TP.HCM: Hàng hóa dồi dào, người dân không cần dồn dập mua sắm
(DNTO) - Sau khi thông tin ba chợ đầu mối tại TP.HCM tạm ngưng hoạt động, người tiêu dùng đổ xô đi mua sắm, tích trữ thực phẩm, các kênh bán hàng online quá tải, tắc nghẽn, công tác phòng dịch gặp khó khăn. Theo các đơn vị cung ứng, hàng hóa hiện rất dồi dào, người dân không nên đổ xô đi mua hàng tích trữ.
Lượng hàng tăng gấp 3, gấp 5 lần
Qua trao đổi, đại diện các hệ thống bán lẻ lớn như Saigon Co.op (hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food), Central (hệ thống Big C, Go!), Satra (hệ thống cửa hàng Satra Food, siêu thị Sài Gòn, siêu thị Satra Phạm Hùng, Satra Củ Chi), VinMart, VinMart+, Lotte Mart, MM Mega Market, cho hay đã chuẩn bị lượng thực phẩm tươi sống, rau củ quả, hàng thiết yếu tăng gấp 3-5 lần.
Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) khẳng định hàng hóa rất nhiều, không bao giờ thiếu, và siêu thị hoạt động xuyên suốt nên người dân không nên mua sắm dồn dập, tụ tập quá đông sẽ đẩy nguy cơ bệnh dịch lên cao, có thể gây tắc nghẽn các kênh mua sắm.
Trước diễn biến phức tạp của dịch, Saigon Co.op cho biết đã tiến hành tăng trữ lượng hàng hóa thiết yếu và nâng cao mức độ chống dịch tại toàn bộ hệ thống bán lẻ.
Theo đó, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food…, đã tăng lượng dự trữ nhằm đảm bảo sẽ cung cấp đều đặn với giá cả bình ổn ra thị trường trong tối thiểu 6 tháng tới cho các mặt hàng nhu yếu phẩm như đường, gạo, dầu ăn, muối, nước mắm, thịt, trứng, rau củ quả, thực phẩm khô, đặc biệt là các mặt hàng chống dịch như các loại gel, nước rửa tay, xà bông, khẩu trang vải sát khuẩn. Tất cả mặt hàng đã tăng gấp 3 -5 lần.
Do đó, người dân có thể yên tâm không bao giờ thiếu hàng hóa trong suốt thời gian giãn cách. Tại các siêu thị Co.opmart đã có công tác phân luồng, điều tiết số lượng người vào siêu thị, áp dụng hình thức phục vụ tại chỗ, hạn chế di chuyển Pick & Ship, máy lạnh trên 25 độ…, để đảm bảo an toàn.
Bên cạnh bán hàng qua điện thoại, hầu như tất cả các app công nghệ hiện nay đều có liên kết với Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food để đồng loạt giao hàng cho khách.
Saigon Co.op đã kịp thời bổ sung thêm khoảng 7.000 mặt hàng nhu yếu phẩm lên trang https://cooponline.vn để đáp ứng nhanh nhu cầu đặt hàng online giao hàng tận nhà đang tăng đột biến của người dân, đặc biệt là khu vực TP.HCM.
Trang https://cooponline.vn có khoảng 7.000 mặt hàng của đầy đủ tất cả 5 ngành hàng để người dân dễ dàng lựa chọn, gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa phẩm may mặc và đồ dùng nhà bếp. Người dân nên ưu tiên sử dụng những kênh online này, đặt hàng nhu yếu có chọn lọc, hạn chế đặt dồn dập nhiều đơn hàng một lúc vào các khu giờ cao điểm sẽ dễ gây tắc nghẽn.
Tại hệ thống bán lẻ Satra, nguồn hàng dự trữ luôn được duy trì với lượng hàng hóa tăng từ 3 – 4 lần so với bình thường, hàng hóa đa dạng, giá cả ổn định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân, kể cả khu vực đang có dịch.
Bà Phạm Thi Vân – Trưởng Ban Quản lý Hệ thống bán lẻ Satra, cho biết hiện hệ thống bán lẻ Satra vẫn đảm bảo nguồn cung các mặt hàng rau củ quả tươi.
“Trong những ngày gần đây, hệ thống bán lẻ Satra tiêu thụ khoảng 60 tấn rau củ quả/ngày, tăng gấp 3 lần so với trước đó. Các nhà cung cấp rau củ quả, thủy hải sản sẽ giao hàng trực tiếp về các điểm chế biến rau củ quả Phan Văn Trị và Thống Nhất, từ đó sẽ phân phối đến các điểm trong hệ thống bán lẻ Satra. Song song đó, hệ thống bán lẻ Satra vẫn tích cực tìm kiếm các nhà cung cấp khác như đàm phán với Công ty cổ phần Thủy Hải Sản Sài Gòn (APT) trong việc cung cấp cá basa nguyên con đến các siêu thị hay tìm các nhà cung cấp mặt hàng cá biển để có được cá tươi đến tay người tiêu dùng”, bà Vân chia sẻ.
Còn tại Siêu thị Sài Gòn (1 trong 3 siêu thị của Satra), để đảm bảo nguồn cung trong thời gian giãn cách, lượng dự trữ hàng hoá cũng tăng hơn trước rất nhiều, đa số là tăng gấp 3, gấp 4 lần so với các tháng trước đây.
“Về mặt hàng tươi sống như rau củ quả, hệ thống bán lẻ Satra đang nỗ lực tìm thêm các nguồn cung ứng khác để tránh tình trạng bị đứt hàng. Tuy nhiên Siêu thị Sài Gòn đã dự báo trước tình hình nên đã nhập nhiều hàng thủy hải sản đóng gói đông lạnh, nên cũng đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Các mặt hàng như thịt heo, gà, trứng gà..., nguồn cung tính đến ngày hôm nay (7/7) vẫn ổn”, bà Đỗ Thị Dậu – Phụ trách điều hành Satramart, Siêu Thị Sài Gòn, cho biết.
Theo thông tin từ hệ thống VinMart, một vài ngày qua lượng khách đến mua sắm trực tiếp tại hệ thống VinMart, VinMart+ TP.HCM tăng 20%, lượng đơn online tăng hơn 50%. Hệ thống cũng tăng dự phòng hàng hóa đồng thời tăng cường nhân sự khoảng 20% và áp dụng đầy đủ hình thức bán hàng online cho hơn 500 điểm bán VinMart và VinMart+ trên địa bàn TP.HCM.
Siêu thị kêu gọi người dân phối hợp
Đại diện Saigon Co.op cho biết, từ trưa 6/7 đến sáng nay 7/7, lượng khách dồn tới các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food và số lượng đơn hàng online của các siêu thị này tăng gấp 5 lần.
Trong bối cảnh hiện nay, lượng lương thực thực phẩm không hề thiếu, thậm chí rất phong phú, nhưng do tâm lý đám đông dồn dập đổ về các kênh mua sắm, khiến siêu thị, cửa hàng, các trang bán hàng online đều quá tải cục bộ, tắc nghẽn.
Có thể nói, chính việc tụ tập đông người không cần thiết và thiếu ý thức tuân thủ các biện pháp giãn cách, 5K của người dân trong thời gian qua đã góp phần đẩy số lượng ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao, đồng thời cũng làm các chợ, siêu thị phải liên tiếp đóng cửa.
Từ kinh nghiệm trong việc phân phối khẩu trang, hàng hóa trong những đợt giãn cách trước, người dân không nên nôn nóng tích trữ hàng hóa, không nên mua sắm dồn dập sẽ tạo áp lực lớn, gây quá tải hệ thống phân phối dẫn đến nguy cơ tắc nghẽn.
Dù có lượng lớn nhân viên phải thực hiện cách ly và rất nhiều khó khăn khác, nhưng hiện nay Saigon Co.op cũng đang gồng mình nỗ lực hết sức để vừa có thể phục vụ hàng hóa ngay tại siêu thị, vừa đáp ứng nhu cầu tăng đột biến cục bộ trên các kênh online mới vừa phát triển thần tốc, chưa kể phải phục vụ hàng chục ngàn suất ăn, nhu yếu phẩm cho các khu cách ly mỗi ngày.
Vì vậy, hệ thống bán lẻ Saigon Co.op kêu gọi sự phối hợp của người dân thực hiện hướng dẫn các biện pháp an toàn khi đến siêu thị.
Bà Vân của Satra cũng cho rằng, người tiêu dùng nên đẩy mạnh mua online, giao hàng tận nơi. Hiện nay hệ thống bán lẻ Satra đã đẩy mạnh việc bán hàng online, giao hàng tận nơi trên ứng dụng Zalo.
Cụ thể, 3 siêu thị Satramart thuộc Hệ thống bán lẻ Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH Một Thành viên (SATRA) là Siêu thị Sài Gòn, Siêu thị Phạm Hùng, Siêu thị Củ Chi, đã có mặt chính thức trên ứng dụng Zalo với từ khoá tìm kiếm “Satramart”, đã giúp cho khách hàng có thêm một kênh mua sắm mới trong thời kỳ giãn cách xã hội.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 1.500 mặt hàng khác nhau xuất hiện trên hệ thống “siêu thị online” của SATRA trên ứng dụng Zalo. Các sản phẩm được chia theo từng danh mục ngành hàng khác nhau, giúp cho việc tìm kiếm được rút ngắn thời gian. Những mặt hàng tươi sống như thịt, cá, rau,… hay trái cây, thực phẩm tủ mát, thực phẩm đông lạnh đều rất đa dạng, được bán với giá bằng giá ở siêu thị. Bên cạnh đó cũng có những chương trình khuyến mại giảm giá trực tiếp trên sản phẩm, giúp cho người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn.
Đồng thời trong tháng 7 này, nhiều chương trình khuyến mại, thay đổi hàng tuần từ các siêu thị Satramart sẽ được áp dụng khi khách hàng đặt hàng qua ứng dụng Zalo, như chương trình giảm giá nhiều mặt hàng, chương trình miễn phí vận chuyển… Khách hàng sẽ được biết cụ thể khi đặt hàng hoặc xem chương trình khuyến mại trên các thông báo từ siêu thị trên ứng dụng.
Trước đó, Siêu thị Sài Gòn cũng đã triển khai bán hàng qua ứng dụng G1-Mart, hay siêu thị Phạm Hùng triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt, thông qua ví điện tử VNPay.
Sở Công thương TP.HCM cho biết, về nguồn cung ứng hàng hóa cho thị trường thành phố, bên cạnh việc tổ chức duy trì nguồn cung ứng hàng hóa từ các tỉnh, thành về TP.HCM một cách an toàn, lưu thông thông suốt; đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định cho thị trường thành phố; Sở Công thương tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, vận hành ổn định chuỗi cung ứng hàng hóa gồm các kênh phân phối hiện đại và truyền thống.