Nhiều dư địa tăng trưởng cho ngành thép trong năm 2021
(DNTO) - Đa số các doanh nghiệp thép xây dựng ghi nhận sản lượng tiêu thụ năm 2020 giảm so với năm trước, tuy nhiên một số ít vẫn đạt được tăng trưởng như Hòa Phát Việt Nhật, ... Giá thép xây dựng tăng cao những tháng cuối năm có thể giúp doanh nghiệp cải thiện tỷ suất lợi nhuận.
Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong năm 2020, các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội sản xuất 10,11 triệu tấn và tiêu thụ 10,47 triệu tấn thép xây dựng, giảm tương ứng 4,2% và 1,2% so với năm 2019.
Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu thị trường với sản lượng tiêu thụ đạt kỷ lục 3,4 triệu tấn, chiếm 32,5% thị phần. Năm ngoái, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đạt 26,2% thị phần, sản lượng gần 2,78 triệu tấn.
Thép là một trong những ngành được FiinGroup dự báo tăng trưởng năm 2021
Trong báo cáo mới đây, nhóm phân tích dữ liệu FiinGroup đánh giá nhiều ngành phi tài chính xếp hạng "giảm tốc" trong năm nay sẽ có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm 2021. Động lực cho nhóm này đến từ thông tin về vaccine Covid-19 và các yếu tố nền tảng vĩ mô đang dần cải thiện.
Với ngành thép, xuất khẩu phôi thép được dự báo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính năm tới, trong bối cảnh tiêu thụ thép trong nước dự kiến ở mức thấp.
Đánh giá về Hòa Phát, nhóm phân tích cho rằng, với thị phần trong nước hơn 32%, Hòa Phát là doanh nghiệp thép duy nhất có khả năng thiết lập mặt bằng giá (duy trì giá bán ra thấp để tăng thị phần) và linh hoạt trong phương án kinh doanh (đẩy mạnh xuất khẩu phôi thép và bán thép cán nóng trong nước khi nhu cầu thép xây dựng giảm mạnh).
Tuy nhiên, tăng trưởng của doanh nghiệp này cũng có thể gặp thách thức nếu nhu cầu thép xây dựng trong nước tiếp tục giảm, ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào và nhu cầu nhập khẩu thép của Trung Quốc suy yếu nếu nước này cho phép nhập thép phế liệu trở lại từ tháng 6/2021.
Phân tích của SSI cho biết, tiêu thụ thép trong nước bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 trong những tháng đầu năm nhưng đã có sự phục hồi đáng khích lệ trong giai đoạn tiếp theo.
Cụ thể, sản lượng thép xây dựng và thép dẹt thành phẩm trong nước giảm lần lượt 12% và 5%, trong bốn tháng đầu năm 2020 do hoạt động xây dựng chững lại trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, kể từ tháng 5, sản lượng tiêu thụ của 2 loại sản phẩm này đã phục hồi tích cực với mức tăng trưởng 1% (tháng 5/2020) và 7% (tháng 11/2020) so với cùng kỳ. Một trong những nguyên nhân đáng kể là đầu tư công, với tổng giá trị trong 11 tháng tăng 34% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu thép đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ từ quý 2, nhờ nhu cầu thế giới phục hồi cùng với sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Tổng sản lượng xuất khẩu các sản phẩm thép tăng 48% so với cùng kỳ trong 11 tháng năm 2019.
Triển vọng tăng trưởng một con số
Nhận định về thị trường thép năm 2021, SSI Research ước tính nhu cầu thép sẽ tăng khoảng 3-5% từ mức cơ sở thấp trong năm 2020, nhờ kỳ vọng kinh tế vĩ mô chung phục hồi, cùng với hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng đặc biệt là các dự án trọng điểm mang tính cấp bách như cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay quốc tế Long Thành...
Sản lượng xuất khẩu được hỗ trợ mạnh nhờ việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, để bảo vệ tăng trưởng GDP trong bối cảnh khu vực tư nhân chững lại; ngành ô tô phục hồi, do dịch Covid-19 khuyến khích khách hàng chuyển từ phương tiện giao thông công cộng sang phương tiện cá nhân; sản xuất dần ổn định trong nửa cuối năm.
SSI ước tính xuất khẩu thép của Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng một con số trong năm tới. Tuy nhiên, nguồn cung thế giới ổn định cũng có thể dẫn đến áp lực cạnh tranh gay gắt hơn đối với thị trường xuất khẩu.
SSI lạc quan về triển vọng dài hạn của ngành thép. Nhu cầu thép có thể tiếp tục được hỗ trợ bởi sự phục hồi của thị trường bất động sản, dòng vốn FDI và đầu tư công trong những năm tới. Ngoài ra, các công ty như HPG có thể tận dụng tối đa nguồn cung HRC trong nước đang thiếu hụt và duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng trên 10% trong năm 2022.