Cần nhìn nhận doanh nghiệp là chủ thể trong ứng phó với dịch Covid-19
(DNTO) - Các chuyên gia đều cho rằng, trong tình hình mới, cần nhìn nhận doanh nghiệp là chủ thể trong ứng phó với Covid-19 để giao quyền, nâng cao năng lực y tế tại chỗ, cho doanh nghiệp tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tùy theo khả năng, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, ban hành chính sách phù hợp.
Tại Diễn đàn "Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh", diễn ra mới đây, ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết hiện nay trên toàn quốc vẫn có những điều chưa được hiểu đúng về dịch Covid-19 như vấn đề lây qua giọt bắn, tạo ra các F1 sai rất nhiều, phải phong toả, cách ly khiến chi phí chống dịch bị đội lên trong doanh nghiệp.
"Nhiều doanh nghiệp cho biết, chi phí test Covid-19 cho người lao động, công nhân rất lớn, đặc biệt nếu áp dụng sản xuất ba tại chỗ, đòi hỏi xét nghiệm thường xuyên, gây khó cho doanh nghiệp. Kết quả khảo sát về sức chịu đựng của doanh nghiệp Việt Nam trước tình trạng kéo dài của dịch bệnh và giãn cách xã hội cho thấy, một doanh nghiệp điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng; trong đó, thấp nhất là lĩnh vực nông, lâm, thủy sản (trung bình 4,7 tháng), lĩnh vực thông tin truyền thông (4,9 tháng) và doanh nghiệp ngành xây dựng là 5,3 tháng", ông Phu cho hay.
Nói về cách ứng xử với đại dịch, theo ông Phu, cần nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó Covid-19, để giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ.
Ông Trần Đắc Phu nêu bật quan điểm chấp nhận có F0 trong cộng đồng, do nền kinh tế đã chịu sức ép quá lớn. Nếu không phát triển kinh tế thì nền kinh tế sẽ chết, trong bối cảnh virus chủng Delta plus cũng không đáng ngại.
Theo ông Phu, hoạt động của các doanh nghiệp phải gắn liền với công tác chống dịch của các địa phương, chấp nhận quan điểm phòng chống dịch bệnh tại nơi mình hoạt động. Đặc biệt, trong tình hình mới, Trung ương cần thống nhất về các nguyên tắc, bao gồm vấn đề đi lại liên quan nhiều tới địa phương, nếu không có sự thống nhất thì sẽ xảy ra tình trạng mỗi nơi một kiểu, ngăn sông cấm chợ, không hỗ trợ được kinh tế phục hồi.
Đáng chú ý, vai trò của cơ sở y tế trong doanh nghiệp cũng vô cùng quan trọng, đây chính là bộ phận tham mưu cho doanh nghiệp, nhà máy về công tác xét nghiệm, phong toả, cách ly,... Việc xét nghiệm có hai ý nghĩa chính, đó là vừa để phát hiện, bóc tách F0, nhưng vừa thông qua đó để đánh giá nguy cơ đang ở mức độ nào.
“Trong bối cảnh mới, chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện cách ly, nhưng phải đúng là F1 hoặc đúng F0 mới cách ly, còn trong trường hợp không tiếp xúc mà đóng cửa cả nhà máy gây tốn kém và đứt gẫy dây chuyền sản xuất là rất nguy hiểm với các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, chúng ta phải rất linh hoạt, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, từ việc dự báo dịch, xác định vùng dịch và xác định các trường hợp cần xét nghiệm, phải cách ly, phong tỏa”, ông Phu khuyến nghị.
Tới đây, chiến lược tổng thể phòng chống dịch Covid-19 do Thủ tướng ký sẽ có những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, vì vậy cũng cần có các diễn đàn, hội nghị để có thêm đóng góp của doanh nghiệp vào xây dựng chiến lược. Có thể thấy, ứng xử đúng với dịch bệnh thì công tác chống dịch sẽ thành công, ứng xử chậm một nhịp có thể gây nguy hiểm, còn nếu ứng xử thái quá sẽ tổn hại nặng nề đến đời sống an sinh xã hội và phát triển kinh tế nói chung.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cũng cho rằng, cần có tư duy mới, quan điểm mới, chiến lược mới, cách làm mới về chống dịch.
“Phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp. Quan điểm mới này dẫn đến cần thay đổi chiến lược ứng phó Covid-19, thay vì dồn toàn lực tập trung cho một mặt trận chính là phòng chống dịch bệnh, từ nay chúng ta cần tập trung cho cả mặt trận thứ 2 là duy trì, phát triển kinh tế. Cả 2 mặt trận đều quan trọng và tác động qua lại với nhau, phòng chống dịch tốt thì mới duy trì được sản xuất an toàn, duy trì được sản xuất tốt thì mới có lực để chiến thắng dịch bệnh", ông Công nói.
Với cách tiếp cận này, Chủ tịch VCCI đề xuất, cần nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó Covid-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp. Trong cuộc chiến lâu dài chống Covid-19, cần công nhận và cho doanh nghiệp chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tuỳ theo khả năng, điều kiện của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp.