Ba chợ đầu mối đóng cửa, hàng hóa vào TP.HCM bằng cách nào?
(DNTO) - Hôm nay, 7/7, cả ba chợ đầu mối của TP.HCM đã đóng cửa. Thời gian mở lại chưa được ấn định. Vậy hàng hóa trước đây tập trung tại chợ rồi phân phối đi các chợ lẻ và các điểm bán, nay sẽ ra sao?
Theo thông tin từ Sở Công thương TP.HCM, thành phố dự kiến bố trí ba vùng đệm tại huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi và TP. Thủ Đức, để vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh về TP.HCM.
Cụ thể, TP.HCM và Tây Ninh đã thống nhất giải pháp bố trí vùng đệm trung chuyển hàng hóa đến các chợ truyền thống, siêu thị còn hoạt động. Hàng hóa từ tỉnh Tây Ninh đến TP.HCM sẽ được tập kết tại một khu đất trống gần cổng chào Suối Sâu, giáp ranh 2 huyện Củ Chi và Trảng Bàng, để thực hiện khử khuẩn hàng hóa và phương tiện trước khi vận chuyển trực tiếp đến các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng... tại TP.HCM.
Hàng hóa từ nơi trung chuyển sẽ được phân bổ, phân tán đều cho các chợ, siêu thị còn hoạt động, hay tới các nơi bán trực tiếp để đảm bảo không bị dồn ứ và chia đều cho các nơi.
TPHCM và các địa phương cũng đã thống nhất đề xuất 3 phương án bố trí, trung chuyển hàng hóa để hàng hóa được lưu thông thông suốt và phân bổ đều cho toàn địa bàn.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cũng cho hay đã đề nghị các công ty quản lý 3 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức nhanh chóng thực hiện việc lấy ý kiến, lựa chọn phương án của các thương nhân và phương tiện vận chuyển hàng hóa từ Tây Ninh vào các chợ đầu mối để kịp thời tổng hợp, triển khai ngay.
Sở Công thương TP.HCM cũng đã thông tin đến Sở Công thương 22 tỉnh, thành Nam bộ về việc tạm dừng hoạt động các chợ đầu mối và đề nghị hỗ trợ thông tin đến các thương nhân trên địa bàn đang kinh doanh hàng hóa tại hai chợ đầu mối này tạm ngưng vận chuyển hàng hóa vào chợ, tổ chức giao dịch, đưa hàng trực tiếp đến các chợ truyền thống.
Theo một đại diện của chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức, khi chợ đầu mối Hóc Môn dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch, ban quản lý công ty chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức đã cập nhật, trao đổi thông tin để tiểu thương sắp xếp với thương lái, người mua sao cho hợp lý nhất.
Vì vậy, thực tế hiện nay chợ dừng hoạt động nhưng tiểu thương các ngành rau, củ, quả không quá bất ngờ, họ sẽ thay đổi hình thức buôn bán, thay vì buôn bán trực tiếp, hàng tập kết tại chợ thì nay sẽ buôn bán qua điện thoại, hàng hóa sẽ từ các đầu mối của riêng mỗi tiểu thương, tập kết tại điểm giao hẹn trước rồi phân phối đi các điểm bán.
Theo vị đại diện này, nhiều tiểu thương cho biết cũng sẽ buôn bán online sỉ và lẻ. Cũng theo vị này, sáng nay, 7/7, lượng hàng về chợ Thủ Đức là 3.100 tấn.
Đối với mặt hàng thịt heo, mặc dù chợ đầu mối Hóc Môn tạm dừng hoạt động, nhưng hiện hoạt động buôn bán hàng hóa giữa các thương nhân và tiểu thương vẫn diễn ra suôn sẻ.
Nhiều thương nhân đã thuê mặt bằng bên ngoài để trữ rau, củ, quả bán cho các tiểu thương hoặc giao hàng tận nơi cho các chợ truyền thống. Thịt heo được giết mổ tại lò mổ giết mổ Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), sau đó phân phối cho các điểm bán.
Được biết, ngày 7/7, lượng heo từ lò mổ Xuân Thới Thượng cung ứng ra thị trường khoảng 2.900 con, tăng 920 con so với ngày 6/7.
Một số tiểu thương tại chợ đầu mối Bình Điền cho biết, hiện nay họ chuyển giao dịch, kinh doanh qua điện thoại, bán hàng sỉ và lẻ qua kênh online.
Ghi nhận thực tế, không ít đầu mối bán hàng rau, củ, quả, hải sản… trước nay cung ứng cho các chợ đầu mối, giờ đăng thông tin lên mạng xã hội để bán sỉ, lẻ.
Tính đến ngày 7/7, trên địa bàn TP.HCM có 125/234 chợ truyền thống đã tạm dừng hoạt động, trong đó có cả ba chợ đầu mối là chợ Hóc Môn và chợ Bình Điền, chợ Thủ Đức.