Đại diện Cục Xuất nhập khẩu: 'Doanh nghiệp đừng chờ đối tác yêu cầu mới đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ'
(DNTO) - Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, doanh nghiệp muốn đẩy mạnh xuất khẩu cần chủ động tìm hiểu về Hiệp định CPTPP để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan.
Trao đổi về quy tắc xuất xứ trong hiệp định CPTPP sáng 20/1, bà Nguyễn Cẩm Trang cho biết, kể từ khi Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực và đi vào thực thi từ 14/1/2019, sự chủ động của doanh nghiệp trong việc tìm hiểu thông tin về Hiệp định đã tăng lên.
“Hiện số lượng doanh nghiệp được cấp C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) ngày càng tăng, những cuộc điện thoại, email với mong muốn tìm hiểu và hỗ trợ tư vấn về Hiệp định của doanh nghiệp liên tục gửi về. Bộ Công thương nỗ lực đồng hành và sát sao với doanh nghiệp”, bà Trang cho biết.
Tuy nhiên vị Phó Cục trưởng cho hay, hiện đa phần doanh nghiệp chỉ tìm hiểu thông tin về Hiệp định khi đối tác nhập khẩu yêu cầu phải xuất trình được giấy C/O mẫu CPTPP; còn chưa thực sự chủ động trong việc tiếp cận với quy tắc xuất xứ hàng hóa trong các hiệp định để tận dụng những ưu đãi thuế quan.
Bà Trang cũng đưa ra ví dụ hàng hóa muốn xuất khẩu sang Nhật Bản, khi Nhật Bản và Việt Nam đều là thành viên của CPTPP, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế với Việt Nam (VJEPA), doanh nghiệp không biết chứng nhận xuất xứ theo hiệp định nào sẽ hưởng ưu đãi thuế quan tốt hơn hay làm thế nào để đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo Hiệp định.
Số liệu của Bộ Công thương cũng cho thấy, trong năm 2019, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và 10 nước CPTPP đạt 77,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm 2018. Tuy vậy, thị phần hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại các nước đối tác CPTPP phần lớn còn thấp. Trong đó, Nhật Bản (chiếm 2,8%), Australia (chiếm 1,6%), New Zealand (1,3%), Singapore (0,9%) và Canada (0,8%) và thấp nhất là Mexico (chiếm 0,6%).
“Doanh nghiệp chưa chủ động trong việc tìm hiểu xem hàng hóa của mình đã đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ theo CPTPP hay chưa và nếu muốn đáp ứng tiêu chuẩn này thì phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất, nguồn nguyên liệu như thế nào. Nếu doanh nghiệp đặt được câu hỏi và tìm hướng trả lời thì việc xin C/O chỉ là thủ tục hành chính đơn giản”, bà Trang nhấn mạnh.
Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, quy trình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã được cải tiến rất nhiều theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi hơn, hiện đại hóa, áp dụng cấp giấy C/O thông qua internet và dần bắt đầu với việc tự cấp C/O trong một số Hiệp định.
Đối với hàng hóa từ Việt Nam đi các nước CPTPP hiện nay sẽ áp dụng giấy chứng nhận xuất xứ mẫu CPTPP của Việt Nam. Còn đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước CPTPP, doanh nghiệp sẽ tự chứng nhận xuất xứ theo quy định của mỗi nước xuất khẩu trong khuôn khổ CPTPP.
Việt Nam hiện vẫn chỉ áp dụng một cơ chế là cơ quan tổ chức được ủy quyền cấp C/O, chưa áp dụng chứng nhận tự xuất xứ. Do vậy, khi doanh nghiệp xuất khẩu muốn được hưởng ưu đãi thuế quan phải xin C/O mẫu CPTPP, được quy định tại Thông tư số 06/2020/TT-BCT (sửa đổi Thông tư 03/2019/TT-BCT) về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP.
Tuy nhiên, Việt Nam có lộ trình 5 năm thực hiện cơ chế nhà nhập khẩu tự chứng nhận và lộ trình 10 năm thực hiện cơ chế nhà sản xuất, xuất khẩu tự chứng nhận, kể từ ngày CPTPP có hiệu lực.
“Bộ Công thương đang căn cứ vào tình hình thực tiễn, mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp cũng như mức độ đáp ứng yêu cầu quản lý để đưa ra cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP”, bà Trang cho biết.
Trong công tác thực thi triển khai quy tắc xuất xứ hàng hóa, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cũng lưu ý việc Việt Nam phải tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ, trong bối cảnh tình hình thương mại thế giới có những biến động phức tạp, nguy cơ gian lận xuất xứ tăng cao.
Mặt khác các Hiệp định Việt Nam tham gia, đặc biệt những FTA thế hệ mới như CPTPP đều có những cơ chế kiểm tra, xác minh xuất xứ cũng như các chế tài rất chặt chẽ. Vì vậy chỉ một vài doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận cũng có thể ảnh hưởng đến cả ngành sản xuất Việt Nam.
“Những biện pháp cần triển khai để chống gian lận xuất xứ hàng hóa được Bộ Công thương đặt lên hàng đầu để bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính và bảo vệ hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, ngoài nỗ lực của cơ quan nhà nước, cần đồng hành, chủ động, tích cực của các doanh nghiệp”, bà Trang nhấn mạnh.