Vướng mắc từ cấp thôn, xã đang khiến doanh nghiệp và người dân khó trụ vững trong dịch Covid 19
(DNTO) - Nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng duy trì hoạt động sản xuất theo “3 tại chỗ”, nhiều vướng mắc ở cấp thôn, xã cần chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ.
Câu chuyện về lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là nông sản trong thời gian cả nước tập trung phòng, chống dịch covid 19 đang tiếp tục là chủ đề nóng. Tại nhiều diễn đàn, hội nghị, các doanh nghiệp, ngành hàng đều đưa ra những tình huống “dở khóc, dở cười” mà họ gặp phải. Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng đã phải thốt lên rằng: "Lãnh đạo địa phương thì cam kết tạo mọi điều kiện nhưng nhưng các ông đứng ở trạm, ở xã, huyện lại không như vậy".
Liên quan câu chuyện tiêu thụ lúa Hè Thu cho bà con nông dân ở ĐBSCL trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng duy trì hoạt động sản xuất theo “3 tại chỗ” do tỷ lệ tiêm vaccine còn hạn chế; nhiều cơ sở sấy và xay sát lúa cũng phải dừng hoạt động do không đáp ứng việc test nhanh Covid 19. Ngoài ra, lượng hàng còn tồn kho trong doanh nghiệp cũng ảnh hưởng lớn đến tổ chức ký kết mới các hợp đồng thu mua lúa gạo cho nông dân.
Theo Thứ trưởng NN-PTNT Trần Thanh Nam, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại một số tỉnh, thành phố cho thấy, thương lái, doanh nghiệp về thu mua lúa tại địa bàn còn gặp nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển, lưu thông… khiến chuỗi cung ứng lúa gạo bị đứt gãy, lúa gạo khó tiêu thụ. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa nhất là tháo gỡ những vướng mắc trong vận chuyển lưu thông nông sản ở cấp xã, thôn; các địa phương cũng phải thống nhất về các biện pháp, lưu thông hàng hoá, chứ mỗi địa phương một kiểu sẽ gây tắc nghẽn trong chính vùng. Những khó khăn gây ách tắc hàng hóa nông sản hiện nay do khách quan cũng có nhưng chủ quan cũng nhiều chứ không thể đổ hết cho dịch, vì trong dịch chúng ta phải có giải pháp khắc phục. Và thực tế đã có nhiều DN rất sáng tạo, hoạt động tốt, hỗ trợ địa phương, nông dân tốt hơn.
Tại cuộc họp của Thủ tướng với các DN diễn ra hôm qua (8/8), các DN, Hiệp hội ngành hàng cũng đã nói lên những khó khăn, bức xúc của mình khi đưa những qui định chung áp vào các trường hợp cụ thể. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có những ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, hàng thiết yếu được phục hồi sản xuất trở lại hay là việc áp dụng “3 tại chỗ” cũng cần linh hoạt hơn...
Trước đó, khi làm việc với các DN cung ứng thiết yếu tại TP.HCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã cho rằng: “Có những giải pháp trong thời gian ngắn thì chịu đựng được nhưng thời gian dài lại không chịu nổi. Cho nên, tôi nói từ đầu với TP.HCM là chúng ta không nên mặc một cái áo chung cho cả thành phố, cụ thể hơn là không bao giờ mặc đồng phục cho tất cả các ngành sản xuất. Trong sản xuất, quan trọng nhất là duy trì được sản xuất và phân phối cho những gì phục vụ sát sườn cho chính mình”.
Vốn – không phải là nút thắt lớn nhất
Có phải vấn đề về vốn đang tạo ra khó khăn hiện nay cho DN không? Tại cuộc họp về thu mua lúa gạo Hè Thu diễn ra hôm 7/7, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: “Tôi tin chắc không phải. Các doanh nghiệp như Tân An và Lộc Trời đều nói tất cả các hạn mức ký kết với các tập đoàn, DN đều đã được thực hiện. Trong điều kiện bình thường tất cả những hạn mức đó đều thực hiện trôi chảy, đúng dư nợ. Nhưng nay DN chưa xuất khẩu được vẫn phải mua tạm trữ lúa gạo để giải quyết câu chuyện cho bà con, có nguồn hàng xuất khẩu sau khi dịch qua. Đó là thể hiện trách nhiệm của DN với người trồng lúa”.
Phó Thống đốc cũng khẳng định, hiện có nhiều chính sách tín dụng cho cây lúa. Nguồn vốn cho cây lúa ở ĐBSCL hiện 75.058 tỷ đồng (cả nước 142.000 tỷ) chiếm 55% dư nợ toàn quốc. An Giang hiện đang dư nợ 12.620 tỷ, tăng trưởng 7 tháng qua khoảng 12%; Cần Thơ dư 11.020 tỷ, Kiên Giang dư 8.199 tỷ, Vĩnh Long 1.398 tỷ đồng… trong khi mức tín dụng chung của cả nước là 6,76%. Tính chung 13 tỉnh ĐBSCL là tăng khoản 17%, trong khi tín dụng chung cả nước chưa được 7%.
Các địa phương đề nghị cần có gói tín dụng riêng để DN có thể mua tạm trữ được lúa gạo. “Giải quyết câu chuyện này có tính tức thì, trước mắt. Câu chuyên lâu dài vẫn là giải quyết tồn kho của các DN, phải xuất khẩu được, tiêu thụ được và luân chuyển được. Nếu tồn kho thì DN vẫn phải trả lãi, cho dù là lãi suất thấp. Căn cơ là phải xuất khẩu được, tiêu thụ nội địa, đảm bảo đầu vào – đầu ra, đảm bảo hài hoà giữa DN, thương lái và người trồng lúa” – ông Tú khẳng định.
Ngoài chuyện tăng vốn từ đầu năm như vậy, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, từ nay đến cuối năm đảm bảo cam kết dư nợ hiện nay đã ký với NHTM. Vốn hiện nay không thiếu vì cầu tín dụng của nền kinh tế không cao. Cơ chế làm sao để NHTM họ sẵn sàng. Tài sản đảm bảo không bắt buộc phải có mà có thể sử dụng ngay đối tượng mua là thóc lúa. Các NHTM cũng thấy rằng nếu DN có tín nhiệm, có dòng tiền, quản lý được thu nợ thì không bắt buộc phải có tài sản đảm bảo.
Hiện NHNN đã chỉ đạo các NHTM cùng DN xác định lại khó khăn cơ cấu lại các khoản nợ đó. Hai Thông tư 01 và 03 của NHNN là dùng để cơ cấu lại các khoản nợ, khoản lãi đến hạn nhưng DN không trả nợ được do dịch thì được kéo dài.
Tuy nhiên, hai Thông tư này qui định cho thời gian dịch bệnh xảy ra ngắn mà thực tế dịch kéo dài thì tiếp tục có cơ chế mạnh mẽ hơn cho DN trong đó có DN thu mua lương thực.
Đến nay, toàn ngành đã giảm lãi suất cho các khoản dư nợ hiện hữu, kể cả dư nợ cho khoản vay mới là 18.800 tỷ đồng, từ nay đến cuối năm, 16 NHTM lớn nhất vừa cam kết giảm tiếp khoảng 20.000 tỷ lãi vay cho DN. Riêng 4 NHTM có vốn Nhà nước cũng cam kết giảm thêm 4.000 tỷ nữa dành cho khu vực 19 tỉnh ĐBSCL, Đông Nam Bộ đang thực hiện Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội.