Vụ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Á: Nhiều câu hỏi cần làm rõ
(DNTO) - Chủ trương chống dịch được xác định là nhiệm vụ cực kỳ cấp bách, song đã bị nhiều cơ quan thừa hành bên dưới lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật một cách trắng trợn. Đó là điều không thể chấp nhận.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), CDC tỉnh Hải Dương và các đơn vị liên quan. Đồng thời, khởi tố 7 bị can, trong đó có Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT Cty Việt Á, Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương, Nguyễn Mạnh Cường - nguyên Kế toán trưởng CDC Hải Dương.
Bước đầu, C03 - Bộ Công an xác định, Công ty Việt Á bán kit test Covid-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng. Bị can Phan Quốc Việt đã chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng gần 30 tỷ đồng cho Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương. C03 đã kê biên 8 bất động sản của ông Phạm Duy Tuyến
Điều không thể chấp nhận
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Đồng Tháp cho rằng, vụ kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á là một scandal rất lớn, rất nghiêm trọng. Chủ trương chống dịch được Quốc hội, Chính phủ xác định là nhiệm vụ cực kỳ cấp bách, song chủ trương đó đã bị nhiều cơ quan thừa hành bên dưới lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật một cách trắng trợn. Đó là điều không thể chấp nhận.
Ông Phạm Văn Hòa đề nghị trong câu chuyện này, cần điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh. Trước hết, cần làm rõ trách nhiệm của bộ, ngành ở Trung ương, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ.
“Theo tôi biết, bộ này chủ trì việc sản xuất kit để sử dụng xét nghiệm cho người dân, sau đó bộ giao cho Công ty Việt Á phối hợp Học viện Quân y thực hiện, thì cần phải làm rõ cơ quan chủ quản”, ông Phạm Văn Hòa nói.
Thứ hai, theo đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cần phải làm rõ trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc ban hành văn bản giới thiệu giá của bộ kit test. Dựa trên cơ sở nào để Bộ Y tế giới thiệu mức giá đó tới 63 tỉnh thành trong cả nước, cơ sở nào để định giá trần của bộ kit test đó, để cho Công ty Việt Á có cơ sở thao túng, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Ông Phạm Văn Hòa cũng đặt câu hỏi, tại sao một công ty sản xuất số lượng kit lớn như vậy mà địa chỉ không rõ ràng, các bộ kit test được sản xuất ở đâu, sản xuất như thế nào, liệu chất lượng có đảm bảo và cơ quan nào cấp chứng nhận cho bộ kit test của Việt Á?
“Vậy cơ quan nào chịu trách nhiệm về điều này?”- Đại biểu Phạm Văn Hòa băn khoăn.
Chuyện “tày trời” về mặt truyền thông
Theo dõi vụ việc, ông Lê Nghiêm - nguyên Cục trưởng Cục thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, đây là một vụ việc rất nghiêm trọng với trách nhiệm không chỉ thuộc về Công ty Việt Á mà thuộc về nhiều cơ quan nhà nước liên quan. Đây là sinh phẩm y tế, ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng chục triệu người và số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
“Họ sẵn sàng trục lợi khi thảm họa dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại rất lớn về người và của. Qua theo dõi dư luận trong nước, nhất là trên mạng xã hội, tôi thấy phần lớn dư luận cảm thấy “sốc”, bức xúc, phẫn nộ. Sai phạm được cơ quan điều tra chỉ ra là việc giá kit xét nghiệm quá cao. Điều này đã được dư luận quan tâm từ lâu”- ông Lê Nghiêm bày tỏ.
Ông Lê Nghiêm phân tích thêm: “Công ty Việt Á đã lừa dối người dân bằng việc đưa ra thông tin đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận sinh phẩm này. Trên trang web của Bộ Khoa học và Công nghệ để thông tin đó hơn 1 năm trời, suốt từ tháng 10 năm ngoái, đến bây giờ mới thừa nhận là sai sót trong khi các địa phương có thể căn cứ vào đó để mua sinh phẩm kit xét nghiệm. Tôi nghĩ, đây là chuyện “tày trời” về mặt truyền thông, gián tiếp đánh bóng tên tuổi cho một thương hiệu hoàn toàn dối trá”.
Là một chuyên gia trên lĩnh vực truyền thông, ông Lê Nghiêm cho rằng, việc đưa thông tin sai sự thật như vậy có thể xử lý theo nhiều hình thức khác nhau. Nếu sai sót nhỏ thì có thể xử lý theo Nghị định 15-NĐ/CP năm 2020 của Chính phủ, tức là xử phạt hành chính.
“Tuy nhiên, tôi nghĩ việc này nghiêm trọng hơn nhiều. Một cơ quan nhà nước có chức năng thẩm định về mặt khoa học, một sản phẩm quan trọng liên quan đến sức khỏe người dân trong giai đoạn dịch bệnh, lại đưa ra thông tin như vậy, cơ quan chức năng cần làm rõ”, ông Lê Nghiêm nêu quan điểm.