Không nên im lặng khi bị sàm sỡ trên xe buýt
(DNTO) - Gần đây liên tiếp xuất hiện những bài đăng của nữ sinh viên tố bị quấy rối tình dục trên xe buýt. Cụ thể, một bạn gái là nạn nhân chia sẻ, trên chuyến xe buýt số 53 vào hồi 16g ngày 28/2, bạn đã gặp phải một tên "biến thái". Từ đây, vấn nạn sàm sỡ nơi công cộng lại được khơi dậy.
Mặc dù mấy ngày nay dư luận xã hội không ngừng sục sôi bởi liên tiếp xảy ra câu chuyện liên quan đến tình ái của một đại gia đã có gia đình bị lộ thông tin hình ảnh cùng cô ca sĩ trẻ, đồng thời với việc nhân vật nữ CEO Đại Nam vừa bị tạm giam. Nhưng không vì thế mà người ta thờ ơ trước một vấn nạn liên quan đến nền tảng giá trị đạo đức, văn hóa, xã hội, sức khỏe tâm thần, tình dục… là nỗi ám ảnh triền miên của các bạn gái trẻ. Đó là nạn sàm sỡ nơi công cộng với mục đích quấy rối tình dục, mà cụ thể là nạn sàm sỡ xảy ra trên các chuyến xe buýt lại nổi lên trong mấy ngày gần đây.
Một bạn gái là nạn nhân trên chuyến xe buýt số 53 vào hồi 16g ngày 28/2, chia sẻ: Đấy là một thanh niên dáng người nhỏ con, đeo kính, trông rất giống sinh viên. Lần đầu khi bị hắn giở trò, cô vẫn còn nghĩ là do mình bị ảo giác. Nhưng: “Một lúc sau, mình bắt gặp tay nó sờ vào vòng một của mình, mình bèn chạy qua ghế khác ngồi. Lúc ấy, mình sợ quá nên không dám la lên. Vừa lúc đó, tên nọ cũng bước xuống trạm”.
Tương tự, trước đó, vào khoảng19g ngày 23/2, trên chuyến xe buýt số 19 (Bến Thành - ĐH Quốc gia TP.HCM), một bạn nữ sinh viên trong trạng thái thiếp đi vì mệt đã bị người đàn ông ngồi bên cạnh sờ soạng. Nữ sinh giật mình, lập tức người đàn ông thu tay lại và nhìn ra chỗ khác đánh lạc hướng.
Không chỉ ở TP.HCM, ở nhiều địa phương khác, tình trạng này cũng thường xuyên xảy ra. Và nạn nhân của nạn sàm sỡ trên xe buýt cũng không chỉ có các em học sinh, sinh viên nữ, mà có cả phụ nữ trung niên… Như vụ việc xảy ra trên xe buýt tuyến Chùa Hương - Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) trước đây. Một người phụ nữ bị một người đàn ông trung niên sàm sỡ. Nạn nhân đã phản ứng dữ dội, kiên quyết không cho "kẻ biến thái" rời đi và gọi Công an. Cơ quan Công an đã vào cuộc tiến hành xác minh, điều tra xử lý.
Đây là trường hợp nạn nhân là một phụ nữ trung niên nên vụ việc được tố giác và thủ phạm bị xử lý đích đáng. Nhưng đa phần, nạn sàm sỡ trên xe buýt thường rơi vào các em nữ sinh. Do lo lắng, sợ hãi, nhất là xấu hổ, các em ngại ngùng thường chọn cách im lặng, nên thủ phạm cứ thế mà tự nhiên rời đi.
Vậy trong trường hợp bị sàm sỡ trên xe buýt, phụ nữ nhất là các em nữ sinh cần làm gì. Trước tiên, các bạn cần giữ bình tĩnh, phản ứng dứt khoát bằng cách yêu cầu thủ phạm ngừng ngay cử chỉ sàm sỡ lại. Theo chuyên gia tâm lý, trừng mắt, nhìn thẳng vào mặt của đối tượng là cách tức thì khiến đối tượng nhanh chóng bị "cụt hứng". Tiếp theo, đừng ngại hãy kêu cứu to lên để cho tất cả những người trên xe biết. Cần thiết giữ chân thủ phạm không cho hắn rời đi.
“Khi gặp tình huống phát sinh, chúng ta cần phải mạnh dạn phản ứng và hô lên để mọi người, cũng như nhân viên phục vụ và lái xe, kịp thời hỗ trợ, xử lý", ông Lê Hoàn - Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở GTVT TP.HCM), khuyến cáo. Đồng thời ông cũng cho biết, trung tâm đã có văn bản gửi đến các doanh nghiệp vận tải để triển khai các biện pháp ứng phó, tăng cường kiểm tra camera trên xe buýt, trích xuất camera trung tâm cũng gắn biển báo nhắc nhở và lắp camera giám sát tại các trạm chờ.
Tuy nhiên cũng có một vài bạn cho biết, các bạn cũng có la lên nhưng mọi người xung quanh đa số chỉ quay nhìn rồi lơ đi, một số ít nói vài câu có ý gay gắt rồi cũng thôi. Rốt cuộc, nạn nhân chịu thiệt thòi, xấu hổ còn kẻ biến thái thì vô can. Tình trạng này nhắc cho chúng ta nhớ bài học về sự thờ ơ của mọi người xung quanh đã dẫn đến nhiều cái chết thương tâm vì nạn bao hành gia đình vừa mới xảy ra cách đây không lâu.
Cho nên khi nghe nạn nhân kêu cứu bị sàm sỡ trên xe buýt, hành khách trên xe, nhất là phụ lái và tài xế nên lên tiếng, đồng thời có những động thái phản ứng để bảo vệ các em và ngăn chặn hành vi sàm sỡ. Trường hợp đối tượng chống đối nên giữ hắn lại, báo công an xử lý. Như vậy, mới mong răn đe và ngăn chặn được nạn sàm sỡ trên xe buýt nói riêng và ở nơi công cộng nói chung.
Cũng cần nên biết thêm, từ vụ một cô gái trẻ bị một người đàn ông lạ mặt dồn vào góc thang máy cưỡng hôn, được camera an ninh ghi lại và bị cô gái tố giác, nhưng kẻ “gây án” chỉ bị phạt 200.000 đồng vào hồi tháng 3/2019. Bị phản ứng rất dữ dội từ cộng đồng, sau đó, Nghị định 144/2021 ra đời (thay thế cho Nghị định 167/2013) đã có quy định pmức phạt tiền từ 5-8 triệu đồng đối với người nào có hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục hoặc khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng.
Như vậy, có thể thấy, nghị định mới cũng đã tăng mức phạt lên rất cao so với mức phạt cũ để đạt hiệu quả răn đe, phòng ngừa.
Vấn đề còn lại, chỉ cần các bạn gái đừng vì sợ xấu hổ mà im lặng, chịu đựng một mình. Hãy lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ mọi người xung quanh và phản ứng quyết liệt với kẻ xấu.