Vì sao xe buýt vẫn chưa được người dân đô thị ưu tiên?
(DNTO) - Xe buýt là loại hình chuyên chở hành khách công cộng không thể thiếu của một đô thị văn minh. Tại TP.HCM, trong các năm qua, dù nhà nước đã có nhiều hình thức hỗ trợ, ưu tiên, nhưng xe buýt vẫn chưa trở thành một phương tiện được nhiều người dân lựa chọn. Vì sao?
Năm 1955, hệ thống xe buýt bắt đầu thay thế xe lửa, xe điện vận hành trong địa phận Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định. Năm 1960 - 1961 được xem là thời hoàng kim của xe buýt. Tuy nhiên chỉ được 2 năm, do chi phí vận hành cao, việc thiết kế các luồng tuyến không hợp lý, kinh doanh thua lỗ nhường cho việc khai thác xe lam gọn nhẹ hơn.
Sau ngày đất nước thống nhất (1975), xe buýt và xe lam song hành là phương tiện giao thông công cộng chủ yếu tại TP.HCM. Vào những năm 1990, trước tình hình số phương tiện vận tải ngày càng gia tăng dẫn đến ùn tắc, thành phố bắt đầu có chủ trương xây dựng lại hệ thống giao thông công cộng. Nhiều tuyến xe buýt với dịch vụ tiện nghi, an toàn giá rẻ ra đời để thu hút hành khách. Do được trợ giá, tiền vé đồng hạng 1.000 đồng/lượt trên tất cả các tuyến khiến lượng hành khách tăng rất mạnh.
Từ ngày 1/11/2003, xe lam ngưng toàn bộ hoạt động vận chuyển khách khiến hệ thống xe buýt TP. HCM rơi vào tình trạng quá tải. Đến nỗi năm 2005, xe buýt hai tầng được đưa vào hoạt động để tăng khả năng chuyên chở.
TP.HCM ngày càng phát triển, mở rộng, dân số tăng nhanh kéo theo nhu cầu đi lại tăng theo. Nhưng có một nghịch lý xảy ra là người dân lại ưu tiên chọn phương tiện cá nhân thay vì xe buýt như trước đó. Rất nhiều nguyên nhân được đưa ra nghiêng về chất lượng dịch vụ và sự bất tiện của xe buýt như: Tiếp cận khó khăn, phương tiện cũ kỹ, luồng tuyến không phù hợp, thường xuyên trễ giờ, thời gian phục vụ ngắn, thái độ phục vụ của nhân viên chưa tốt…
Trước tình trạng này, các ngành chức năng thành phố đã không ngừng nỗ lực từng bước quan tâm cải thiện nhằm duy trì loại hình vận tải hành khách công cộng này như: Đồng loạt thay xe mới, trang bị máy lạnh, hệ thống bán vé, rao trạm tự động, gắn camera giám sát; Nâng cao ý thức thái độ phục vụ của tài xế và tiếp viên… Các nhà chờ xe cũng được xây mới, có gắn bảng thông tin điện tử trực tuyến, theo dõi thời gian xe đi, xe đến. Các dịch vụ như “busmap” miễn phí trên điện thoại, thẻ xe buýt thông minh tích hợp… cũng được đưa vào ứng dụng. Nhiều tuyến xe buýt tiếp cận với các khu đô thị mới, bệnh viện, trường học… được thiết lập tạo thuận lợi kết nối cho người dân.
Tuy nhiên, đến năm 2014, sự xuất hiện của xe công nghệ lại một lần nữa đặt xe buýt vào tình trạng thất thế. Sự phát triển ồ ạt của dịch vụ xe công nghệ chuyên chở khách và giao hàng cộng với sự gia tăng đáng kể số lượng phương tiện cá nhân, khiến diện tích mặt đường bị “cạnh tranh”, xe buýt không có chỗ chạy, đến trễ, chậm giờ nên càng bị mất khách.
Hiện nay, mặc dù vẫn còn đang đối mặt với nhiều thách thức nhưng xe buýt vẫn được xác định là loại hình vận tải hành khách công cộng đáp ứng sự phát triển của một siêu đô thị với tốc độ phát triển nhanh mạnh như TP.HCM. Hướng tới xe buýt dần dần không chỉ là phương tiện phục vụ đối tượng người dân “yếu thế” như phụ nữ lớn tuổi, người già, dân mua gánh bán bưng hay sinh viên học sinh mà mở rộng sang các thành phần lao động trí thức, làm việc văn phòng...
Để có thể cạnh tranh được với phương tiện cá nhân, xe buýt cần "Hữu xạ tự nhiên hương". Các hình thức ràng buộc, cưỡng bức, cấm đoán hay kiểu phát động phong trào sẽ không bao giờ có hiệu quả.
Cho nên, để thực sự tạo được động lực trong người dân sử dụng xe buýt, thứ nhất, phải thực hiện nhiều giải pháp kết hợp, trong đó cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư phương tiện, chất lượng lái xe… Thứ hai, cần được ưu tiên hơn về sử dụng mặt đường để bảo đảm việc đúng giờ cho xe buýt. Thứ ba, cần tập huấn cho tài xế, nhân viên nhà xe và tuyên truyền cho người dân về thái độ ứng xử văn hóa giao thông.
Cũng cần lưu ý, hành khách và người phục vụ giao thông luôn có mối tương tác trong suốt hành trình. Vì vậy, không thể chỉ nói đến văn hóa người phục vụ mà bỏ qua văn hóa của hành khách. Hành khách văn minh khi đi xe buýt là động cơ khiến nhân viên phục vụ tốt hơn.
Để thay đổi thói quen đi lại của người dân từ phương tiện cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng là cả một quá trình chuyển đổi từ nhận thức thành hành động. Hy vọng rằng với sự nỗ lực hợp tác đồng bộ giữa người dân và chính quyền thành phố, xe buýt sẽ duy trì, phát triển bền vững, là biểu tưởng về giao thông công cộng của một đô thị văn minh tại TP.HCM và các thành phố khác trong cả nước.