Xuất siêu đạt mức kỷ lục gần 25 tỷ USD: Canh cánh tiềm ẩn nhiều lo ngại
(DNTO) - Cán cân thương mại hàng hóa tính đến nửa đầu tháng 11/2023 ước tính xuất siêu 25 tỷ USD. Đây được đánh giá là con số xuất siêu kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay. Theo chuyên gia, con số này vẫn còn tiềm ẩn nhiều lo ngại.
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến 15/11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã gần chạm mốc 600 tỷ USD. Điểm nhấn đáng chú ý, nước ta xuất siêu tới 24,38 tỷ USD. Đây được đánh giá là con số xuất siêu kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, từ đầu năm 2023 đến nay, con số xuất siêu liên tục tăng qua từng tháng và đến tháng 10 thì chạm mốc kỷ lục mới - là một trong những điểm sáng của nền kinh tế những tháng cuối năm nay, trong bối cảnh tăng trưởng GDP giảm tốc bất ngờ và dòng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân suy giảm so với cùng kỳ. Kết quả xuất siêu lớn đã góp phần hạn chế mức giảm tốc của tăng trưởng kinh tế, cũng như hỗ trợ thị trường ngoại hối nhiều hơn nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào hơn. Thực tế, hiện tiền đồng có xu hướng tăng giá so với USD là minh chứng rõ nhất.
Phải thừa nhận, con số xuất siêu kỷ lục có sự đóng góp không nhỏ của ngành nông nghiệp, chiếm tới 38%. Tính riêng tháng 10 năm nay, xuất khẩu nông sản đạt 4,81 tỷ USD, tăng hơn 7% so với tháng 9 và tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất để bứt phá ở những tháng cuối năm - thời điểm mà nhiều quốc gia sẽ tăng cường nhập khẩu nông sản để đón năm mới.
Tuy nhiên, tổng thể chung thì không phải ngành nào cũng "may mắn" như nông nghiệp. Tính chung 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa là 557,9 tỷ USD, giảm gần 60 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu hàng hóa 10 tháng ước đạt 291,2 tỷ USD, giảm 7,1% (giảm 22,2 tỷ USD). Giá trị nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2023 ước đạt 266,67 tỷ USD, giảm 12,3% (giảm 37,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia nhận định, nếu xuất siêu lớn là do xuất khẩu tăng thì là điều đáng mừng. Nhưng ở đây, lại là xuất khẩu giảm, nhập khẩu cũng giảm và nhập khẩu giảm mạnh hơn xuất khẩu.
"Xuất siêu lý tưởng nhất vẫn là kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh hơn kim ngạch xuất khẩu. Do đó, xuất siêu kỷ lục này cũng không được đánh giá cao", chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành cho hay.
Rõ ràng kim ngạch xuất khẩu vẫn giảm so với cùng kỳ nhưng xuất siêu lại lập một kỷ lục mới. Đây không phải là lần đầu tiên câu chuyện này được nhắc tới. Nỗi lo suy giảm động lực sản xuất đã được đề cập rất nhiều, khi nhìn từ con số xuất siêu lớn. Ở một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu như Việt Nam, nhập khẩu giảm, xuất siêu lớn là chỉ dấu cho thấy, ngành sản xuất trong nước đang tiếp tục đối mặt với khó khăn từ hệ lụy của thiếu đơn hàng... Thực tế, cung toàn cầu hiện vẫn chưa phục hồi dù đã bắt đầu có tín hiệu từ tháng 8.
Nhận định về thị trường xuất nhập khẩu 10 tháng qua, ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết các nhóm mặt hàng nhập khẩu giảm mạnh nhất là điện thoại các loại và linh kiện, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; chất dẻo nguyên liệu, sắt thép, vải, sản phẩm điện tử và linh kiện.
"Thiếu đơn hàng xuất khẩu được coi là nguyên nhân khiến không chỉ sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, mà là cả nền kinh tế gặp khó. Trong bối cảnh như vậy, doanh nghiệp sẽ giảm nhập khẩu tư liệu sản xuất và chừng nào điều này còn tiếp tục, thì xuất siêu còn tiếp tục tăng", ông Tưởng nhận định.
Một vấn đề quan trọng khác, nếu phân theo khu vực, xuất siêu vẫn hoàn toàn do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, còn khu vực kinh tế trong nước lại nhập siêu lớn. Trong đó, có nguyên nhân quan trọng là do sự yếu kém so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài của khu vực kinh tế trong nước về vốn, kỹ thuật - công nghệ… và chưa tranh thủ được các ưu đãi của FTA, thậm chí có một số mặt hàng vẫn còn tình trạng để cho nước ngoài nhờ “xuất khẩu hộ, tiêu thụ giùm”.
Chưa kể, bên cạnh những thị trường Việt Nam xuất siêu lớn, thì cũng có những thị trường Việt Nam nhập siêu khá lớn. Có 11 thị trường Việt Nam nhập siêu trên 1 tỷ USD, đặc biệt có 5 thị trường ở mức trên 3 tỷ USD (Trung Quốc trên 39,75 tỷ USD, Hàn Quốc 23,35 tỷ USD, Đài Loan 11,48 tỷ USD, Kuwait 4,56 tỷ USD, Thái Lan 3,8 tỷ USD).
Như vậy, xuất siêu chủ yếu đối với các thị trường Âu - Mỹ, nhờ lợi thế giá nhân công rẻ, khi chênh lệch giữa tỷ giá sức mua tương đương với tỷ giá hối đoái ở mức cao, còn nhập siêu chủ yếu với các ở châu Á, châu Đại dương, khi chênh lệch giữa tỷ giá sức mua tương đương với tỷ giá hối đoái ở mức thấp hơn.
Các chuyên gia nhấn mạnh, về dài hạn muốn xuất khẩu đóng góp thực sự vào tăng trưởng kinh tế thì phải nhanh chóng chuyển từ nền công nghiệp gia công, lắp ráp sang nền công nghiệp nội địa hóa cao, hàm lượng công nghệ cao. Đồng thời, các doanh nghiệp cần tập trung "đánh" vào các mặt hàng là thế mạnh, mở rộng thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm... khi thương mại khởi sắc, sản xuất sẽ được gỡ khó, khi ấy, có lẽ sẽ không còn phải canh cánh nỗi lo đằng sau con số xuất siêu kỷ lục.