Việt Nam cần hơn 1 triệu nhân lực logistics đến năm 2025
(DNTO) - Để đáp ứng sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành logistics trong 5 năm tới, Việt Nam cần phải có hơn 1 triệu nhân lực logistics được đào tạo bài bản và chuyên sâu hơn.
Báo cáo Logistics 2021 của Bộ Công thương nêu rõ, nhu cầu nhân lực logistics cho toàn ngành xuất phát từ hai nhóm, bao gồm cả nhu cầu của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics và nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 29.694 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh các loại hình dịch vụ logistics, bao gồm: dịch vụ vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải, kho bãi, bốc xếp bưu chính chuyển phát... Mức tăng trưởng nhân lực bình quân tại các doanh nghiệp logistics Việt Nam khoảng 7,5%; thấp hơn mức tăng trưởng chung của ngành 14% - 16% do đã loại trừ khả năng ứng dụng công nghệ cũng như nâng cao hiệu quả quản lý của các doanh nghiệp. Do đó, trong thời gian 5 năm tới, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics sẽ là 852.592 người.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, Việt Nam hiện có 810.000 doanh nghiệp (theo số liệu Tổng cục Thống kê đến 31/12/2020), nếu quy mô trung bình 100 lao động thì cần có ít nhất 4 lao động logistics (quản lý xuất nhập khẩu, mua hàng, kho hàng, vận tải và phân phối). Do vậy tỷ lệ qua đào tạo logistics (hoặc gần với logistics) là 132.840 người.
Với mục tiêu tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 - 60% trong thời gian tới (theo Quyết định 221/QĐ-TTg) thì mức tăng trưởng nhân lực logistics của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ không cao, ước đạt khoảng 5%/năm. Do vậy trong giai đoạn 2021 – 2025, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của Việt Nam cần thêm số nhân lực logistics 169.541 người.
Như vậy, ước tính trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng nhu cầu nhân lực logistics của các doanh nghiệp Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh) là 1.022.133 người.
Số liệu từ báo cáo cũng cho thấy, tính đến tháng 10/2021, cả nước có 936 trường cao đẳng và trung cấp. Trong số đó, có 54 trường cao đẳng và 11 trường trung cấp đào tạo nghề logistics với chỉ tiêu tuyển sinh tương ứng là 3.560 sinh viên cao đẳng và 2.815 học sinh trung cấp. Mặc dù tổng số 6.375 sinh viên ngành logistics được đào tạo tại thời điểm này đã tăng so với các năm trước, nhưng so con số hơn 1 triệu nhân lực ngành cần cho đến 2025 thì đây vẫn là sự thiếu hụt rất lớn.
Trong khi đó, nhân lực là yếu tố then chốt giúp ngành logistics Việt Nam phát triển và xứng tầm khu vực. Vì vậy, Báo cáo Logistics Việt Nam 2021 cũng kiến nghị nhiều giải pháp đồng bộ đối với cơ sở đào tạo, với các doanh nghiệp sử dụng nhân lực và các cơ quan quản lý ngành logistics nhanh chóng xây dựng và phát triển lực lượng lao động trong ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng chất lượng cao, đáp ứng được sự phát triển mạnh mẽ và hội nhập quốc tế của ngành.