Doanh nhân Forbes 30 under 30 châu Á: Thói quen dự báo dòng tiền giúp doanh nghiệp tránh ‘khô máu’
(DNTO) - Theo ông Tạ Minh Tuấn, Chủ tịch TMT Group, thói quen tài chính khỏe mạnh nhất là dự báo dòng tiền, ít nhất là 3 tháng tiếp theo. Tuy nhiên, hiện nhiều người kinh doanh ở Việt Nam không thực hành thói quen này, giống như mọi người đều biết thể dục tốt cho sức khỏe nhưng rất ít người có thể thực hiện.
Dòng tiền được xem là mạch máu của doanh nghiệp. Tuy nhiên trong bối cảnh Covid-19, việc duy trì dòng tiền dương là bài toán khó đối với doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xã hội.
Bà Phan Thanh Vân, CEO Tò he cho biết, doanh nghiệp xã hội này đã chứng kiến doanh thu sụt giảm 60% trong năm 2020, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 lần thứ 4, doanh thu thậm chí về 0.
“Các hoạt động giáo dục online không thể thực hiện được do đối tượng giáo dục của chúng tôi là trẻ kém phát triển, khó sử dụng công nghệ. Ngoài ra, hoạt động sản xuất, in ấn vật phẩm bị đình trệ do cơ sở sản xuất trong miền Nam bị đóng băng”, bà Vân cho hay.
Công ty TNHH Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục Ô Xinh cũng từng đối diện với việc các cơ sở giảng dạy phải đóng cửa hàng loạt trước đại dịch, trong khi không có nguồn tài chính dự trữ, khiến dòng tiền của doanh nghiệp này bị đứt đột ngột, ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch duy trì kinh doanh.
Một khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) với trên 21.500 doanh nghiệp và hộ kinh doanh cách đây hơn 2 tháng cũng cho thấy, có tới 69% (tương đương 14.890 doanh nghiệp) phải tạm dừng sản xuất - kinh doanh do dịch. Và có tới 40% doanh nghiệp đang hoạt động chỉ đủ tiền duy trì dưới 1 tháng.
Mặc dù Chính phủ và các bộ ngành liên quan đã và đang có nhiều giải pháp “bơm oxy tín dụng” cho doanh nghiệp, tuy nhiên, quan trọng nhất là mỗi doanh nghiệp cần có sự chủ động trong xây dựng chiến lược để “tiếp máu” cho chính mình.
Ông Tạ Minh Tuấn, Chủ tịch TMT Group, người từng có mặt trong danh sách Forbes 30 under 30 châu Á và có hàng chục năm kinh nghiệm cố vấn, huấn luyện doanh nghiệp cho biết, doanh nghiệp Việt Nam rất yếu về việc hoạch định con số, liên quan đến kế hoạch, tài chính, dòng tiền. Vì vậy khi đại dịch Covid-19 bùng phát, việc đứt đoạn dòng tiền đột ngột khiến nhiều doanh nghiệp trở tay không kịp.
“Một trong những thói quen tài chính khỏe mạnh nhất là dự báo dòng tiền, ít nhất là 3 tháng tiếp theo. Tuy nhiên, hiện nhiều người kinh doanh ở Việt Nam không thực hành thói quen này, giống như mọi người đều biết thể dục tốt cho sức khỏe nhưng rất ít người duy trì được hoạt động này”, ông Tuấn nói.
Lý giải vì sao dự báo dòng tiền cứu sống doanh nghiệp, ông Tuấn cho hay, thói quen này sẽ giúp chủ doanh nghiệp chuẩn bị trước kịch bản ứng phó với rủi ro.
Cụ thể, hoạt động dòng tiền có thể phân tích đơn giản theo công thức: Số dư tiền đầu kỳ + dòng tiền vào – dòng tiền ra = số dư cuối kỳ. Và số dư cuối kỳ của tháng này sẽ là số dư đầu kỳ của tháng tiếp theo và tiếp tục được tính giống như công thức trên.
Khi tính toán như vậy liên tục trong 3 tháng, bảng dòng tiền có thể bị âm mặc dù thực tế có thể không như vậy. Nhưng khi đó, doanh nghiệp mới biết được con số thiếu hụt là bao nhiêu, ví dụ 300 triệu hay 500 triệu để có phương án xử lý số thiếu hụt đó ngay từ ban đầu, không lâm vào tình trạng bị động.
Để xử lý số tiền thiếu hụt, theo ông Tuấn, cần có chiến lược, thậm chí tổ hợp nhiều chiến lược về tài chính: Tăng thu, giảm chi hoặc thu nhanh, chi chậm; chuyển đổi nợ thành cổ phần, tăng vốn (vay ngân hàng, huy động vốn từ nhà đầu tư, gia đình, bạn bè)…
“Dòng tiền quan trọng hơn lợi nhuận, nếu doanh nghiệp dự đoán 3 tháng tới sẽ khó khăn về dòng tiền, thì cần có chiến lược thu nhanh ngay từ bây giờ, với các giải pháp như giảm giá, khuyến mại có thời hạn để thúc đẩy đối tác thanh toán sớm. Đối với việc cắt giảm chi phí, doanh nghiệp nên tính toán cắt giảm mọi chi phí khác (mặt bằng, đi lại, tiệc tùng…), cuối cùng mới đến phúc lợi người lao động”, ông Tuấn nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang tất bật xây dựng kế hoạch cho năm 2022. Vì vậy, đề xuất của ông Tuấn dành cho các doanh nghiệp là nên xây dựng chiến lược dựa trên giả thuyết đại dịch ở Việt Nam sẽ không chấm dứt trước tháng 6/2022, thậm chí kéo dài đến hết năm sau, và có thể, đại dịch sẽ sống chung với con người như một loại bệnh cúm.
“Có rất nhiều doanh nghiệp hiện vẫn trong trạng thái cố gắng cầm cự thêm vài tháng chờ hết dịch. Cứ vài tháng trôi qua liên tục như vậy mà không hết dịch thì doanh nghiệp sẽ lâm vào tình trạng rất kinh khủng, nhưng nếu chuẩn bị từ đầu thì sẽ có kế hoạch thích ứng phù hợp”, ông Tuấn khuyến nghị.
Tạ Minh Tuấn là tác giả của cuốn sách “Trước bình minh luôn là đêm tối” – cuốn sách khởi nghiệp bán chạy nhất năm 2017 của Alphabooks.
Năm 2011, ông được CSIP, British Council, World Bank chứng nhận là Top 15 Doanh nhân Xã hội hàng đầu của Việt Nam.
Năm 2015, Tuấn có mặt trong danh Forbes 30 under 30 Châu Á.
Năm 2016, Tạ Minh Tuấn có mặt trong danh sách “Nhà sáng nghiệp đương đại có ảnh hưởng của Việt Nam và thế giới” theo UNESCO
Diễn giả thường xuyên của các Hội nghị toàn cầu uy tín như One Young World, Social Business Youth Summit.