Thứ sáu, 22/11/2024
Doanh Nhân Trẻ

Doanh Nhân Trẻ

  • Click để copy

Tăng khả năng thích ứng trước những tác động để đạt mục tiêu xuất khẩu

Uyên Hương
- 16:50, 04/04/2021

(DNTO) - Mặc dù tăng trưởng xuất nhập khẩu của quý I đã đạt được những kết quả khả quan nhưng nếu nhìn vào từng ngành cụ thể, kết quả đó cũng có những sự khác biệt.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tình trạng thiếu container rỗng, chi phí vận chuyển tăng cao… nhưng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong quý I/2021 vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, hoạt động thương mại đang chịu tác động của rất nhiều các yếu tố bất ổn đến từ các biến động về mặt chính trị xã hội cho đến dịch bệnh, thiên tai, môi trường.

Công ty CP Công nghệ sinh học Rừng Hoa, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) chuyên sản xuất cây giống bằng phương pháp cấy mô và trồng hoa theo quy trình công nghiệp phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Thế Anh-TTXVN

Công ty CP Công nghệ sinh học Rừng Hoa, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) chuyên sản xuất cây giống bằng phương pháp cấy mô và trồng hoa theo quy trình công nghiệp phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Thế Anh-TTXVN

Chính vì vậy, việc nâng cao khả năng thích ứng và chịu đựng trước những tác động bất lợi của thị trường đến từ nhiều nguồn khác nhau là một yếu tố hết sức thiết yếu đối với các doanh nghiệp.

Kết quả khả quan

Nhận định về hoạt động xuất khẩu quý I/2021, ông Trần Thanh Hải-Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định: Quý I/2021, xuất khẩu của Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan nhờ những nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp, cùng sự hỗ trợ và đồng hành của các bộ, ngành, địa phương.

Đặc biệt, Việt Nam đã tận dụng được ưu thế của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, khi đã có các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sắp tới là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Ông Trần Thanh Hải cũng chỉ ra, với thị trường EU, một số mặt hàng hiện vẫn đang được hưởng quy chế về Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP) - những ưu đãi EU đã dành cho các sản phẩm của Việt Nam nhiều năm.

Thế nhưng về lâu dài, việc tận dụng các cơ hội từ Hiệp định EVFTA mới là ưu đãi bền vững và bình đẳng. Đặc biệt, nhiều mặt hàng Việt Nam có lợi thế cũng đang có được các ưu đãi về việc tận dụng các nguồn gốc, xuất xứ cộng gộp như mặt hàng dệt may đang được hưởng ưu đãi có thể cộng gộp nguồn nguyên liệu vải Hàn Quốc. Đây cũng là những thuận lợi mà chỉ Hiệp định EVFTA mới có thể đem lại.

Do vậy, doanh nghiệp cần tìm hiểu về những ưu đãi của các hiệp định để thay đổi quy trình sản xuất, nguồn cung nguyên liệu, đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ hàng hóa và có thể được hưởng mức thuế thấp.

Thống kê từ Bộ Công Thương, tháng 3 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 28,6 tỷ USD, tăng 41,6% so với tháng trước và tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Do vậy, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I/2021 đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước và có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 76,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 18,3 tỷ USD, tăng 4,9%, chiếm 23,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 59,04 tỷ USD, tăng 28,5%, chiếm 76,3%.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu quý I năm 2021, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản đạt 43,2 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp đạt 27,1 tỷ USD, tăng 20,6%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 5,35 tỷ USD, tăng 7,9%. Nhóm hàng thủy sản đạt 1,69 tỷ USD, tăng 3,3%.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa quý I năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 3 đạt 28,2 tỷ USD, tăng 36,5% so với tháng trước và tăng 27,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Tính chung quý I/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 75,31 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với những diễn biến như trên, quý I năm 2021, Việt Nam xuất siêu 2,03 tỷ USD; trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,75 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 8,78 tỷ USD.

Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải bày tỏ, hiện nay, nhập khẩu của Việt Nam về cơ bản vẫn nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu để phục vụ cho các nhóm hàng xuất khẩu.

Thời gian qua, với sự phục hồi của sản xuất cũng như của thị trường các nhóm hàng nguyên liệu cần thiết nhất là nguyên liệu phục vụ cho các nhóm hàng như: đồ gỗ, nhựa, dệt may, da giày và các linh kiện điện tử, linh kiện cho đồ điện gia dụng vẫn đang là nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất.

Điều này phản ánh sự cân bằng trong hoạt động xuất nhập khẩu cũng như cơ cấu của các mặt hàng nhập khẩu để phục vụ trong sản xuất.

Đây cũng được ví như cơ cấu hợp lý để có thể tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh gia tăng xuất khẩu.

Theo ông Trần Thanh Hải, hoạt động thương mại trong bối cảnh hiện nay chịu tác động của rất nhiều những yếu tố bất ổn đến từ các biến động về mặt chính trị xã hội cho đến dịch bệnh, thiên tai, môi trường.

Vì thế, việc nâng cao khả năng thích ứng và chịu đựng trước những tác động bất lợi của thị trường đến từ nhiều nguồn khác nhau là một yếu tố hết sức thiết yếu đối với các doanh nghiệp.

Đòn bẩy tăng trưởng

Mặc dù tăng trưởng xuất nhập khẩu của quý I đã đạt được những kết quả khả quan nhưng nếu nhìn vào từng ngành cụ thể, kết quả đó cũng có những sự khác biệt.

Công nhân Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Thuận An làm các chi tiết mặt gỗ cổ điển theo đơn đặt hàng. Ảnh: Hồng Nhung – TTXVN

Công nhân Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Thuận An làm các chi tiết mặt gỗ cổ điển theo đơn đặt hàng. Ảnh: Hồng Nhung – TTXVN

Đơn cử, những mặt hàng như điện tử, điện gia dụng, đồ gỗ nội thất… đang được hưởng lợi cũng như có tác động tương đối tích cực do nhu cầu tăng cao ở các thị trường khu vực châu Âu và Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, những ngành hàng như dệt may, da giày vẫn phải đối mặt với khó khăn rất lớn, đặc biệt tác động của việc đứt gãy chuỗi cung ứng.

Điều này thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, không chỉ ở nguồn cung mà còn trong hoạt động vận hành của các chuỗi logistics nên cần xem xét kỹ và có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho những ngành hàng chịu tác động lớn của dịch COVID-19.

Theo các chuyên gia thương mại, kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang EU đã dần được cải thiện và tăng 18% quý I/2021.

Vì vậy, việc tận dụng khá tốt những lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt, cùng với nhu cầu tăng trở lại, giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2020 như: gạo tăng 18,6%, đạt 547 USD/tấn; cà phê tăng 6,8%, đạt bình quân 1.801 USD/tấn; chè tăng 10,2%, đạt bình quân 1.604 USD/tấn; cao su tăng 14,1%, đạt bình quân 1.660 USD/tấn; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 9,3%. Đặc biệt, giá hạt tiêu tăng mạnh nhất, tăng tới 31,5%, đạt bình quân 2.879 USD/tấn.

Ở chiều ngược lại, các chuyên gia cũng thẳng thắn chia sẻ, việc xuất khẩu hàng hóa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức khi diễn biến dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp cho dù nhiều quốc gia đã đẩy mạnh triển khai chương trình tiêm vắc xin phòng ngừa.

Tại châu Âu, nhiều nền kinh tế lớn trong khu vực như Đức, Pháp và Italy tiếp tục phải gia hạn lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực trên cả nước trước sự lây lan của dịch COVID-19 có thể khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước đối tác.

Trong khi đó, chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao cũng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Tình trạng thiếu container rỗng, chi phí vận chuyển tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp buộc phải dời kế hoạch xuất hàng cho đơn hàng cũ và chưa thể nhận đơn hàng mới vì không thể giao đúng theo hợp đồng, cản trở việc phục hồi sản xuất.

Bên cạnh đó, các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm. Điều này đã gây ra những khó khăn nhất định cho xuất khẩu nhóm hàng này của Việt Nam.

Để xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng bền vững, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, Bộ Công Thương đang xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược mới về hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn sắp tới, vừa là để thay thế chiến lược 10 năm vừa qua; đồng thời, cũng là xác định hướng đi mới trong bối cảnh thế giới đã có rất nhiều thay đổi như hiện nay.

Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến thương mại cũng như đẩy mạnh xuất khẩu trên môi trường trực tuyến cũng được các cơ quan của Bộ cũng sẽ đẩy mạnh và tìm ra hình thức phù hợp hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Mặt khác, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, thúc đẩy giao thương, xuất khẩu hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản chủ lực, trái cây tươi của Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định: Bộ Công Thương sẽ tiếp tục củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường nhỏ và thị trường ngách; đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.

Tin khác

Doanh nhân - Doanh nghiệp
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi bổ sung quy định thu thuế với các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng tại Việt Nam.
5 giờ
Bất động sản
Nêu thực trạng giá bất động sản tăng phi mã, đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn ĐBQH Đồng Nai) cho biết một công chức không ăn gì cả cũng mất vài trăm năm mới mua được nhà.
1 ngày
Thời sự - Chính trị
Theo đại biểu Quốc hội, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có tầm quan trọng, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực phát triển của đất nước. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tham gia, giúp doanh nghiệp phát triển lớn mạnh, nội địa hóa tối đa, giảm phụ thuộc vào nước ngoài...
1 ngày
Thời sự - Chính trị
Mặc dù Hoa Kỳ là thị trường lớn và tiềm năng nhưng việc phụ thuộc phần lớn vào thị trường này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu. Doanh nghiệp cần hướng tới mở rộng thị trường cùng khu vực như Peru, Colombia hay Trung Mỹ...
3 ngày
Thời sự - Chính trị
Tối 15/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024”, tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
4 ngày
Thời sự - Chính trị
GS. Andreas Hauskrecht của Đại học Indiana, cho rằng Việt Nam cần thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân và tăng năng suất lao động của khu vực kinh tế nhà nước. Bởi việc dựa vào khối FDI như những năm qua sẽ không bền vững.
5 ngày
Thời sự - Chính trị
Chiều 13/11, với 100% số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025.
1 tuần
Thời sự - Chính trị
Sáng 13/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
1 tuần
Thời sự - Chính trị
Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 vừa được Quốc hội thông qua nêu rõ chủ trương: Chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp trong năm 2025.
1 tuần
Thời sự - Chính trị
Hôm nay, 13/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
1 tuần
Thời sự - Chính trị
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải tập trung huy động nguồn lực để đầu tư cho các công trình lớn tầm quốc gia, phải tạo ra sự đột phá về hạ tầng chiến lược, những công trình mang tính chiến lược, xoay chuyển tình thế, xoay chuyển trạng thái...
1 tuần
Thời sự - Chính trị
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, cho biết tin giả ảnh hưởng tới phát triển kinh tế rất lớn, đặc biệt là đối với thị trường chứng khoán, tài chính, bất động sản. Có những thông tin gây thiệt hại vốn hoá nhiều nghìn tỷ đồng trên thị trường chứng khoán.
1 tuần
Thời sự - Chính trị
Theo Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, khi sửa Luật Báo chí sẽ cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, về truyền thông.
1 tuần
Thời sự - Chính trị
Chuyên gia cho biết chính sách kinh tế dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ hướng tới tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại. Vì vậy hàng Việt vào Mỹ cần minh bạch nguồn gốc xuất xứ, tăng kiểm định chất lượng sản phẩm.
1 tuần
Thời sự - Chính trị
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc về tinh gọn bộ máy của Chính phủ theo Nghị quyết số 18 của Trung ương.
1 tuần
Xem thêm