Cả nước sẽ tiết kiệm 50.000 – 70.000 tỷ mỗi năm nhờ hợp đồng điện tử toàn diện

(DNTO) - Việt Nam hiện đã có 48.533 doanh nghiệp đã sử dụng hợp đồng điện tử có chứng thực. Số doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử tiếp tục tăng lên sẽ giúp giảm chi phí hành chính, đồng thời giúp doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả.

Hợp đồng điện tử giúp tiết kiệm một loại chi phí: in ấn giấy tờ, chuyển phát và bảo quản hồ sơ, chứng từ giấy theo thời gian quy định. Ảnh: T.L.
Gần nửa triệu hợp đồng điện tử có chứng thực
Chia sẻ trong Diễn đàn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử với chủ đề “Phát triển hợp đồng điện tử an toàn” sáng 15/10, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương Lê Hoàng Oanh nhấn mạnh thương mại điện tử đã và đang trở thành động lực chủ chốt trong nền kinh tế số, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 25% trong năm 2023 và dự kiến sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025.
Hợp đồng điện tử trong nền kinh tế Việt Nam đóng một vai trò tối quan trọng để hoàn thiện nền kinh tế số, giúp Chính phủ quản lý và phát triển hoạt động thương mại một cách hiệu quả và bền vững.
Từ năm 2022 - 2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã hỗ trợ các CeCA kết nối với Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam để cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử.
Thống kê đến tháng 8/2024, đã có 48.533 doanh nghiệp đã sử dụng hợp đồng điện tử có chứng thực. Tổng số hợp đồng điện tử được chứng thực đã được Trục phát triển hợp đồng điện tử ghi nhận luỹ kế là 490.471 hợp đồng.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết hợp đồng điện tử vốn là nền tảng cơ bản của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được bảo vệ hiệu quả, đảm bảo giá trị như bản giấy/bản gốc trong giao dịch. Do được xác thực ngay tại thời điểm ký kết nên doanh nghiệp, cá nhân không phải chờ đợi, đi lại để hoàn tất việc thực hiện ký kết, cũng như xin xác thực khi cần dùng cho bên thứ 3. Người tiêu dùng, cá nhân cũng được đảm bảo quyền lợi, công bằng khi phát sinh khiếu nại, tranh chấp.
“Việc ứng dụng hợp đồng điện tử toàn diện sẽ giúp đất nước tiết kiệm 50.000 – 70.000 tỷ/năm bao gồm chi phí in ấn giấy tờ, chi phí chuyển phát và bảo quản hồ sơ, chứng từ giấy theo thời gian quy định. Quan trọng hơn, sẽ giúp các doanh nghiệp rút ngắn thời gian và chi phí giao kết, chứng minh lịch sử giao dịch, uy tín khi giao dịch với cơ quan quản lý hoặc các tổ chức ngân hàng, tài chính”, đại diện Cục cho biết.
Một số doanh nghiệp ngại ký hợp đồng điện tử

Doanh nghiệp than phiền việc duy trì chữ kí số đang khá cao, nếu áp dụng cho toàn thể nhân viên thì khó đảm bảo nguồn tài chính. Ảnh: T.L.
Theo sách trắng thương mại điện tử, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử tăng dần từ 2020-2022 tăng từ 29% lên 42%. Tuy nhiên năm 2023 giảm xuống còn 41%.
Ông Đỗ Kế Công – Giám đốc Trung tâm kinh doanh Chữ ký số và Hợp đồng điện tử, VNPT, cũng thừa nhận đang có một bộ phận khách hàng do quan ngại nên họ không tiếp tục sử dụng dịch vụ hợp đồng điện tử, mặc dù họ cũng nhận thấy hợp đồng điện tử mang lại hiệu quả rõ rệt về mặt kinh tế, thương mại.
Khi tìm hiểu, đơn vị này nhận thấy có nhiều rào cản về pháp lý như thiếu sự chấp nhận, công nhận giá trị của Hợp đồng điện tử của bên thứ 3 như: kho bạc, hải quan, thuế, ngân hàng... Thiếu các hướng dẫn, quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trong từng lĩnh vực cụ thể.
“Hiện nay, Luật Giao dịch điện tử cũng có quy định rất rõ về giá trị của hợp đồng điện tử. Nhưng rất buồn là khách hàng của chúng tôi mang một hợp đồng điện tử ra kho bạc để làm thủ tục thanh toán theo quy định nhà nước, nhưng cán bộ kho bạc vẫn yêu cầu một bộ hợp đồng giấy kẹp cùng hồ sơ”, ông Công nêu ví dụ.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng gặp một số rào cản về công nghệ như khi nhận bản hợp đồng điện tử, doanh nghiệp không thể xác định nó có đảm bảo toàn vẹn về nội dung hay không; hay làm sao để xác thực chủ thể cá nhân, doanh nghiệp tham gia giao kết hợp đồng; thời điểm thực hiện hợp đồng có bị lùi lại so với thời điểm họ kí kết hay không?... Chưa kể, những rào cản về trải nghiệm và chi phí sử dụng khi yêu cầu người dùng phải có kỹ năng và thiết bị công nghệ để thực hiện.
“Nếu giờ kí hợp đồng điện tử với lao động như shipper hay nhân viên phổ thông thì họ cần kĩ năng công nghệ gì có thể thực hiện được. Hay một số nhân viên ngân hàng than phiền rằng trước kia mua một chữ kí số mất 200-500 nghìn đồng/năm. Nếu cấp cho toàn bộ nhân viên thì doanh nghiệp không đảm bảo năng lực tài chính để duy trì”, ông Công nêu thực tế.
Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết nhiều quốc gia đi theo mô hình của các nước Châu Âu, Mỹ gặp thách thức khi ứng dụng chữ ký điện tử với độ phức tạp về công nghệ gây khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật và tòa án. Điều này khiến cho doanh nghiệp còn lo ngại về giá trị pháp lý của chứng từ điện tử nói chung và hợp đồng điện tử nói riêng, dẫn đến tỷ lệ ứng dụng còn thấp.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Chính phủ mạnh tay trong việc cấp phép, tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành các tổ chức thứ ba có chức năng chứng thực cho hợp đồng điện tử đã tạo ra sự bùng nổ của thị trường.
Như vậy, quốc gia phát triển ứng dụng hợp đồng điện tử đều phải hình thành các Tổ chức có vai trò trung tâm kết nối, chứng thực cho các bên tham gia vào giao dịch.
“Ngoài vai trò công nghệ, tổ chức đó còn có nhiệm vụ kết nối việc ứng dụng hợp đồng điện tử với các bên liên quan như trọng tài thương mại, tòa án, bảo hiểm, các cơ quan giải quyết tranh chấp, như vậy sẽ đảm bảo được việc thực thi và ứng dụng toàn trình của hợp đồng điện tử như giao dịch thương mại truyền thống”, ông Đức Anh nói.
Do đó, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và các cơ quan chức năng sớm ban hành các văn bản liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật để hợp đồng điện tử có thể được chấp nhận bởi bên thứ ba cũng như tăng cường sự hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để hợp đồng điện tử trở thành công cụ giao dịch phổ biến.