Không phải là phụ nữ, nam giới đang trở thành nạn nhân của bất bình đẳng giới
(DNTO) - Đã đến lúc không nên đẩy nam giới về phía đối diện trong công cuộc thực hiện bình đẳng giới. Hãy để họ cùng về một phía với phụ nữ, cùng được hỗ trợ, tư vấn, quan tâm trong những nỗ lực chung để thay đổi quan niệm về bình đẳng giới, TS. Khuất Thu Hồng nói đại ý.
Năm nào cứ đến mùng 8/3 là lại nghe ồn ào chuyện quà cáp, bông hoa… Rồi năm nào cũng lại nghe trách móc giận hờn, thậm chí có nhiều mối tình tan vỡ chỉ vì các nàng cảm thấy bị tổn thương, bị cả thế giới quay lưng chỉ vì không có quà hoặc quà không có giá trị. Đơn giản hơn là trường hợp các nàng chỉ muốn nhận quà để có phẩm vật “cúng phây”, sau đó còn nở mặt nở mày với chị em bạn dì, cô cậu…
Phe ủng hộ thì hùa theo bêu riếu “loại đàn ông vô tâm, vô tình”, phe “đối lập” thì “lên án” mấy chị em làm “mất mặt” phụ nữ quá. Thời đại nam nữ bình đẳng, sao có thể bị dẫn dắt cảm xúc chỉ vì một cái bông, một món quà chiếu lệ của tay đàn ông nào đó… Rồi đem chuyện bình đẳng giới ra mổ xẻ. Thế là bình đẳng giới lại trở thành đề tài nóng hôi hổi mỗi bận tháng ba về.
Kể từ lần đầu tiên phụ nữ khắp nơi trên đất Mỹ biểu tình đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ vào tháng 2/1909 dẫn đến quyền bình đẳng nam nữ được công nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc vào năm 1945… rồi cho đến nay, thời gian trôi qua đã tính bằng thế kỷ. Có một thực tế là trong khi đại đa số phụ nữ châu Âu và Bắc Mỹ thường từ chối nhận hoa và quà của nam giới vì xem đó là một dấu hiệu không bình đẳng thì ở Việt Nam, vào ngày mùng 8/3, nơi nào có phụ nữ là nam giới nơi đó lo mà chạy sốt vó nếu không muốn bị mang tiếng là “không đáng mặt đàn ông”.
Sở dĩ như thế là vì chị em phụ nữ nhà mình quan niệm về bình đẳng giới có “khác thường” một chút. Xuất phát từ ý nghĩ, các vấn đề về giới hay thúc đẩy bình đẳng giới là nhu cầu của phụ nữ, vì phụ nữ. Còn nam giới là đối tượng có trách nhiệm phải thực thi vì trong quan niệm truyền thống, nam giới luôn được coi là tác nhân gây ra sự bất bình đẳng giữa nam và nữ bởi họ có nhiều đặc quyền hơn. Ý nghĩ này làm cho chị em cậy vào nữ quyền “đấu tranh không khoan nhượng” gây ra nhiều bất cập.
Chỉ riêng chuyện làm trụ cột không thôi cũng đã có nhiều mâu thuẫn. Xưa nay, nói đến trụ cột trong nhà, người ta vẫn mặc định đó là vai trò của nam giới dựa trên cơ sở gắn liền với đặc tính sinh học, khả năng lao động và tiềm năng kinh tế của họ. Quan điểm ăn sâu vào nếp nghĩ này, cho đến nay đã được mấy chị em nhìn nhận nó một cách thật sự bình đẳng? Bản thân rất nhiều chị, khi đóng vai trò trụ cột gia đình thường xem như đây là một trường hợp đặc biệt, là việc bất thường, là một thành tích, là niềm kiêu hảnh về tài năng của mình. Từ đó tỏ thái độ xem thường người bạn đời, tạo áp lực đè nặng lên đôi vai nam giới. Vô hình chung tạo thành một tình huống bất bình đẳng giới “mới”.
Tại nghiên cứu “Nam giới và nam tính tại Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa” mới đây, TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, chỉ riêng tư tưởng “đàn ông phải là trụ cột trong gia đình” đã khiến cho hơn 80% nam giới cảm thấy bị áp lực. Mặc dù luôn tỏ ra mạnh mẽ nhưng trong sâu thẳm, nhiều người rất lo sợ, hoang mang, thậm chí cô đơn, đau khổ trước tình trạng thị trường lao động thay đổi khiến nhiều nam giới khó khăn để kiếm một việc làm tốt. Kết cục không phải là phụ nữ mà nam giới đang trở thành nạn nhân của bất bình đẳng giới.
Đã đến lúc không nên đẩy nam giới về phía đối diện trong công cuộc thực hiện bình đẳng giới. Hãy để họ cùng về một phía với phụ nữ, cùng được hỗ trợ, tư vấn, quan tâm trong những nỗ lực chung để thay đổi quan niệm về bình đẳng giới, TS. Khuất Thu Hồng nói.
Trở lại chuyện hoa và quà vào ngày 8/3, thử làm một cuộc trắc nghiệm bỏ túi ở các đấng mày râu, các quý vị phụ nữ sẽ nhận ra loại trừ 20% đang trong quá trình “tán gái”, còn lại 80% các anh - nhất là các ông chồng, đều rất “hãi” mỗi khi đến những ngày đại loại như 8/3, valentine, sinh nhật….
Trong đó chọn quà là nỗi ám ảnh, một áp lực kinh khủng với các anh. Không biết chọn quà gì, nhiều anh cảm thấy bế tắc phải cầu cứu chị em, bạn bè, đồng nghiệp, nhờ đến những người bán hàng ở các shop quà tặng, thậm chí nhờ cả chuyên gia tư vấn giúp.
Rất nhiều người được hỏi, trả lời rằng, họ tặng quà cốt chỉ để “đối tác” khỏi buồn. Nhiều ông nói rằng tặng cho xong, như một nghĩa vụ, cho không bị đòi, tặng để cho lòng thanh thản...
Còn Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư thì trong một bài viết về đề tài này, có đoạn: “Cái tâm lý nháo nhác chờ quà tặng, đợi tiệc tùng vào những dịp 8/3, chị em dần đánh đồng ý nghĩa của "giải phóng" chính là "nổi loạn", "đòi quyền lợi"…”. Không biết được bao nhiêu phần trăm các bạn đồng tình?