Cần giải quyết bài toán về thu nhập bình quân đầu người ở thành phố Thủ Đức
(DNTO) - GDP trên đầu người lài toán lớn khi làm quy hoạch. Chính vì vậy, cần phải liên kết đến vấn đề về kinh tế ngoài quốc doanh để thúc đẩy nội lực của Thủ Đức như kỳ vọng của Chính phủ cũng như là các cơ quan ban ngành, theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam.
Kinh tế đô thị là bài toán lớn cần giải quyết
Hiện nay, thành phố Thủ Đức đang nhận được sự kỳ vọng rất lớn, khi mà những điều kiện để hiện thực hoá nó trong tương lai đã sẵn sàng. Chia sẻ về lực đẩy kinh tế của thành phố mới này đối với các tỉnh phía Đông thành phố và sự phát triển chung, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam cho rằng, trước hết, cần điểm lại những điều kiện tiên quyết, những yếu tố để hình thành nên một đô thị, khi đề cập đến việc thành phố Thủ Đức đã đủ điều kiện để có thể phát huy được sự kỳ vọng của Chính phủ cũng như là chính quyền TP.HCM.
Thứ nhất là ý chí và quyết tâm về chính trị. Thứ hai là nguồn lực, bao gồm 2 vấn đề chính là năng lực tài chính và năng lực triển khai.
Tiến sĩ Khương chia sẻ: “Tôi nhận thấy rằng, đối với việc triển khai một “thành phố trong thành phố” để đạt được kỳ vọng là đóng góp vào ngân sách TP.HCM cũng như là ngân sách quốc gia, bài toán về nguồn lực và năng lực tài chính phải cần được làm rõ, để chúng ta hiện thực hoá nó thay vì chỉ đổi tên từ quận Thủ Đức thành thành phố Thủ Đức và sáp nhập các quận với nhau”.
Năng lực đầu tư vào thành phố Thủ Đức rất quan trọng, gồm cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội. Ngoài ra, kinh tế đô thị cũng là một bài toán lớn, phải làm sao để người dân tập trung về đây có thể sống và làm việc, chứ không phải cứ đổi tên thì nơi đó sẽ trở thành một đô thị. Đô thị đó phải giải quyết được bài toán công ăn việc làm, an cư xã hội cũng như đảm bảo được tính liên kết vùng giữa Thủ Đức và các tỉnh lân cận.
Cuối cùng là năng lực triển khai, thực hiện và giám sát ngân sách như thế nào. Nếu chúng ta thực hiện được những điều này, tôi nghĩ rằng đây sẽ là “cú hích” lớn vào TP.HCM nói riêng và quốc gia nói chung trong việc đóng góp và thúc đẩy phía Đông TP.HCM, để trở thành một thành phố năng động và đóng góp vào nền kinh tế, vào ngân sách Chính Phủ, Tiến sĩ Khương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Khương cho rằng, trong trường hợp chúng ta chưa sẵn sàng về mọi thứ thì việc xây dựng một đô thị như trên là điều còn cần phải cân nhắc vì khi ngân sách nhà nước bị giới hạn thì việc hợp tác về công tư, kêu gọi những nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, thúc đẩy là điều cần thiết.
Chẳng hạn, trước đây chúng ta kỳ vọng Thủ Thiêm là trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội của TP.HCM, nhưng đến nay chúng ta mất hơn 20 năm, và đây chính là một bài học lớn mà chúng ta cần phải lưu ý.
Sẽ có những tiêu cực liên quan đến vấn đề đất động sản, do đó, để có thể phát triển đô thị và đạt được kỳ vọng thì việc minh bạch trong ngân sách, triển khai cũng như kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đóng góp nguồn lực, năng lực tài chính vào Thủ Đức rất quan trọng và cũng là thử thách đối với chính quyền của Thủ Đức cũng như là của TP.HCM.
Năng lực của Thủ Đức sẽ phải như thế nào để có được những đột phá về kinh tế, đô thị?
Cũng theo ông Khương, để năng lực của Thủ Đức có được những đột phá về kinh tế, đô thị thì còn tuỳ thuộc vào quyết tâm theo đuổi của các cơ quan ban ngành trong việc thực thi những chủ trương của Chính phủ đã đề ra.
Trong trường hợp này, nó liên quan mật thiết đến nền kinh tế, trong đó, nhiệm vụ của các cơ quan ban ngành là làm sao đưa Thủ Đức lên thành một trung tâm kinh tế, như vậy thì các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước mới có thể thấy được cơ hội để họ đầu tư vào sản xuất, dịch vụ,… chứ không đơn thuần chỉ để xây dựng con đường và bán bất động sản, cũng không phải để người dân mua bất động sản để bán lại, phải làm sao để Thủ Đức trở thành trung tâm kinh tế, dịch vụ để người dân có thể về đó sinh sống và làm việc, có đồng lương thu nhập.
Chuyên gia Khương chia sẻ thêm, chúng ta đã giải quyết được bài toán cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội, vì gần như đây là những yếu tố có sẵn và chỉ cần phát triển lên, nhưng bài toán khó nhất là kinh tế, thu nhập bình quân. Tại TP.HCM, GDP bình quân đầu người mỗi năm đều rơi vào khoảng 3-4 nghìn đô, thì bài toán đặt ra là thu nhập bình quân của người dân khi về Thủ Đức sinh sống sẽ là bao nhiêu.
Cụ thể hơn, nếu người chồng hoặc người vợ làm việc ở TP.HCM, người còn lại làm tại Thủ Đức thì công việc ở đâu ra? Thu nhập như thế nào? Đây chính là bài toán lớn mà khi làm quy hoạch chúng ta phải lưu ý đến, cần phải liên kết đến vấn đề về kinh tế ngoài quốc doanh để thúc đẩy nội lực của Thủ Đức như kỳ vọng của Chính phủ cũng như là các cơ quan ban ngành, ông Khương nhấn mạnh.
Về câu chuyện xây dựng được một đô thị, chuyên gia Khương cho rằng, đây là câu chuyện của nhiều thế hệ, và nó phải cần mang tính kế thừa. Chẳng hạn, một nhiệm kỳ lãnh đạo sẽ là 4-5 năm, thì việc mang tính kế thừa để tiếp nối những định hướng, của Chính phủ, của những người đi trước là điều cần thiết. Đó là lý do vì sao chúng ta phải nhìn xa ra những thành phố khác, chẳng hạn như Paris, Vancouver, Tokyo, Seoul,… đều là những đô thị được phát triển dựa trên tính kế thừa trong nhiều năm.
Còn về vấn đề thời điểm, với tốc độ phát triển, đô thị hoá của Việt Nam nói chung và TP.HCM, Hà Nội nói riêng thì tôi nghĩ đây cũng là cơ hội để chúng ta có thể tạo ra những đối trọng trong những thành phố với nhau, nhưng đây là câu chuyện của 20 năm, 30 năm,… và phải qua nhiều đời lãnh đạo khác nhau, mang tính kế thừa và xuyên suốt những chỉ đạo của Chính phủ. Nếu không mang tính kế thừa thì chắc chắn sẽ xuất hiện những khó khăn cho người làm kinh doanh ở mỗi thời điểm khác nhau, ông Khương chia sẻ thêm.