Vụ án 'chuyến bay giải cứu': Loạt mức án được đề nghị, mức nặng nhất thuộc cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế

(DNTO) - Viện kiểm sát đề nghị tử hình đối với bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, người nhận hối lộ nhiều nhất cả số lần và số tiền lên đến 42,6 tỉ đồng. Trong khi đó, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng bị đề nghị mức án 12-13 năm tù. Tất cả bị cáo liên quan đến vụ án bị truy tố, xét xử về tội nhận hối lộ.
Sáng 17/7, Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo liên quan đến vụ án "Chuyến bay giải cứu".
Viện Kiểm sát đánh giá, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận hối lộ nhiều nhất và thủ đoạn cũng trắng trợn nhất trong số các bị cáo với 253 lần nhận hối lộ, tổng số tiền trên 42,6 tỷ đồng. Ông Kiên đã lợi vụ chức vụ, quyền hạn gây khó dễ cho nhiều doanh nghiệp, yêu cầu phải chi tiền theo mức mà mình yêu cầu để được Bộ Y tế đồng ý xét duyệt các chuyến bay
Khi vụ án khởi tố, ông Kiên đã chuyển trả lại cho các doanh nghiệp và cá nhân đưa hối lộ hơn 12 tỷ đồng. Đồng thời, nhờ các doanh nghiệp khai báo với cơ quan chức năng số tiền chuyển cho bị cáo là tiền vay mượn cá nhân. Theo Viện Kiểm sát, với ông Kiên, cần áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất, mức án tử hình.
53 bị cáo còn lại bị đề nghị đến mức án dưới 20 năm tù.
Cụ thể, Viện Kiểm soát đề nghị mức án từ 10 đến 20 năm tù dành cho các bị cáo: ông Vũ Anh Tuấn, nguyên Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, bị đề nghị mức án từ 19-20 năm tù; ông Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên Bộ Công an từ 19-20 năm tù; bà Nguyễn Thị Hương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao 18-19 năm tù; ông Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Thái Hòa từ 15-17 năm tù; ông Tô Anh Dũng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao từ 12-13 năm; Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky, từ 10-11 năm tù...
Các bị cáo có mức án bị đề nghị từ 6 đến 10 năm tù gồm: ông Vũ Sỹ Cường, nguyên cán bộ Phòng Tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an từ 8-9 năm tù; Trần Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam từ 8-9 năm tù; ông Nguyễn Quang Linh, nguyên Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ nhận từ 7-8 năm tù; ông Nguyễn Tiến Thân, nguyên Chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế Văn phòng Chính phủ từ 6-7 năm tù; bà Nguyễn Mai Anh, nguyên Chuyên viên, Vụ Quan hệ Quốc tế Văn phòng Chính phủ từ 6-7 năm tù...
Phó Chủ tịch TP. Hà Nội bị đề nghị mức án 4-5 năm tù; ông Vũ Hồng Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản từ 4-5 năm tù; ông Lê Tuấn Anh, nguyên Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao nhận hối lộ gần 1,8 tỷ đồng, từ 4-5 năm tù...

Phiên toà xét xử vụ án "Chuyến bay giải cứu"
Theo Viện Kiểm sát, thủ đoạn phạm tội nhận hối lộ của các bị cáo được thể hiện dưới 2 hình thức chính, gồm: Đưa ra yêu cầu, thỏa thuận, mặc cả về giá buộc các doanh nghiệp phải đưa tiền và gây khó khăn trong việc thẩm định, đề xuất, duyệt cấp phép các chuyến bay dẫn đến các doanh nghiệp phải chi tiền.
Đây là hành vi lợi dụng chức trách của mình để nhận tiền hối lộ, không thể coi là cảm ơn để nhận tiền từ các doanh nghiệp với số tiền bằng cả một gia tài của nhiều người, nhất là trong bối cảnh cả nước đang gồng mình chống dịch.
Trong số 54 bị cáo, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố: 21 bị cáo về tội Nhận hối lộ; 23 bị cáo về tội Đưa hối lộ; 4 bị cáo về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; 4 bị cáo về tội Môi giới hối lộ và 1 bị cáo về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 1 bị cáo về cả hai tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Đưa hối lộ.