Các công ty khai thác Bitcoin đang trên bờ vực phá sản vào cuối năm 2022
(DNTO) - Không thể phủ nhận rằng năm 2022 ngành công nghiệp tiền điện tử thực sự rất khó khăn. Trong tình trạng thị trường liên tục giảm giá vào gần cuối năm, lĩnh vực khai thác tiền ảo rơi vào tình trạng hoảng loạn và nhiều công ty lớn đang đứng trước ngưỡng cửa phá sản.
Mặc dù năm ngoái, các doanh nghiệp khai thác Bitcoin đã đạt được mức lợi nhuận đáng mơ ước khi so sánh với bất kỳ lĩnh vực nào. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Bitcoin vào năm 2022 đã có sự tác động lớn, các báo cáo chỉ ra rằng các công ty khai thác Bitcoin đã công khai khoản nợ lên đến 4 tỷ USD, điều này đã khiến nhiều công ty trong số đó đã nộp đơn xin phá sản, số còn lại đang trên bờ vực.
Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng này là do nhiều công ty khai thác Bitcoin đã vay một số tiền lớn vào thời điểm ‘nóng’ nhất của thị trường điện tử khi Bitcoin đạt giá cao kỷ lục 68,789 USD năm 2021. Hiện tại khi Bitcoin chỉ còn 16,800 USD dẫn đến tình trạng lỗ nặng trên toàn lĩnh vực.
Hơn nữa, khó khăn lớn về mạng lưới và chi phí điện gia tăng trên toàn thế giới kèm theo sự sụp đổ bất ngờ từ FTX cũng đã đang gây áp lực rất lớn lên thợ đào Bitcoin, doanh thu kiếm được bằng việc khai thác Bitcoin đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm qua.
Theo nền tảng phân tích dữ liệu Hashrate Index, 10 doanh nghiệp khai thác hàng đầu nợ tổng số tiền hơn 2,6 tỷ USD. Trong đó, một trong những công ty khai thác Bitcoin lớn nhất của Mỹ là Core Science với tổng số nợ phải trả 1,3 tỷ USD đã đệ đơn xin phá sản.
Dữ liệu cũng chỉ ra nhiều công ty khai thác trên thế giới đang chìm trong nợ nần chồng chất, công ty cung cấp dịch vụ lưu trữ và cơ sở hạ tầng để khai thác tiền số Computer North đã nộp đơn phá sản với khoản nợ lên tới 500 triệu USD.
Lĩnh vực khai thác tiền điện tử đang phải tái cấu trúc bằng việc thu gọn hoặc cắt giảm hoạt động trước khi thị trường tăng giá trở lại nếu không muốn có kết cục ‘thảm’. Điều này sẽ giúp củng cố ngành bằng cách cho phép các công ty khai thác mạnh hơn mở rộng hoạt động của mình bằng cách mua lại thiết bị và cơ sở hạ tầng của đối thủ.