Chuyển đổi số là hành trình chứ không phải cuộc đua
(DNTO) - Sáng 27/11, Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) tại TP.HCM tổ chức hội thảo chuyển đổi số chủ đề "Từ vượt trội đến dẫn đầu trong kỷ nguyên bình thường mới" với sự góp mặt của nhiều chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực.
Hội thảo xoay quanh các vấn đề về việc giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận với chuyển đổi số, xu thế tất yếu của ngành công nghiệp 4.0 trong thời đại mới.
Khái niệm chuyển đổi số đã được bàn luận, mổ xẻ rất nhiều trong những năm gần đây. Đại dịch Covid-19 bùng phát tác động mạnh mẽ lên nền kinh tế, đồng thời cũng là cơ hội để việc chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh được chú trọng hơn. Nhưng phải làm sao để có thể thuận lợi chuyển đổi số, nhất là đối với một doanh nghiệp kinh doanh thuần túy?
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết càng ngày thương mại điện tử càng nhận được nhiều sự quan tâm, muốn triển khai thương mại điện tử thì doanh nghiệp chỉ có thể chuyển đổi số tất cả hoạt động kinh doanh.
"Trong nền kinh tế hiện nay, nếu không chuyển đổi số và triển khai thương mại điện tử, doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại. Vấn đề nằm ở phương hướng lãnh đạo của những người đứng đầu. Chúng ta khoan hãy so sánh về trình độ của TP.HCM hay Hà Nội với những tỉnh, thành khác. Ngay tại TP.HCM sôi động nhất nước này, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp ì ạch trong việc tiếp cận số hóa", ông Dũng khẳng định.
Thực tế, sau một khoảng thời gian tiếp cận với việc chuyển đổi số, Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng khích lệ. Theo một thống kê về cuộc cách mạng số tính đến đầu năm 2020, người sử dụng internet đạt tỷ lệ 70% dân số và trung bình 6,3 giờ mỗi ngày, 65 triệu người sử dụng mạng xã hội di động, chiếm tỷ lệ 67%. Đây là những con số khả quan để Việt Nam tự tin thúc đẩy nhanh quá trình số hóa quốc gia.
Giáo sư Hà Tôn Vinh, Chủ tịch Tổ hợp Giáo dục, Đào tạo và Tư vấn Quản lý Stellar Management cho biết, đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, chuyển đổi số là vấn đề sống còn. Việc này cần thực hiện ngay từ lúc bắt đầu để xây dựng từ cá nhân khởi nghiệp thành doanh nghiệp khởi nghiệp và tiến tới quốc gia khởi nghiệp. Để làm được điều đó, dứt khoát phải phát triển nền tảng số vững chắc.
Vai trò của chủ doanh nghiệp và các cấp lãnh đạo vô cùng quan trọng trong việc định hướng và phát triển số hóa cho doanh nghiệp của mình. "Chuyển đổi sếp trước khi chuyển đổi số" là phát biểu của bà Lê Thị Thúy Nga, Trưởng văn phòng đại diện VACOD TP.HCM. Quan điểm này nhận được sự hưởng ứng, tán thành của các diễn giả trong phiên thảo luận.
Lý giải nhận định này, bà Nga giải thích "chuyển đổi sếp" là bản thân người lãnh đạo phải thay đổi tư duy kinh doanh truyền thống và tiếp cận nhanh chóng với các nền tảng số, đây chính là mấu chốt quyết định doanh nghiệp đó có chạy theo kịp guồng quay số hóa hay không.