Các bộ ngành 'xắn tay' bình ổn giá thịt lợn cho người dân
(DNTO) - Trước tình trạng giá heo hơi rơi xuống mức đáy trong khi giá thịt ở chợ truyền thống vẫn "trên trời", ảnh hưởng đến hàng chục triệu dân, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành phối hợp "chia lửa" để bình ổn giá, kịp thời xử lý những vi phạm nếu có.
Nghịch lí lợn hơi 35.000 đồng/kg, siêu thị bán 130.000 đồng/kg
Tại cuộc họp đánh giá thực trạng chăn nuôi, tiêu thụ thịt heo và giải pháp tăng cường quản lý, bình ổn thị trường diễn ra chiều 22/10, theo báo cáo của các bộ, ngành chức năng, thực trạng hiện nay giá thịt heo thành phẩm chưa giảm tương xứng so với giá heo hơi.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, giá heo hơi liên tục "rơi tự do", trong tháng 3,4 giá 70.000-75.000 đồng/kg; tháng 8, 9 giá còn 42.000-50.000 đồng/kg; đến thời điểm hiện tại, dao động 35.000-45.000 đồng/kg, đặc biệt có một số địa phương giá xuống dưới 35.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá thịt heo thành phẩm lại chỉ giảm "giỏ giọt" phổ biến ở mức 60.000- 100.000 đồng/kg tại chợ và ở mức 98.000- 130.000 đồng/kg tại siêu thị.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, thịt heo ngoài chợ đang xuống, đây là một điều đáng mừng đối với người dân bởi thịt heo chiếm đến 70% thành phần trong bữa ăn. Nhưng so với chênh lệch giữa giá xuất chuồng và giá thành phẩm đến tay người tiêu dùng là bất hợp lý
Theo ông Phú, người dân vẫn đang phải mua thịt heo ở mức giá cao so với đà giảm của giá heo hơi. Nguyên nhân do việc lưu thông, vận chuyển khó khăn, thịt heo phải đi qua quá nhiều khâu trung gian, phân phối trước khi đến tay người tiêu dùng. Đáng nói, thịt heo ngoài chợ giảm giá có độ trễ so với biên độ giảm giá của heo hơi.
Có nghĩa là các khâu bán lẻ đã cố giữ giá thịt heo ở mức cao thêm vài ngày khi mà giá heo hơi đã giảm để ăn chênh lệch. “Trong khoảng 1 tuần trở lại đây, giá heo ngoài chợ giảm mạnh và đây là sự giảm giá “không tự giác". Nguồn cung dồi dào mà nhu cầu không tăng, lúc này áp lực thị trường mới buộc các khâu bán lẻ mà cụ thể là tiểu thương phải giảm giá để bán được hàng", ông Phú nhận định.
Ngoài ra, ông Phú cho biết nếu không có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, không có đủ kho cấp đông để bảo quản thịt heo, bình ổn thị trường thì giá heo sẽ tiếp tục đi theo đồ thị hình sin (nghĩa là thời điểm này giá giảm nhưng thời điểm khác giá lại tăng vọt). Nghiêm trọng hơn, ông Phú dự báo việc giá heo giảm như hiện tại sẽ ảnh hưởng lớn đến việc tái đàn của các hộ chăn nuôi, dẫn đến khan hiếm thịt heo vào dịp Tết Nguyên Đán sắp tới.
“Giá heo hơi và heo mảnh đều giảm, người tiêu dùng được lợi song cái lợi này không tương xứng với cái thiệt thòi của người chăn nuôi. Nếu giá heo hơi vẫn ở mức thấp, người chăn nuôi sẽ bỏ chuồng, không tái đàn dẫn đến khan hiếm thịt heo vào dịp Tết Nhâm Dần sắp tới và lúc đó giá thịt heo sẽ tăng vọt", ông Phú dự báo.
Cần sự "hợp sức" từ các bộ, ngành để bình ổn giá
Với mức giá heo hơi hiện tại, không chỉ hàng ngàn hộ chăn nuôi trên cả nước mà các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn cũng “méo mặt” vì lỗ. Theo tính toán, trung bình con heo 1 tạ xuất chuồng, các hộ chăn nuôi lỗ từ 1,5 - 2 triệu đồng, còn các trang trại, công ty chăn nuôi… cũng lỗ hơn 1 triệu đồng. Thế nhưng, chưa dừng lại ở đó, các hiệp hội chăn nuôi còn dự báo giá heo hơi có thể giảm sâu nữa, xuống mức 25.000 đồng/kg nếu tình trạng thừa cung kéo dài, sản lượng heo đến kỳ xuất chuồng tăng liên tục.
Trước nguy cấp trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, việc tìm ra nguyên nhân và tập trung chỉ đạo để giải quyết vấn đề này là rất cần thiết, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục triệu người dân. Vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng trong bối cảnh hiện nay, cần có giải pháp điều hành từ các cơ quan Nhà nước.
Theo đó, Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ khẩn trương có các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ, dần bình ổn giá, đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên.
"Cần có giải pháp hỗ trợ cho bà con đang có lượng tồn lớn về đàn lợn, chưa xuất chuồng được", Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ về lĩnh vực tài chính. Đồng thời giao cho các bộ, ngành, địa phương, các trung tâm kinh tế lớn phải đẩy nhanh tiến độ phục hồi kinh tế.
Giao Bộ Công thương khẩn trương tổ chức các cuộc họp, làm việc với các địa phương để khôi phục hoạt động các chợ đầu mối, chợ truyền thống theo tinh thần Nghị quyết 128; mở các cửa hàng bình ổn giá để thúc đẩy tiêu dùng.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải tổ chức thanh, kiểm tra, làm rõ chi phí của từng khâu trong chuỗi giá trị, thanh kiểm tra sự chênh lệch giá bán (giữa giá thịt lợn hơi và giá bán tại chợ, siêu thị); rà soát lại việc xuất - nhập khẩu thịt heo; kịp thời xử lý những vi phạm nếu có.
Bộ Nông nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương tuyên truyền, làm việc cụ thể với các doanh nghiệp chế biến, các hộ tiêu thụ lớn, các doanh nghiệp có năng lực dự trữ, chế biến để đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thịt trong nước nhằm chia sẻ bớt khó khăn với người chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường quản lý giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành, nhất là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; xây dựng kế hoạch tái đàn, chăn nuôi theo tín hiệu thị trường đặc biệt cho dịp cuối năm và tết Nguyên đán.
"Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT xem xét và cần hành động để giúp người chăn nuôi như tạm ngưng nhập khẩu heo sống, ngưng nhập thịt heo đông lạnh, tăng kho lạnh để mua dự trữ cho nhà nông và cùng với Bộ Công thương điều tiết lại giá cả. Bộ NN&PTNT cần có cách làm thế nào để người nông dân và chính doanh nghiệp chăn nuôi thấy có sự công bằng ở đây”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Cũng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải rà soát, nắm rõ thêm tình hình hệ thống lưu thông, vận tải, tránh tình trạng một số nơi "cát cứ", gây khó khăn cho bà con trong tiếp cận thị trường (phương tiện chuyên chở khó đến với bà con); Phải bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, thống nhất trên toàn quốc.
Nguyên nhân dẫn tới giá giảm sâu theo lãnh đạo các bộ, ngành là do cầu giảm mạnh. Đồng thời việc lưu thông, vận chuyển khó khăn cũng ảnh hưởng tới giá. Một số cơ sở sản xuất, chế biến phải tạm dừng hoạt động do không đáp ứng được "3 tại chỗ" khi nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Nguồn cung các loại thực phẩm khác dồi dào cũng ảnh hưởng tới việc tiêu thụ thịt lợn.
Bên cạnh đó, do dịch Covid-19 nhiều tỉnh thành trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trường học, bếp ăn tập thể cơ bản là ngưng hoạt động; các nhà hàng, quán ăn, khách sạn, chợ đầu mối, chợ dân sinh không hoạt động... dẫn đến nhu cầu sử dụng thực phẩm giảm rõ rệt (khoảng 30-50%).
"Đến nay, mặc dù các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường, tuy nhiên lượng nhân công lao động ở các địa phương vẫn chưa quay lại các thành phố lớn để làm việc, các trường học vẫn đóng cửa, các quán ăn mở đón khách với số lượng hạn chế. Do vậy mức tiêu dùng thực phẩm vẫn còn hạn chế", Thứ trưởng Tiến nói.