đột ngột khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng, mặc dù vậy, họ cần có trách nhiệm trong việc giữ cam kết, chữ Tín với người tiêu dùng và nhà đầu tư.
"Doanh nghiệp càng cải thiện niềm tin vì người tiêu dùng, tôn trọng cam kết với người tiêu dùng, nhà đầu tư thì sẽ là quyết định thị trường phục hồi sớm hay muộn hơn", ông Đoan nhấn mạnh.
Nói về các giải pháp, theo chuyên gia, hiện khó tìm được một giải pháp hoàn hảo chung cho các doanh nghiệp bởi mỗi nơi lại có đặc thù riêng.
"Ngay cả chuyện có thể huy động được dòng vốn nước ngoài cũng không phải là câu chuyện dành cho tất cả doanh nghiệp. Doanh nghiệp nước ngoài thường quan tâm nhiều đến sự minh bạch và không phải doanh nghiệp nội nào cũng đáp ứng được", ông chia sẻ.
Ông Nguyễn Lưu Bảo Đoan đặc biệt nhấn mạnh các doanh nghiệp tư nhân: "Khu vực tư nhân cần có các sáng tạo, điều chỉnh ắt sẽ nhìn thấy cơ hội, cụ thể có thể xem xét thay đổi mô hình kinh doanh, cấu trúc giá sản phẩm, giá bán... để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng".
Nhìn rõ khó khăn và thuận lợi, đồng thời phát huy nội lực, chủ động vượt khó là những điều "không ai có thể làm thay doanh nghiệp", chuyên gia nhấn mạnh.