Xuất khẩu quý I khả quan là động lực tăng trưởng kinh tế sau dịch
(DNTO) - Việc khống chế dịch bệnh; sự hỗ trợ từ chính sách cùng nỗ lực của chính các doanh nghiệp sẽ giúp tăng cường cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, tính chung Quý I/2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Trong quý đầu tiên của năm nay, có 11 mặt hàng đạt trị giá xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng trị giá xuất khẩu.
Mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng
Mặc dù xuất khẩu hàng hóa Quý I ghi nhận mức tăng trưởng cao vượt bậc so với nhiều quốc gia trong khu vực, song dự báo xuất khẩu hàng hóa thời gian tới tiếp tục đối mặt không ít khó khăn khi chuỗi cung ứng gián đoạn, chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao…
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, sản phẩm chiến lược cho sự bứt phá của ngành gỗ trong thời gian tới tại thị trường Mỹ sẽ là tủ bếp, tủ nhà tắm (chưa kể ván trang trí). Để gia tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, các DN cần nhận thức lại về vấn đề thị trường, chiến lược sản phẩm, tạo ra khả năng cạnh tranh để tham gia vào chuỗi cung ứng.
“Thay vì trước đây các DN tập trung đầu tư vào làm nhiều mặt hàng thì nay nên tập trung vào một số sản phẩm. Các DN vẫn có thể sử dụng 70% các thiết bị đang có để sản xuất tìm giải pháp xử lý bề mặt và xử lý khâu hoàn thiện, khâu sơn sản phẩm”, ông Lập nhấn mạnh.
Ngành hàng dệt may, da giày trong quý I/2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc. Dù dịch bệnh vẫn còn, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay các DN đã tìm ra được hướng đi phù hợp khi thị trường dệt may, da giày thế giới đã dần sôi động trở lại. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc Quý I ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định, trong năm 2021, các mặt hàng dệt may thế mạnh có sự phục hồi nhất định so với năm 2020 nhưng vẫn còn ở mức thấp so với năng lực sản xuất của ngành may Việt Nam đã đạt được trước đó. Việc tăng trưởng sản xuất các mặt hàng thế mạnh này vẫn chưa rõ ràng vì còn phụ thuộc rất nhiều vào cách thức đi lại, làm việc có trở về như trước khi có đại dịch hay không.
“Vinatex có điểm mạnh là Tập đoàn gồm những DN lớn, có uy tín với thị trường lâu năm, do đó khi thị trường phục hồi thì các DN trong Vinatex có thuận lợi trong việc tiếp cận trở lại các đơn hàng. Tuy nhiên, một số khách hàng truyền thống của Vinatex gặp khó khăn, nhất là ở thị trường Mỹ có hơn 10 thương hiệu lớn phải đóng cửa. Họ chính là những khách hàng của các doanh nghiệp lớn trong tập đoàn, nên Vinatex chấp nhận vừa phải tìm khách hàng mới, vừa phải lao vào cuộc cạnh tranh về giá rất khốc liệt”, ông Trường cho biết.
Doanh nghiệp cần nâng cao khả năng thích ứng
Đại dịch đã dần được khống chế và tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 ngày càng tăng chính là yếu tố thuận lợi thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong năm 2021. Tuy nhiên, nhiều nền kinh tế lớn hiện vẫn tiếp tục phải gia hạn lệnh phong tỏa có thể khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Trong khi đó, chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao cũng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các DN. Tình trạng thiếu container rỗng, chi phí vận chuyển tăng cao khiến nhiều DN gặp khó khăn, buộc phải dời kế hoạch xuất hàng cho đơn hàng cũ và chưa thể nhận đơn hàng mới vì không thể giao đúng theo hợp đồng, cản trở việc phục hồi sản xuất của DN.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, nếu nhìn vào hoạt động xuất khẩu Quý I có nhiều khả quan. Tuy nhiên, nhìn vào từng ngành hàng cụ thể thì có sự khác biệt. Điển hình như ngành điện tử, đồ gỗ nội thất đang được hưởng lợi từ yếu tố thị trường, nhưng dệt may, da giày còn khó khăn rất lớn. Cùng với đó, tác động của việc đứt gãy chuỗi cung ứng, nổi lên là vấn đề logistics hay những biến động về địa chính trị trên thế giới cho thấy hoạt động thương mại hiện nay vẫn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất ổn.
“Cần có những hỗ trợ kịp thời cho những ngành, lĩnh vực đang chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Về phía DN cần chủ động xây dựng các kịch bản đối phó và nắm bắt cơ hội từ các bất ổn có thể xảy ra. Nâng cao khả năng thích ứng là yếu tố cốt lõi với sự tồn tại và phát triển của DN hiện nay”, ông Trần Thanh Hải nói.
Trong thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Việc triển khai mạnh mẽ tiêm vaccine Covid-19, cũng như sự hỗ trợ từ chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ qua đó giúp tăng cường cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ các DN triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại để khai thác các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như các thị trường mới nổi, tiềm năng. Đồng thời, tổ chức triển khai tốt các Hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKFTA đã tạo điều kiện đưa hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi hơn, cùng với những cam kết về tạo thuận lợi giảm thiểu các rào cản.