Các nhà máy sản xuất tại châu Á tăng tốc

(DNTO) - Hoạt động sản xuất tại châu Á đã cho thấy dấu hiệu hồi phục, cùng với cuộc mở cửa trở lại của Trung Quốc. Nhưng làn gió mới này không đủ để vực dậy các cường quốc xuất khẩu như Đài Loan và Nhật Bản.

Nhà máy tại Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịp Tết Nguyên đán 2023. Ảnh: CNBC
Hôm nay, 1/3, S&P Global đã đưa ra một loạt dữ liệu về chỉ số quản lý thu mua (Purchasing Managers Index - PMI), tiếp tục cho thấy viễn cảnh khó lường của nền kinh tế thế giới trong thời điểm suy thoái, với mức lạm phát cao, lãi suất cho vay ngất ngưởng, sức tiêu thụ đang vất vưởng. Tuy nhiên, các chỉ số sản xuất tại châu Á đã đem lại ít nhiều hy vọng.
Sự hồi phục nhu cầu trong nước và quốc tế đã thổi luồng sinh khí mới vào hoạt động sản xuất của Việt Nam.
Giám đốc kinh tế Andrew Harker
Theo dữ liệu của S&P, trong tháng 2 đã có một sự khác biệt giữa các vùng sản xuất tại châu Á. Vùng Đông Nam Á, vốn tập trung cung ứng nhiều hơn cho thị trường nội địa, đã tiếp tục tăng trưởng. Trong khi đó, các trung tâm sản xuất chuyên xuất khẩu ở Bắc Á đã chậm lại.
Thái Lan đã có chỉ số PMI tốt nhất trong tháng 2, đạt 54.8, trong khi quốc gia này tăng cường năng suất sản xuất.
Chỉ số của Việt Nam đã leo thang chóng vánh từ mức 47.4 của tháng 1, lên thành 51.2, vượt qua ngưỡng 50 để trở thành mức tăng trưởng.

Chỉ số PMI của các nước trong khu vực châu Á. Ảnh: Bloomberg
Philippines, Indonesia và Myanmar cũng đã có các chỉ số PMI khả quan. Các quốc gia đi lên cùng với Trung Quốc, vốn đã có sự hồi phục trong hoạt động sản xuất lớn nhất trong vòng cả thập kỷ qua.
“Sự hồi phục nhu cầu trong nước và quốc tế đã thổi luồng sinh khí mới vào hoạt động sản xuất của Việt Nam trong tháng Hai, kết thúc thời gian yếu kém trong ba tháng chuyển giao cuối năm 2022” - theo Giám đốc kinh tế Andrew Harker, thuộc hãng S&P Global Market Intelligence.
Riêng tại Trung Quốc, sự hồi phục sản xuất trong tháng Hai diễn ra khi các nhà máy mở cửa trở lại sau dịp Tết Nguyên đán. Chỉ số PMI của Trung Hoa đại lục giữ mức 52.6, vượt mức dự đoán 50.6 mà các chuyên gia kinh tế tại Bloomberg dự đoán.
Các chỉ số ngoài phân khúc sản xuất, bao gồm hoạt động trong các ngành dịch vụ và xây dựng, đã tăng từ 54.4 (tháng Một) lên thành 56.3, vượt ngưỡng 54.9 được dự đoán.
Tuy vậy, tình cảnh tại các nước Bắc Á không sáng sủa cho lắm. Mức thuyên giảm đáng kể nhất xảy ra tại Nhật Bản, với mức PMI giảm xuống còn 47.7, mức thấp nhất trong vòng hai năm qua. Hàn Quốc sẽ đưa dữ liệu trong ngày mai, nhưng các số liệu xuất khẩu yếu đuối không cho thấy mấy triển vọng.
Đài Loan đã có mức tăng trưởng PMI cao nhất trong vùng Bắc Á, nhảy lên 49 (từ mức 44.3), tuy vẫn chưa qua được ngưỡng 50. Đài Loan được xem là thang bậc đo đạc tình trạng thương mại toàn cầu, cho thấy sản lượng sản xuất cũng như đơn hàng đã có phần tốt hơn, áp lực chuỗi cung ứng cũng đã giảm nhẹ.
Annabel Fiddes, Phó Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: “Xu hướng đi lên của các chỉ số này cho thấy nhu cầu tiêu thụ có phần tăng trưởng, một phần là nhờ có nới lỏng chính sách chống dịch Covid-19 ở Trung Hoa đại lục, góp phần thêm hy vọng rằng chúng ta đã qua thời điểm tồi tệ nhất của suy thoái kinh tế toàn cầu”.