Xuất khẩu vẫn là 'át chủ bài' thúc GDP tăng trong quý II
(DNTO) - "Đến nay, bản chất cơ cấu tăng trưởng của nền kinh tế vẫn là dựa vào xuất khẩu. Đó là mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong những năm qua. Vì vậy, động lực tăng trưởng quý II vẫn dựa vào xuất khẩu là chủ yếu để thúc GDP", PGS.TS Phạm Thế Anh, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, nhận định.
Trong những năm qua, xuất nhập khẩu đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc đổi mới của đất nước. Xuất khẩu đã trở thành một trong những động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống thu nhập cho người dân. Nền kinh tế mở gắn liền với hoạt động xuất, nhập khẩu.
Cụ thể, tăng trưởng GDP của Việt Nam quý I/2021 đạt 4,48%, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020 và là mức tăng khá trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Do đó chúng ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư công sẽ tiếp tục thúc đẩy GDP tăng trưởng cao hơn trong quý II/2021.
Bày tỏ quan điểm của mình, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng hiện nay, GDP của Việt Nam chủ yếu đến từ các ngành chế biến, chế tạo phục vụ xuất khẩu, nhưng tăng trưởng dựa vào xuất khẩu hàng hóa của chúng ta lại đang dựa nhiều vào khu vực FDI, nên giá trị gia tăng tạo ra sẽ bị chuyển về cho các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp FDI vẫn đang coi Việt Nam là thị trường hấp dẫn với nguồn lao động giá rẻ, nhiều ưu đãi thu hút đầu tư và các ưu đãi mà Việt Nam có từ FTA. Nên nếu tiếp tục mô hình này trong 5 năm tới thì khu vực chế biến, chế tạo vẫn giúp giải quyết việc làm một cách tốt nhất, vẫn sẽ là khu vực “tạo đà” tạo ra giá trị đóng góp vào GDP.
"Đến nay, bản chất cơ cấu tăng trưởng của nền kinh tế vẫn là dựa vào xuất khẩu. Tức là sản xuất để xuất khẩu. Chúng ta thu hút rất nhiều FDI vào Việt Nam chủ yếu để gia công, rồi xuất khẩu. Do mô hình tăng trưởng của Việt Nam trong nhiều năm nay với lợi thế là lao động trẻ, thuộc thế hệ dân số vàng, dư thừa lao động, chúng ta thu hút FDI để tận dụng được lao động giá rẻ, gia công để xuất khẩu. Vì vậy, động lực tăng trưởng năm sau vẫn dựa vào xuất khẩu là chủ yếu", TS Phạm Thế Anh nhận định.
Cũng theo ông Phạm Thế Anh, năng lực cạnh tranh xuất khẩu ngày càng được củng cố và giữ vai trò "mũi nhọn" trong phát triển kinh tế. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước ta có vị trí quan trọng trong xếp hạng thành tích xuất khẩu của thế giới. Nếu như năm 2007, Việt Nam chỉ có 11 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD thì đến hết năm 2011, Việt Nam có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 81% tổng kim ngạch xuất khẩu; đến năm 2019 là 32 mặt hàng, chiếm trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ông Thế Anh dẫn chứng, thị trường xuất khẩu được mở rộng và đa dạng hóa, nhiều doanh nghiệp tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu; đặc biệt, xuất siêu liên tục từ 2016-2020 và năm 2020. Chúng ta khá hồ hởi với thành tích xuất siêu kỷ lục 19,1 tỷ USD.Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng lên khoảng 50% năm 2020.
"Có thể tăng trưởng của Việt Nam trong quý II, quý III sẽ đạt mức cao hơn quý I vì lý do rất đơn giản, trong quý II, quý III năm ngoái, kinh tế Việt Nam bị phong tỏa, các hoạt động thương mại, kinh tế, đầu tư bị gián đoạn trong khi năm nay có nhiều tín hiệu tích cực hơn, xuất khẩu vẫn đang tốt nhờ sự năng động, hiệu quả của khu vực FDI trên thị trường quốc tế; các hoạt động tiêu dùng của Việt Nam đang từng bước hồi phục", ông Anh phân tích.
Tuy nhiên, ông Thế Anh cũng đưa ra khuyến nghị, để tiếp tục phát triển xuất khẩu một cách bền vững, trong thời gian tới cần xác định lại vị trí, vai trò của các thị trường xuất nhập khẩu trong xu hướng chuyển dịch mới gắn với từng mặt hàng, từng thị trường. Cùng với đó, tính toán, xây dựng kịch bản khai thác, phát triển thị trường theo các nhóm ngành hàng có lợi thế, đặc biệt là sang các thị trường đã có Hiệp định FTA.
"Đặc biệt,Việt Nam có triển vọng và cơ hội lớn khi tận dụng được các FTA đã ký kết và có hiệu lực. Vấn đề là việc tận dụng như thế nào để làm bệ phóng cho xuất khẩu, vì nhiều cam kết, lợi thế đang được các doanh nghiệp nước ngoài “chớp” lấy do họ có kinh nghiệm, có công nghệ nên chỉ cần đáp ứng về quy tắc xuất xứ là thực hiện được. Trong khi nhiều doanh nghiệp trong nước chưa sẵn sàng tham gia, còn e ngại. Vì thế, các doanh nghiệp trong nước phải mạnh dạn thâm nhập thị trường, tận dụng FTA thì khu vực kinh tế trong nước mới tăng lên, đóng góp lớn cho tăng trưởng GDP. Đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu cũng cần được chú trọng hơn nữa nhằm tránh phụ thuộc nặng nề vào một số đối tác kinh tế lớn...", ông Phạm Thế Anh nhấn mạnh.