Bộ Tài chính 'tuýt còi' các công ty chứng khoán 'biến tướng' huy động vốn
(DNTO) - Với việc các công ty chứng khoán huy động vốn, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước dưới các hình thức hợp tác đầu tư, tiết kiệm tiền gửi, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị này giải trình và xử lý theo quy định.
Trong tháng 4/2021, Bộ Tài chính cho biết đã nhận được một số câu hỏi từ phóng viên, cơ quan báo chí, người dân, doanh nghiệp về các lĩnh vực quản lý Nhà nước của bộ, trong đó có các vấn đề liên quan đến lĩnh vực chứng khoán.
Theo Bộ Tài chính, báo chí phản ánh tình trạng các công ty chứng khoán "biến tướng" huy động vốn, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước, dưới các hình thức hợp tác đầu tư, tiết kiệm tiền gửi…
Nhiều chuyên gia cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải thanh kiểm tra và yêu cầu các công ty chứng khoán chấm dứt ngay dịch vụ này để tránh rủi ro phát sinh.
Trả lời về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, đã có văn bản yêu cầu Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDirect) báo cáo, giải trình về nội dung phản ánh nói trên của báo chí. Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu MBS dừng thực hiện dịch vụ.
Đối với VNDirect, Bộ Tài chính sẽ có xử lý tương tự sau khi nhận được ý kiến giải trình của công ty và tổ chức kiểm tra hoạt động một số công ty chứng khoán.
Trước đó, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm đang rất thấp, nhiều công ty chứng khoán đã thực hiện "lách" huy động vốn từ khách hàng dưới tên gọi "hợp tác đầu tư" (hoặc tên gọi tương tự). Sản phẩm này giúp khách hàng có được lợi suất tốt hơn so với gửi tiết kiệm ngân hàng, trong khi thời hạn linh hoạt hơn và có thể sẵn sàng giao dịch chứng khoán khi cần thiết mà không cần phải chuyển qua lại giữa các tài khoản ngân hàng.
Đối với công ty chứng khoán, hình thức này giúp họ có được nguồn vốn giá rẻ nhanh chóng để cung cấp cho hoạt động kinh doanh (phần lớn cho hoạt động margin) mà không cần phải phát hành trái phiếu hay tăng vốn.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, chỉ các ngân hàng mới được phép thực hiện việc huy động vốn ngắn hạn từ cá nhân. Quỹ Tín dụng nhân dân cũng bị hạn chế, chỉ được phép nhận tiền gửi của thành viên hoặc từ các đối tượng theo quy định của NHNN.
Luật Chứng khoán 2019 cũng quy định rõ các công ty chứng khoán chỉ được phép thực hiện 4 dịch vụ gồm: Môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành và tư vấn đầu tư chứng khoán.
Đồng thời, phải quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch của từng khách hàng; tách bạch tiền của khách hàng với tiền của mình, không được trực tiếp nhận và chi trả tiền mặt để giao dịch chứng khoán của khách hàng mà phải thực hiện qua ngân hàng thương mại, hay các giao dịch liên quan đến tiền của khách hàng, chỉ được phép thực hiện theo quy định của pháp luật...
Các chuyên gia khuyến nghị các nhà đầu tư, người dân tham gia hợp tác kinh doanh phải tỉnh táo. Vì lãi suất, lợi nhuận lớn thường đi kèm với rủi ro cao.
Nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ, quan tâm đến năng lực, uy tín, các dự án, sản phẩm, thị trường của doanh nghiệp trước khi đầu tư. Người dân gửi tiết kiệm vào ngân hàng thì an toàn hơn vì đây là định chế tài chính lớn, có nhiều quy định khắt khe để bảo đảm an toàn và có NHNN giám sát, quản lý chặt chẽ.