Bị Covid-19 dập tơi tả, vì sao Vietjet Air, Vinhomes… vẫn duy trì lợi nhuận dương?
(DNTO) - Bên cạnh các hoạt động kinh doanh cốt lõi, nhiều doanh nghiệp như Vietjet Air, Vinhomes, Sunhouse hay FPT vẫn duy trì lợi nhuận dương trong bối cảnh dịch Covid-19 nhờ chiến lược ngân quỹ thông minh.
Dùng tiền khôn khéo
Dù ngành hàng không gần như bị đóng băng bởi đại dịch Covid-19 nhưng Vietjet Air vẫn có lợi nhuận nhờ nghiệp vụ ngân quỹ.
Theo báo cáo tài chính của Vietjet, lợi nhuận từ việc cung cấp dịch vụ của hãng liên tục giảm do ảnh hưởng bởi dịch; tuy nhiên lợi nhuận tài chính mỗi quý luôn duy trì dương và liên tục tăng, lần lượt là 234 tỷ đồng, 1.030 tỷ đồng, 133 tỷ đồng, 1.356 tỷ đồng, 1.609 tỷ đồng từ quý 2/2020 đến quý 3/2021, duy nhất quý 4/2020 âm nhẹ (-45 tỷ đồng).
Khi dòng lợi nhuận tài chính lớn hơn phần bị sụt giảm lợi nhuận của việc cung cấp dịch vụ, thì tổng lợi nhuận trước thuế của Vietjet Air không bị ảnh hưởng nhiều. Từ quý 2/2020 đến quý 3/2021, lợi nhuận trước thuế mỗi quý của hãng này lần lượt là -965 tỷ đồng, 1.038 tỷ đồng, -930 tỷ đồng, 1.005 tỷ đồng, 114 tỷ đồng, 22 tỷ đồng.
Vinhomes cũng duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận nhờ nghiệp vụ ngân quỹ, song song với các hoạt động kinh doanh cốt lõi, bán hàng và cung cấp dịch vụ. Cụ thể, lợi nhuận tài chính của công ty này liên tục tăng, -688 tỷ đồng (2017), 12.108 tỷ đồng (2018), 6.496 tỷ đồng (2019) và 16.225 tỷ đồng (2020).
Mặc dù lợi nhuận tài chính của Vinhomes phần lớn đến từ hoạt động bán buôn các dự án bất động sản cho các đơn vị khác, tuy nhiên với lợi nhuận tài chính/tổng lợi nhuận chiếm tỷ trọng cao, Vinhomes là công ty đang sử dụng tốt chiến lược ngân quỹ để duy trì hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh.
Một số công ty khác như Sunhouse, tỷ trọng lợi nhuận tài chính/tổng lợi nhuận chiếm 30%, FPT cũng tăng tỷ trọng này trong 2 năm Covid-19.
Ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Tập đoàn Novaon (đơn vị sở hữu Novaon Capital - quỹ đầu tư tài chính vận hành bằng trí tuệ nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam) lý giải, trong bối cảnh nền kinh tế biến động, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh doanh cốt lõi của nhiều doanh nghiệp, thì lợi nhuận tài chính đã trở thành trụ cột giúp toàn doanh nghiệp vững vàng trước những cơn sóng dữ.
4 chiến lược tài chính có thể ‘cứu’ doanh nghiệp
Cũng theo ông Nguyễn Minh Quý, trong bối cảnh thị trường không ngừng biến động và đầy rẫy rủi ro hiện nay, chủ doanh nghiệp nên phân tích lại cơ cấu nguồn vốn xem đã tối ưu chưa. Trong một số tình huống phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh bởi vị thế doanh nghiệp cho phép họ có thể tận dụng nguồn vốn từ trả trước người mua hay phải trả người bán, thay vì lạm dụng vay vốn tín dụng.
Hay đôi khi doanh nghiệp cũng phải cân đối trường hợp trả cổ tức, vì có thể nhà đầu tư vui khi nhận được tiền lúc đó nhưng chưa chắc về lâu dài doanh nghiệp có thể tối đa hóa lợi nhuận. Chỉ khi bí ý tưởng kinh doanh hay đầu tư thì doanh nghiệp mới phải tăng tỷ lệ trả cổ tức, vì điều này đồng nghĩa với việc giảm quy mô nguồn vốn.
Ngoài ra, rất nhiều doanh nghiệp hiện nay cơ cấu nguồn vốn theo thời gian chưa hợp lý. Ví dụ, vay vốn ngắn hạn (3-6 tháng) nhưng để đầu tư trung hạn (6-24 tháng) sẽ gặp rủi ro rất lớn vì thời gian đáo hạn ngắn trong khi khoản đầu tư chưa thể sinh lời, doanh nghiệp sẽ gặp áp lực trả nợ. Hay có vốn dài hạn (trên 24 tháng) nhưng lại đầu tư ngắn hạn, như vậy không tối ưu được nguồn vốn.
Cụ thể hơn, Chủ tịch Tập đoàn Novaon đưa ra gợi ý về 4 chiến lược ngân quỹ mà doanh nghiệp có thể tham khảo:
Chiến lược phòng thủ: An toàn vốn cao, lợi nhuận chắc chắn, biên lợi nhuận nhỏ 9-10%. Lợi nhuận tài chính chiếm 5% tổng lợi nhuận.
“Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đạt tỷ trọng lợi nhuận tài chính/tổng lợi nhuận là 5% vì chính Novaon trong 14 năm hoạt động, khi chưa có chiến lượt ngân quỹ thì thậm chí tỷ trọng này 0%, như vậy nếu đạt 5% cũng là tích cực”, ông Quý nói.
Trong chiến lược này, doanh nghiệp nên dành 70% tài chính cho các kênh đầu tư gửi ngân hàng, mua vàng, USD và mua trái phiếu. Còn 30% dành cho kênh đầu tư chứng chỉ quỹ mở, bởi nếu không, doanh nghiệp rơi vào phòng thủ quá sâu, lợi nhuận rất thấp. “Doanh nghiệp có thể có lợi nhuận 5% từ việc gửi ngân hàng nhưng số tiền lạm phát có thể cao hơn số lợi nhuận đó”, ông Quý phân tích.
Chiến lược tiêu chuẩn: An toàn vốn, lợi nhuận khá từ 11-15%, lợi nhuận tài chính đạt 5-8% tổng lợi nhuận. Trong chiến lược này, kênh đầu tư gửi ngân hàng, mua vàng, USD và mua trái phiếu chiếm 50%, chứng chỉ quỹ mở chiếm 50%.
Chiến lược tối ưu: Gia tăng lợi nhuận tài chính, ổn định an toàn vốn 15-18%, lợi nhuận tài chính đạt 8-12% tổng lợi nhuận. Trong chiến lược này, doanh nghiệp nên dành 50% tài chính cho kênh ủy thác quỹ đầu tư, 20% gửi ngân hàng, mua vàng, USD và mua trái phiếu và 30% cho chứng chỉ quỹ mở.
“Nếu quan sát 2.000 doanh nghiệp đã niêm yết tại Việt Nam, không quá 5% số doanh nghiệp có lợi nhuận tài chính đạt 8-12% tổng lợi nhuận. Vì vậy nếu doanh nghiệp có chiến lược ngân quỹ tối ưu với mức tỷ trọng lợi nhuận tài chính đạt 8-12% tổng lợi nhuận, doanh nghiệp có thể yên tâm vì có thêm trụ cột thứ 2 bên cạnh hoạt động kinh doanh cốt lõi. Trong trường hợp gặp rủi ro khiến không thể hoạt động được, doanh nghiệp có thể nâng quy mô trụ cột tài chính để tạo ra lợi nhuận như Vietjet đang làm”, ông Quý nêu ví dụ.
Chiến lược đột phá: Lợi nhuận tối ưu ổn định từ 18-22%, lợi nhuận tài chính đạt 12-18% tổng lợi nhuận. Trong chiến lược này, doanh nghiệp nên dành 30% tài chính đầu tư chứng chỉ quỹ mở và 70% ủy thác quỹ đầu tư.
“Nhờ áp dụng chiến lược ngân quỹ mà Novaon đã vững vàng vượt bão Covid-19 và tăng trưởng 70% trong năm 2021. Các chiến lược nên áp dụng từng bước, phù hợp với khả năng và khẩu vị của mỗi doanh nghiệp”, ông Quý nói.