VNDIRECT dự báo thặng dư thương mại của Việt Nam giảm mạnh trong năm 2021
(DNTO) - Do tác động tiêu cực của làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư tới lĩnh vực sản xuất và hoạt động xuất khẩu, trong Báo cáo "Cập nhật vĩ mô" vừa phát hành, VNDIRECT đã dự báo thặng dư thương mại của Việt Nam sẽ giảm mạnh xuống còn 0,3 tỷ USD trong năm 2021, từ mức thặng dư 18,9 tỷ USD trong năm 2020.
Hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng
Theo Tổng cục Thống kê, giá trị xuất khẩu tháng 8/2021 giảm 6,0% so với tháng trước (giảm 5,4% so với cùng kỳ), đánh dấu lần đầu tiên kể từ tháng 5/2020, xuất khẩu ghi nhận sự sụt giảm so với cùng kỳ (đã loại bỏ yếu tố mùa vụ).
Hoạt động xuất khẩu suy giảm trong tháng vừa qua do các cảng biển tại miền Nam phải giảm công suất hoạt động để thực hiện các quy định về giãn cách xã hội và hoạt động vận tải phải thắt chặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Trong 8 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu đạt 212,6 tỷ USD (tăng 21,2% so với cùng kỳ).
Trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, các mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong tháng 8/2021 bao gồm xăng dầu (tăng 172,9% so với cùng kỳ), thép (tăng 107,0% so với cùng kỳ), hạt tiêu (tăng 72,6% so với cùng kỳ), sắn và sản phẩm (tăng 54,4% so với cùng kỳ) và hóa chất (tăng 47,5% so với cùng kỳ). Mặt khác, một số mặt hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh như dầu thô (giảm 75,5% so với cùng kỳ), giày dép (giảm 38,5% so với cùng kỳ), túi xách (giảm 37,9% so với cùng kỳ), nội thất từ chất liệu khác gỗ (giảm 37,2% so với cùng kỳ) và gạo (giảm 30,4% so với cùng kỳ).
Trên cơ sở đánh giá tình hình kém khả quan của lĩnh vực sản xuất trong giai đoạn tháng 6 - tháng 8, VNDIRECT hạ dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 xuống còn 15%, từ mức dự báo trước đó là 16,6%.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 8/2021 của Việt Nam tăng 21,2% so với cùng kỳ lên 27,5 tỷ USD, thấp hơn mức tăng 31,8% so với cùng kỳ của tháng 7/2021. Trong 8 tháng đầu năm 2021, giá trị nhập khẩu tăng lên 216,3 tỷ USD (tăng 33,8% so với cùng kỳ) và Việt Nam nhập khẩu ròng 3,7 tỷ USD trong kỳ (so với thặng dư thương mại 13,7 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2020), theo TCTK. Các mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh trong tháng 8/2021 bao gồm cao su (tăng 137,6% so với cùng kỳ), phân bón (tăng 90,7% so với cùng kỳ), bông (tăng 64,4% so với cùng kỳ), sản phẩm hóa chất (tăng 62,2% so với cùng kỳ) và thép (tăng 51,8% so với cùng kỳ).
Dịch vụ và sản xuất đều bị ảnh hưởng nặng nề trong vòng hai tháng qua
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2021 chỉ đạt 279.843 tỷ đồng (giảm 33,7% so với cùng kỳ) và thấp hơn tới 10,5% so với mức tại thời điểm tháng 4/2020 khi Việt Nam áp dụng giãn cách xã hội trên cả nước trong 3 tuần.
VNDIRECT thấy rằng, tác động của làn sóng dịch hiện tại đối với ngành dịch vụ đã vượt xa tác động của làn sóng thứ nhất, khi Việt Nam áp dụng giãn cách xã hội trên cả nước vào tháng 4 năm ngoái.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 4,7% so với cùng kỳ (so với mức giảm 0,2% trong 7 tháng đầu năm 2021 và mức giảm 1,1% của cùng kỳ năm trước). Nếu loại trừ yếu tố giá, doanh thu giảm 6,2% so với cùng kỳ, mức mạnh nhất kể từ tháng 5/2020.
VNDIRECT kỳ vọng doanh thu của ngành dịch vụ sẽ phục hồi nhẹ trong tháng 9 do một số địa phương có thể nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội kể từ ngày 15 tháng 9 tới đây nhờ dịch bệnh được kiểm soát.
Đối với ngành sản xuất, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam giảm xuống 40,2 điểm trong tháng 8/2021, là mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020 và đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp chỉ số này dưới ngưỡng 50 điểm. Đồng thời, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2021 giảm 7,4% so với cùng kỳ sau khi ghi nhận sụt giảm 0,3% so với cùng kỳ trong tháng trước đó. Những chỉ số này đã cho thấy xu hướng thu hẹp của lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam trong tháng 8 khi ngày càng nhiều xí nghiệp, nhà máy phải tạm thời đóng cửa hoặc giảm công suất hoạt động do dịch bệnh kéo dài.
Có ít phân ngành sản xuất công nghiệp ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ trong tháng 8 vừa qua, bao gồm hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng (tăng 26,5% so với cùng kỳ), khai thác than cứng và than non (tăng 19,0% so với cùng kỳ), sản xuất kim loại (tăng 12,1 so với cùng kỳ), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế (tăng 9,9% so với cùng kỳ) và chế biến gỗ và sản xuất xuất sản phẩm từ gỗ (tăng 6,8% so với cùng kỳ).
Trong khi đó, nhiều phân ngành khác tiếp tục chứng kiến sự suy giảm hoạt động như sản xuất đồ nội thất (giảm 20,9% so với cùng kỳ), chế biến thực phẩm (giảm 15,2% so với cùng kỳ), sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (giảm 11,2% so với cùng kỳ), khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (giảm 9,1% so với cùng kỳ) và sản xuất xe có động cơ (giảm 7,8% so với cùng kỳ).
Lạm phát nhích tăng nhưng vẫn đang được kiểm soát tốt
Lạm phát của Việt Nam đã tăng lên 2,8% so với cùng kỳ trong tháng 8/2021 (so với mức 2,6% trong tháng trước). CPI theo tháng nhích tăng 0,2% so với tháng trước, chủ yếu do chỉ số giá nhóm lương thực thực phẩm và đồ uống tăng lần lượt 0,7% và 0,2% so với tháng trước trong khi chỉ số giá nhóm giao thông giảm 0,1% so với tháng trước.
Do áp lực lạm phát sẽ duy trì ở mức thấp trong những tháng cuối năm sau khi Chính phủ thông báo giảm giá, phí các dịch vụ thiết yếu như điện, nước sinh hoạt và viễn thông cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, VNDIRECT giữ nguyên dự báo lạm phát bình quân năm 2021 của Việt Nam tăng 2,4% so với cùng kỳ (+/- 0,2 điểm phần trăm).
Lãi suất huy động tiếp đà giảm trong tháng 8
Nhu cầu tín dụng giảm do doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực từ đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư đã đẩy lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động giảm trong tháng 8.
Theo dữ liệu từ Bloomberg, lãi suất qua đêm giảm 23 điểm cơ bản so với cuối tháng 7 xuống còn 0,51%/năm tại ngày 27/8. Ngoài ra, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần đến 2 tháng giảm từ 13 đến 25 điểm cơ bản trong tháng vừa qua. Trong khi đó, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân giảm lần lượt 11 và 12 điểm cơ bản trong tháng 8, trong khi lãi suất huy động của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh duy trì ổn định trong tháng qua.
Lãi suất cho vay có thể giảm thêm, lãi suất huy động duy trì ở mức thấp từ nay đến cuối năm
Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam tính đến cuối tháng 8 năm 2021 tăng 7,4% so với cuối năm 2020 (so với mức tăng trưởng tín dụng 6,4% trong 6 tháng đầu năm 2021).
VNDIRECT kỳ vọng NHNN sẽ cởi mở hơn trong việc nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, VNDIRECT kỳ vọng lãi suất tín dụng sẽ giảm hơn nữa để hỗ trợ tăng trưởng, đặc biệt là đối với các ngành và khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Trong tháng 7, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng hương mại giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Sau đó, các ngân hàng thương mại cam kết cắt giảm hơn 20 nghìn tỷ đồng từ lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay từ 0,5-2,0% đối với dư nợ của các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Với lãi suất huy động, VNDIRECT giữ nguyên quan điểm lãi suất huy động có thể tăng 10-15 điểm cơ bản so với mức hiện tại vào cuối năm 2021, nhưng vẫn ở mức thấp nếu so với thời điểm trước đại dịch.