‘Xoay trục’ ngành logistics: Cần gây dựng những ‘sếu đầu đàn’
(DNTO) - 10% doanh nghiệp có yếu tố ngoại nhưng chiếm tới 70% thị phần ngành logistics trong nước. Việt Nam cần có những doanh nghiệp nội đủ mạnh, đủ lớn để có thể xoay chuyển cuộc chơi này.
Vắng bóng doanh nghiệp nội địa lớn
Việt Nam hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động logistics, 89% là doanh nghiệp trong nước, 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp nước ngoài. Tuy số lượng doanh nghiệp logistics trong nước khá hùng hậu, nhưng hầu hết ở quy mô vừa và nhỏ và chỉ chiếm khoảng 20% doanh thu toàn thị trường, 80% thị phần còn lại rơi vào tay hãng logistics có yếu tố ngoại (theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam).
Ông Đỗ Xuân Minh, Giám đốc SNP Logistics, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn chia sẻ trong Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021 sáng 14/12 rằng, các doanh nghiệp logistics Việt Nam đa phần có quy mô vừa và nhỏ, thị trường phân mảnh, chưa có tính chuyên môn hóa cao. Tỉ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics còn thấp, thậm chí nhiều doanh nghiệp sản xuất tự đảm nhận các khâu trong dịch vụ logistics.
Trong khi đó, các doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ yếu tập trung vào các mảng dịch vụ kho bãi, vận tải đường bộ, có tính cạnh tranh gay gắt, cộng thêm các yếu tố khác khiến chi phí logistics tăng cao. Có thể thấy, khi thị trường thương mại điện tử phát triển nóng trong thời gian qua, dịch vụ logistics chặng cuối Việt Nam chưa theo kịp các doanh nghiệp nước ngoài.
Cũng theo ông Minh, trong khi hoạt động toàn cầu hóa bùng nổ, các tập đoàn đa quốc gia ngày càng nắm giữ quyền lực thao túng thị trường thì việc hình thành những tập đoàn logistics mạnh trong nước là rất cần thiết để vừa có thể cạnh tranh với các “cá lớn”, vừa giúp ổn định và nâng tầm nền kinh tế.
“Với lợi thế về quy mô, doanh nghiệp lớn thường tham gia đa dạng ngành nghề để tìm kiếm lợi nhuận, chiếm thị phần lớn trong ngành và tạo ra những thương hiệu mạnh, có khả năng cạnh tranh cao và có khả năng dẫn dắt nền kinh tế”, ông Minh cho biết.
Cần những người dẫn đầu
Logistics vốn được xem là “xương sống” của nền kinh tế. Vì vậy theo ông Cao Hồng Phong, Tổng Giám đốc Cảng Nam Hải Đình Vũ, Tập đoàn Gemadept, Việt Nam phải có nền kinh tế khỏe thì mới có những doanh nghiệp logistics khỏe và ngược lại.
Định nghĩa về một doanh nghiệp logistics mạnh, ông Cao Hồng Phong cho rằng, một tập đoàn logistics mạnh là dịch vụ phải đa dạng, hệ thống khách hàng và mạng lưới phải đủ rộng, tốc độ chuyển đổi nhanh. Tuy nhiên, mỗi một doanh nghiệp logistics chỉ mạnh ở một số lĩnh vực chứ không thể mạnh toàn diện. Vì vậy, xây dựng doanh nghiệp logistics mạnh là đi theo sở trường và thế mạnh, dựa trên tiềm lực của mình. Những mặt không mạnh thì có thể hợp tác, liên doanh, liên kết.
“Chúng tôi mạnh về cảng nhưng hợp tác với CJ Logistics và Sumitomo logistics giúp chúng tôi có thêm kinh nghiệm lưu kho và là cầu nối tiếp cận với khách hàng Hàn Quốc, Nhật Bản. Chúng tôi cũng hợp tác với CGM, hãng tàu lớn thứ 3 thế giới vì họ có hàng hóa, có chuỗi cảng bao phủ, nó giúp chúng tôi đi theo đúng sở trưởng, thế mạnh của mình”, ông Phong chia sẻ.
Ông Đỗ Xuân Minh, Giám đốc SNP Logistics, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn thì cho rằng, khung thể chế là yếu tố quyết định đến quy mô và khả năng phát triển lâu dài của các doanh nghiệp logistics. Bởi lẽ, vấn đề của ngành logistics Việt Nam hiện nay ngoài việc chưa đủ tiềm lực, kinh nghiệm, một vấn đề cốt lõi là thị trường.
Cụ thể, hiện 65-75% hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được thực hiện bởi các doanh nghiệp logistics có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và đa phần được chỉ định bởi các gói thầu quốc tế, như vậy đương nhiên phần bánh còn lại trên thị trường lãnh thổ Việt Nam cho các doanh nghiệp Việt là rất hạn chế.
“Tại các nước Đông Nam Á, phần lớn các công ty sản xuất đều ưu tiên sử dụng các công ty logistics nội địa. Vì vậy, Chính phủ cần khoanh vùng các công ty sản xuất mũi nhọn của quốc gia, định hướng ưu tiên hợp tác với các doanh nghiệp logistics nội theo đúng quan điểm ‘Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam’. Điều này không có nghĩa làm mất đi cơ hội của các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ, mà các nhóm công ty sản xuất quy mô khác nhau sẽ tương ứng có các công ty logistics phù hợp”, ông Phong khuyến nghị.
Về phía mình, bản thân các doanh nghiệp logistics cũng khát vọng trở thành những người dẫn đầu tại thị trường nội địa và có thể cạnh tranh sòng phẳng với các hãng ngoại.
Ông Đàm Đình Vĩnh, Chủ tịch OPL Logistics cho biết, dù là công ty non trẻ trong ngành logistics nhưng OPL đang dồn lực tập trung mở rộng thị trường, mở rộng quy mô hệ thống, không chỉ thị trường trong nước mà có cả thị trường quốc tế, vì logistics là không biên giới. Hiện tại, OPL đang tập trung mở các chi nhánh, văn phòng tại các thị trường mục tiêu như Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, Trung Đông, Mỹ, Nam Mỹ.
“Ưu tiên số 1 của chúng tôi là nâng cao chất lượng nhân sự, đặc biệt là lãnh đạo cấp cao, bởi nếu lãnh đạo không đủ năng lực quản trị tầm quốc tế thì khó có thể cạnh tranh với các hãng logistics ngoại”, ông Vĩnh cho hay.