Bán lẻ dọn đường trở lại
(DNTO) - Thị trường bán lẻ hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch, cuộc chơi trong ngành ngày càng lớn hơn với các khoản chi mạnh từ khối ngoại, sẽ mang đến làn gió mới và những xu hướng mới cho ngành.
Bán lẻ lấy lại phong độ
Rũ bỏ hình ảnh ảm đạm sau 2 năm đại dịch, năm nay, thị trường bán lẻ ghi nhận sự sôi động trở lại. Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 4,1 triệu tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước và đang dần bắt kịp tốc độ tăng trước đại dịch. Khảo sát doanh nghiệp bán lẻ của Vietnam Report thực hiện trong tháng 8 cho thấy 53,8% số doanh nghiệp bán lẻ hiện đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch.
Nhận định về thị trường bán lẻ trong thời gian qua, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, trong 9 tháng đầu năm, mặc dù thị trường hàng hóa trong nước chịu tác động của thị trường thế giới, giá một số hàng hóa (nhất là các mặt hàng nhóm năng lượng…), có xu hướng tăng theo giá hàng hóa thế giới, tuy nhiên thị trường trong nước nhìn chung đã có sự phục hồi đáng kể sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Nguồn cung, giá hàng hóa và lưu thông không có biến động lớn, thị trường tương đối bình ổn, không còn chịu tác động quá lớn của dịch bệnh Covid-19. Riêng mặt hàng xăng dầu, Quỹ bình ổn giá được sử dụng linh hoạt để hạn chế mức tăng giá trong nước so với mức tăng của thế giới.
Tuy nhiên, ông Đông cho biết, quy mô của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đầu năm ước tính chỉ đạt khoảng 84% trong điều kiện bình thường không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Do vậy, trong những tháng cuối năm, trước những biến động từ giá cả nguyên vật liệu, hàng hóa và bất ổn của kinh tế thế giới, vẫn cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết.
Các ‘tay chơi’ tìm kiếm cơ hội mới
Từ tín hiệu tích cực của nền kinh tế với mức tăng GDP 8,83% trong 9 tháng cùng sự phục hồi của thị trường bán lẻ, các doanh nghiệp bán lẻ nội và ngoại đang tốc lực tìm kiếm cơ hội mở rộng kinh doanh.
Tập đoàn Central Group mới đây công bố một kế hoạch tăng gấp đôi cửa hàng tại Việt Nam, từ 340 cửa hàng hiện tại lên ít nhất 710 cửa hàng vào năm 2026. Sở dĩ, gã khổng lồ của ngành bán lẻ Thái Lan mạnh tay đặt cược gần 800 triệu USD để thực hiện tham vọng này vì trong 10 năm qua, Việt Nam là thị trường mang lại nguồn lợi lớn nhất cho tập đoàn, chỉ sau sân nhà.
Một ông lớn bán lẻ khác là Aeon (Nhật Bản) cũng có kế hoạch mở thêm 100 siêu thị vào năm 2025, với diện tích lên tới trên 500m2/siêu thị tại Việt Nam, thay vì quy mô 300m2 như hiện nay.
Lotte (Hàn Quốc) hiện cũng coi Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ ba, sau Nhật Bản và Hàn Quốc. Tay chơi này cũng có kế hoạch nối dài hệ thống siêu thị Lotte Marts tại Việt Nam.
Trong nước, nhà bán lẻ nội địa lớn nhất là Masan Group cũng liên tục mở mới 100 địa điểm mỗi tháng kể từ đầu năm. Tập đoàn đặt mục tiêu có 10.000 địa điểm vào năm 2025, gấp hơn 3 lần số siêu thị và cửa hàng tiện lợi hiện có.
Một tay chơi nội địa mới là nhà sản xuất ô tô Trường Hải cũng đang rục rịch với kế hoạch đánh sang mảng bán lẻ, với tham vọng có 20 siêu thị tích hợp đại lý ô tô và cửa hàng sửa chữa vào năm 2026.
Sự tham gia và mở rộng hoạt động của đông đảo các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ vẫn tiếp tục là cuộc đua khốc liệt, và trong sự cạnh tranh đó, những xu hướng mới về tiêu dùng sẽ được hiện diện trên thị trường.
Đơn cử như việc Lazada – một sàn thương mại điện tử bắt tay với Masan – nhà bán lẻ truyền thống để giải quyết thách thức giao hàng tươi sống trong thời gian ngắn nhất đến tay người tiêu dùng.
Ông Vũ Đức Nguyên, Phó Tổng Giám đốc phụ trách ngành hàng tiêu dùng, Deloitte Việt Nam cho biết, trong đại dịch, các siêu thị lớn đã mở rộng sự hiện diện trên các nền tảng thương mại điện tử và thương mại di động để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Và thói quen tiêu dùng gắn với mô hình đa kênh (omnichannel) sẽ sẽ trở thành thói quen lâu dài chứ không phải tạm thời vì người tiêu dùng quen đã dần quen với sự tiện lợi của mô hình này.
Do vậy, theo ông Nguyên, xu hướng sử dụng ví điện tử, thanh toán không tiền mặt sẽ tiếp tục được đẩy mạnh; cùng với đó thương mại điện tử trong lĩnh vực bán buôn (B2B) sẽ có sự tăng trưởng. Hai yếu tố này sẽ tác động sâu rộng đến thị trường bán lẻ trong thời gian tới.