Vốn điều lệ tại doanh nghiệp được phù phép, hệ lụy rất lớn cho cả thị trường
(DNTO) - Đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu vốn điều lệ không được xác định chính xác thì đó là sự đánh tráo đối với các nhà đầu tư ngay từ lần mua đầu đến những lần mua tiếp theo. Bởi thực tế, nhiều đơn vị đã phù phép, bơm tiền để nâng vốn điều lệ.
Sáng 7/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (1 luật sửa 7 luật).
Liên quan nội dung sửa đổi Luật Chứng khoán, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Đoàn ĐBQH Lai Châu) cho biết, Chính phủ đề xuất hồ sơ chào bán ra công chúng thì cần phải có báo cáo vốn điều lệ đã góp trong thời gian 10 năm tính đến thời điểm đăng ký chào bán số cổ phiếu lần đầu ra công chúng, được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập. Đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế không đồng tình vì cho rằng sẽ phát sinh thêm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Theo đại biểu, việc kiểm toán xác định vốn điều lệ ban đầu là nội dung rất quan trọng để xác định vốn điều lệ thực gốc và tổng số cổ phần phát hành. Nếu vốn điều lệ không được xác định chính xác thì đó là "sự đánh tráo" đối với toàn bộ các nhà đầu tư ngay từ lần mua đầu đến những lần mua tiếp theo.
Đại biểu dẫn chứng: Điển hình cho nội dung này là Công ty Pharos của FLC từ vốn điều lệ ban đầu 1,5 tỷ đồng, sau 5 lần tăng vốn điều lệ trong 3 năm 2014-2016 đã tăng lên 4.300 tỷ đồng. Gần đây, trong vụ án Sài Gòn - Đại Ninh của ông Nguyễn Cao Trí cũng qua nhiều lần "phù phép" tương tự đã nâng vốn lên 2.000 tỷ đồng. Cách "phù phép" của họ là "bơm" một số tiền nhất định vào các tài khoản, sau đó lại "rút ra, bơm vào" cho đến khi đạt được doanh số tổng bằng tổng số vốn điều lệ. Đồng thời ông cũng cho rằng, việc kiểm toán vốn điều lệ là một yếu tố cần đảm bảo cho thị trường chứng khoán được minh bạch, trong sạch.
Tham gia ý kiến về Luật Chứng khoán, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội), cho rằng Chính phủ cần rà soát để đảm bảo quy định tại Dự thảo Luật phù hợp, đồng nhất với các quy định pháp luật liên quan trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán. Đồng thời, cần rà soát, làm rõ, chi tiết các khái niệm, định nghĩa liên quan đến việc xác định hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, việc sử dụng các công nghệ thông tin hiện đại để thực hiện các hành vi thao túng thị trường chứng khoán đang diễn ra phổ biến, cần nghiên cứu quy định tại Dự thảo Luật để đảm bảo các quy định có khả năng bao quát các hành vi được thực hiện bởi nhiều công cụ...
Liên quan đến chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán (khoản 8 Điều 1 Dự thảo Luật, sửa đổi, bổ sung Điều 31 của Luật hiện hành), đối với nội dung đề xuất tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu từ 1 năm lên 3 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho rằng quy định như vậy là chưa phù hợp, do trái phiếu chào bán riêng lẻ, đặc biệt là các loại trái phiếu do các doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành là một loại sản phẩm có mức độ rủi ro cao.
Theo đại biểu, mặc dù pháp luật của một số quốc gia trên thế giới không cấm nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân tham gia thị trường này nhưng trên thực tế hoạt động giao dịch, mua bán, đầu tư trái phiếu riêng lẻ thường chỉ được thực hiện giữa các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp như các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư và các ngân hàng đầu tư.
Đại biểu đề nghị rà soát, nghiên cứu thêm về chính sách trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đồng thời với việc hoàn thiện thống nhất các quy định liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp của công ty đại chúng và công ty không phải là đại chúng để thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, doanh nghiệp mở rộng cơ hội tiếp cận, huy động các nguồn vốn khác trong phát triển kinh tế.
Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung khoản 2 về chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng theo hướng: “bổ sung ngoại trừ chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu thì không phải đạt tỷ lệ tối thiểu 70% số cổ phiếu được chào bán trong trường hợp chào bán ra công chúng nhằm mục đích huy động phần vốn để thực hiện dự án của tổ chức phát hành”.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung khoản 3 về chào bán trái phiếu ra công chúng theo hướng: “bổ sung điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh ngân hàng theo quy định của pháp luật, ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 và có đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định của Chính phủ”.
Giải trình sau đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật và trình Quốc hội để ban hành. Đồng thời sẽ tăng cường thanh kiểm tra thị trường chứng khoán để hạn chế rủi ro…