Bức tranh kinh tế 2021: Tác động của Covid -19 vẫn là xu thế chủ đạo.
(DNTO) - Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, dù có nhiều đột phá song bức tranh kinh tế Việt Nam 2021 vẫn chưa thể “sáng” do đại dịch Covid-19 còn “bủa vây”.
Đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu
Tại hội nghị “Tổng kết kinh tế 2020 và dự báo triển vọng 2021”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh mục tiêu trọng yếu trong năm 2021 là cần ưu tiên phục hồi kinh tế và khẳng định thêm rằng, từ nhiều năm nay, mục tiêu tăng trưởng đưa ra đều cơ bản đạt được.
Cụ thể hai đợt bùng phát dịch bệnh vào tháng 3 và tháng 7 đã ảnh hưởng lớn nhưng chúng ta đã kiểm soát thành công và thực hiện “mục tiêu kép” thắng lợi với những con số “biết nói”: Xuất khẩu khả quan, tăng 6,5%; thặng dư thương mại lên tới17 tỷ USD, cao nhất trong 4 năm qua. Đặc biệt khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng, tăng hơn 20%, có 30 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 5 mặt hàng trên 10 tỷ USD... tạo bệ đỡ rất lớn trong sự phát triển kinh tế trong năm 2021.
“Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, chúng ta cần đẩy nhanh tốc độ phục hồi hơn nữa. Nhà nước nên có chính sách khuyến khích doanh nghiệp mới, ngành nghề mới xuất hiện nhiều hơn chứ không chỉ cứu những doanh nghiệp "đã chết", bởi cứu những doanh nghiệp này sẽ tốn kém hơn rất nhiều.Hãy để doanh nghiệp lớn bằng tài năng thực của họ”". Ông Cung nhận định.
Theo đó doanh nghiệp cũng phải làm nhiều việc hơn nữa để thay đổi hình ảnh. Phải kết nối cộng đồng hơn, mang tính dẫn dắt nhiều hơn. Đặc biệt, các tỷ phú của Việt Nam phải là hình ảnh của những doanh nhân có triết lý kinh doanh gắn với trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với đất nước...
Thậm chí, theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, đưa ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2021 hiện nay là hơi thấp, chính phủ cần nâng mục tiêu lên đủ cao, có thể là 8-9% để các nhà lãnh đạo có động lực hơn, có trách nhiệm hơn. Theo đó, ông Cung kỳ vọng Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng bởi một số hiệp định thương mại quốc tế EVFTA, CPTPP và RCEP. Cùng với đó là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát dần được kiểm soát theo mục tiêu.
Cũng theo các chuyên gia, quá trình chuyển đổi số mang lại cuộc cách mạng đối với doanh nghiệp Việt. Cơ hội về kinh tế số sẽ mang lại cơ hội về kinh doanh cho chính doanh nghiệp Việt Nam, nếu doanh nghiệp Việt Nam bắt được cơ hội này sẽ tạo tiền đề phát triển mới.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tìm kiếm cơ hội kinh doanh gắn với thị trường, với hội nhập quốc tế, nhất là với các FTA mà Việt Nam tham gia. Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nguồn lực phát triển. Đồng thời cần nỗ lực tham gia chuỗi giá trị, lựa chọn đối tác hiệu quả và "cùng thắng". Ðây là những giải pháp quan trọng giúp kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn hiện nay, đồng thời, tạo đà quan trọng để triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu của năm 2021.
Tuy nhiên ông Cung cũng cho rằng nền kinh tế Việt Nam 2021 không thể bật lên ngay như lò xo được, chừng nào chưa có vaccine đặc trị thì chúng ta vẫn phải áp dụng các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh và do "cửa chưa thể mở hết” khiến sản xuất bị ảnh hưởng do nền kinh tế chúng ta đang phụ thuộc nhiều vào cầu ở thị trường đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn "non trẻ", mới chỉ đạt được những kết quả ban đầu. Những yếu kém về trình độ khoa học công nghệ, mức độ sẵn sàng tiếp nhận công nghệ 4.0, chuyển đổi số và các mô hình kinh doanh mới còn thấp. Khu vực kinh tế tư nhân còn yếu về tài chính, quản trị và năng lực công nghệ...
Song cũng có thể thấy rằng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội mà chúng ta đạt được trong những năm qua đã làm tăng năng lực "đề kháng" của đất nước trong việc đối phó và vượt qua thời kỳ đại dịch. Đây sẽ là những yếu tố thuận lợi thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế năm 2021.
Cần những cải cách đủ "tầm" làm “bệ phóng” phát triển kinh tế.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Cung,, cải cách trước đây nhà nước đứng yên, thị trường tiến. Còn hiện tại, nếu nhà nước không thay đổi cách thức sản xuất, thì thị trường sẽ méo mó, không thể vận hành đúng quy luật được. Do đó, để đạt được những mục tiêu cao hơn đối với tăng trưởng kinh tế 2021, đòi hỏi bài toán chất lượng hoạch định về cải cách, cải cách mang tính nền tảng số.
“Những thứ cải cách hết sức căn bản nếu không thay đổi thì chẳng khác gì những "diễn viên" vắng bóng trên "sân khấu" tăng trưởng kinh tế”, ông Cung nói.
Theo đó ông Cung cho rằng, vấn đề cốt lõi của cải cách chính là: "Tự do, tự do, tự do hơn", " Thị trường, thị trường, thị trường hơn". Hay nói cách khác, cải thiện môi trường kinh doanh phải xóa bỏ cơ chế xin- cho, và tháo gỡ những khó khăn đang đè nén thị trường. Để cho các chủ thể thị trường độc lập về pháp lý, được tự do quyết định sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu, sản xuất như thế nào, sản xuất cho ai, tự do thỏa thuận hợp đồng, tự quyết định giá và trao đổi theo cung cầu thị trường.
“Chúng ta cải thiện môi trường kinh doanh, tức là phải làm cho doanh nghiệp tự do hơn, doanh nghiệp kinh doanh an toàn hơn, kết nối nhanh hơn, cảm nhận được an toàn trong kinh doanh, thì lúc đó người ta mới về đầu tư. Mà tính an toàn trong hoạt động kinh doanh của Việt Nam cực kỳ kém", TS Cung nhận định.
Tiếp đó ông Cung nhấn mạnh rẳng cần phải thay đổi về phương pháp. Cụ thế, cần loại bỏ kiểm tra, kiếm soát doanh nghiệp theo kế hoạch vì đây là tàn dư của kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, chính điều này đã và đang tạo ra rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp. Kinh tế thị trường không có kiểu thanh tra như vậy.
“Doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, anh đưa họ vào kế hoạch thanh tra, như thế là đầy rủi ro cho doanh nghiệp. Bởi nếu lợi ích bị vi phạm, đã có trọng tài, có tòa án, sao lại có một ông vào thanh tra xem tôi có tuân thủ pháp luật không. Do đó phải thay đổi để tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển thay vì tạo ra những công cụ "hành" doanh nghiệp như thời gian qua”, ông Cung khuyến nghị.
Như vậy phải thay đổi đồng thời cùng một lúc cả thị trường, cả nhà nước, và phương pháp quản lí, sự thay đổi này mang tính chất "sống còn" cho nền kinh tế, bởi "nếu không thay đổi được thì mức độ tăng trưởng của nền kinh tế thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục dậm chân tại chỗ". Ông Cung khẳng định.