Chuyển đổi số là chuyển mô hình kinh doanh và nâng cấp con người
(DNTO) - Trong mô hình 6 bước chuyển đổi số thì đã có hai bước liên quan tới tư duy lãnh đạo và năng lực của con người. Điều cần thiết là phải xây dựng được khung năng lực cốt lõi và lãnh đạo.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Mong đợi và năng lực cho chuyển đổi số, làm sao để không lỗi nhịp?”, do Skale – hệ sinh thái giải pháp nhân lực số hàng đầu châu Á kết hợp cùng Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Saigon Times Club và Le & Associates đồng tổ chức mới đây.
Đi từ nhận thức và tầm hiểu biết của người lãnh đạo
Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Giải pháp nhân lực Le & Associates (L&A), cho biết, trong mô hình 6 bước chuyển đổi số thì đã có hai bước liên quan tới tư duy lãnh đạo và năng lực của con người.
Theo bà Mỹ Lệ, lý do chính khiến cho doanh nghiệp thất bại khi ứng dụng công nghệ là thiếu năng lực triển khai và thiếu công nghệ quản trị nhân lực chỉn chu, quan trọng nhất là thiếu hiểu biết về công nghệ. Theo dó, điều cần thiết là phải xây dựng được khung năng lực cốt lõi và lãnh đạo.
Bà Trần Phương Ngọc Thảo, Giám đốc chuyển đổi số hóa của Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho rằng nếu muốn chuyển đổi số thành công thì đầu tiên phải đi từ nhận thức và tầm hiểu biết của người lãnh đạo. Lãnh đạo cần nắm bắt được xu thế mới và nhận định được nó ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh trong tương lai. Lãnh đạo cần phải hiểu nếu không chuyển đổi, thay đổi thì sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp ra sao. Từ đây, lãnh đạo có được sự lựa chọn ưu tiên cho từng hạng mục và mạnh dạn đầu tư đủ quy mô, đúng cách, chọn đúng nhà tư vấn... tránh sự sai sót, va vấp trong quá trình chuyển đổi số.
Ông Trương Bình Nguyên, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị SKALE, cũng cho rằng nhiều người nghĩ chuyển đổi số là công nghệ phải đi trước tuy nhiên, thực tế việc chuyển đổi tư duy của lãnh đạo mới là quan trọng. Người lãnh đạo cần xem chuyển đổi số là câu chuyện chiến lược mà họ vẫn làm bao lâu nay. Người lãnh đạo nên sẵn sàng và không sợ những cái mới, khi có chiến lược tốt rồi thì mới tính đến năng lực của nhân sự. Như vậy, sẽ giúp cho quá trình chuyển đổi số đạt hiệu quả hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Linh, Giám đốc Nhân sự công ty VNTT, chuyển đổi số cần một nguồn nhân lực chất lượng hơn là ổn định.
“Tốc độ phát triển công nghệ ứng dụng rất nhanh và chúng ta cần nhân sự phải đáp ứng tốt, phù hợp với mục tiêu của doanh nghiệp. Chuyện thay đổi nhân sự là bình thường, doanh nghiệp phải chấp nhận bởi quá trình chuyển đổi số tạo nên sự thay đổi về văn hóa làm việc”, bà Linh nói.
Làm sao để không lỗi nhịp
Làm sao để không lỗi nhịp với chuyển đổi số là vấn đề được các diễn giả bàn luận tại hội thảo.
Bà Trần Phương Ngọc Thảo cho rằng, để chuyển đổi số hiệu quả và không lỗi nhịp cần phải phối hợp chuẩn giữa công nghệ và kinh doanh. Việc quan tâm chăm chút, chú ý đến trải nghiệm nhân viên cũng được bà Thảo đề cập bởi đây cũng chính là lý do gây lỗi nhịp trong quá trình chuyển đổi số.
Lý giải điều này, bà Ngọc Thảo nêu, nếu các công ty tập trung đầu tư một hệ thống phức tạp và không thân thiện thì nhân viên không muốn tìm tòi học hỏi và phát huy. Thậm chí những người có năng lực và gắn bó lâu cũng sẽ rời công ty vì quy trình phức tạp.
Ông Trương Bình Nguyên chỉ ra rằng, lỗi nhịp của doanh nghiệp trong chuyển đổi số phần lớn vẫn là ở cán bộ quản lý cấp trung. Đội ngũ này ở thế hệ cũ hơn so với nhân viên trẻ nên bắt nhịp chậm hơn, còn những vấn đề tiên tiến họ không nhanh bằng lãnh đạo. Để vào đúng nhịp cần cải thiện năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý cấp trung với những giải pháp công nghệ đơn giản và nâng cấp theo từng cấp độ.
Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Lệ Nguyên, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Kido cho biết, chuyển đổi số là xu hướng nhưng mục tiêu mới là quan trọng. Doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải xác định được mục tiêu cụ thể của chuyển đổi số là gì, điều mà doanh nghiệp hướng tới và hiệu quả kinh doanh sẽ ra sao.
“Doanh nghiệp cực đoan với chuyển đổi số dẫn đến đầu tư dàn trải sai với quy mô công ty thì vừa tốn nguồn lực, thời gian mà lại không đạt kết quả tốt”, ông Trần Lệ Nguyên nói thêm.
Hồi cuối tháng 12/2021, báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2021 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phối hợp Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (USAID LinkSME) công bố đã nêu 9 khó khăn, rào cản doanh nghiệp gặp phải trong quá trình chuyển đổi số. Báo cáo được khảo sát trên 1.300 doanh nghiệp. 60,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết rào cản mà họ gặp phải khi áp dụng công nghệ số là chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao.
Khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh là rào cản lớn thứ hai khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, chiếm tỷ lệ 52,3% số doanh nghiệp khảo sát.
Khó khăn về thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số là rào cản thứ ba, chiếm 52,3% số doanh nghiệp tham gia khảo sát. Các rào cản tiếp theo là thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số, thiếu thông tin về công nghệ số và khó khăn trong tích hợp các giải pháp công nghệ số...
Thiếu hụt kỹ năng và tri thức số đang là nguyên nhân giảm hiệu suất lao động của nhân viên trước làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra sôi nổi trên toàn cầu. Theo nghiên cứu năm 2022 của McKinsey, các tổ chức thiết kế lại quy trình nhân sự để phù hợp với nhu cầu kỹ năng trong thời kỳ mới hậu Covid-19 có thể thúc đẩy sự tham gia của nhân viên lên 50%, giảm chi phí chương trình đào tạo và phát triển xuống 50% và tăng năng suất lên 40%.
Sự thay đổi môi trường kinh doanh hậu Covid-19, sự phát triển vũ bão của công nghệ đã thay đổi sân chơi, tuy nhiên, chỉ mới thiểu số doanh nghiệp đang tích cực chủ động tiên phong chuyển đổi số và thấu hiểu khoảng lệch về năng lực cần có để thành công. Số đông doanh nghiệp tiếp theo có lẽ cần rút kinh nghiệm người đi trước để giảm thiểu chi phí và rút ngắn được lộ trình tới đích mong đợi.
Khảo sát của MIT Center for Digital Business cho thấy: “Doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số sẽ đạt lợi nhuận cao hơn 26% so với mức trung bình của các đối thủ trong cùng lĩnh vực và có giá trị thị trường cao hơn 12%”.