Vì sao mẹ chồng phải thương con dâu?
(DNTO) - Nhân dịp 20/10, ngày truyền thống của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đồng thời là ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, hãy cùng nhau suy ngẫm một chút về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu dưới góc độ của người mẹ chồng.
Hai người phụ nữ cùng yêu một người đàn ông. Đó là “tấn bi kịch mẹ chồng nàng dâu” của mọi thời đại. Trước khi trở thành mẹ chồng, tất cả mẹ chồng trên đời này đều từng là nàng dâu, từng trải qua cảnh làm dâu với những cảm giác rõ nét nhất. Nhưng đến khi có con dâu, hầu như tất cả mẹ chồng đều cư xử với con dâu mình không khác mẹ chồng của họ là mấy. Cái vòng lẩn quẩn ấy tạo nên “Cơn ác mộng mẹ chồng - nàng dâu” bất biến theo thời gian.
Có nhiều nguyên nhân khiến mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu trở thành mối quan hệ điển hình nhất (hiểu theo nghĩa tiêu cực) trong các mối quan hệ “khác máu tanh lòng”. Trong đó, nguyên nhân cốt yếu, sâu xa nhất chính là người đàn ông ở giữa họ.
Chỉ khi nào xác định đúng đắn được vai trò, vị trí của nàng dâu trong gia đình chồng, mẹ chồng mới có thể thay đổi cách ứng xử với đối phương. Con dâu được ghi nhận là một thành viên chính thức, sẽ cùng chung sống trong gia đình chồng đến hết đời, là người có chung huyết thống với các cháu nội của mẹ chồng. Vì thế, không có lý do gì con dâu bị xem là người ngoài.
Tình yêu mẹ dành cho con trai dẫu có thiêng liêng, sâu nặng biển trời như thế nào thì mẹ cũng không thể cùng con đi đến hết cuộc đời của nó. Một mai, mẹ ra đi, bỏ con lại giữa cuộc hành trình (điều này là chắc chắn) thì người còn lại bên cạnh, thương yêu, chia sẻ, nâng đỡ cùng con trai chỉ có con dâu mà thôi.
Vậy mẹ chồng sẽ làm gì để thay đổi cách nhìn của “nhân loại” về mối quan hệ muôn thuở này? Các bà mẹ chồng hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt hằng ngày giữa hai mẹ con.
Nếu như trước đây, nhiều bà mẹ chồng xem những cử chỉ âu yếm đùa giỡn thậm chí hôn nhau của con trai và con dâu trước mặt mình (hoặc lỡ nhìn thấy) như việc làm “chướng tai gay mắt”, thì nay hãy xem đó là niềm vui, là hạnh phúc của mẹ. Nếu như vợ chồng con suốt ngày nhìn nhau bằng “đôi mắt hình viên đạn” nói chuyện với nhau như “dùi đục chấm mắm nêm”, bất hòa, lục đục… thử hỏi người làm mẹ chồng có khổ tâm hay không?
Đã khi nào thấy con rể nhà mình chăm sóc chiều chuộng con gái thì mẹ rất hài lòng vui vẻ, còn chỉ cần nhìn con dâu nũng nịu với chồng nó, nhờ phơi giùm rổ quần áo, rửa giùm mâm bát là mẹ “sôi gan” hay chưa?
Thông thường khi con dâu sinh nở, các bà thông gia có thói quen xin về bên ngoại chăm sóc với suy nghĩ: Con mình, mình lo, giao cho “họ”, sau này có làm sao, khổ thân con mình. Quan điểm này cần được thay đổi từ phía các mẹ chồng. Con dâu là người sẽ cùng con trai mình đi hết cuộc đời nên mẹ chồng cần quan tâm chăm sóc sức khỏe con dâu trong những kỳ sinh nở. Con dâu có khỏe mạnh mới nuôi nấng cháu nội của mẹ bụ bẫm, ngoan ngoãn được. Con dâu mà ốm yếu đau bệnh suốt, con trai mình là người phải “cực thân” chứ ai.
Nói không may, gặp cô con dâu “cá tính mạnh”, cứ cái đà đối xử “không khéo”, coi chừng mẹ mất luôn cả con trai và cháu nội chứ chẳng chơi. Thử nghĩ xem, chồng mình yêu mình như thế nào thì con trai mình nó cũng yêu vợ nó như thế. “Nghe” vợ bị đối xử bất công mãi nó cũng xót chứ. Thương vợ quá, dần dần cái bụng nó cũng ngả hẳn sang vợ. Còn cháu nội mình, nghĩ thử xem giữa mình và mẹ nó, nó yêu, nghe và tin ai hơn? (thì con trai mình ngày xưa cũng thế cơ mà). Cho nên, các mẹ chồng ơi, cẩn thận nhé!
“Thương con dâu như con đẻ”, hay “yêu mẹ chồng như mẹ ruột”, đó chỉ là… “một cách nói” nói được làm không được. Là mẹ chồng, chỉ cần thương (chứ đừng ghét) con dâu như… con dâu là ổn rồi. Chỉ cần chấp nhận con dâu cùng đứng vào vị trí số một với mình, đừng ganh tỵ, tranh chấp, xét nét, nhỏ nhen… Hai con số một cùng đồng hành vui vẻ với người đàn ông kia tạo nên một gia đình hạnh phúc, bình an…
Suy cho cùng, thương con dâu cũng là vì thương con trai và cháu nội mình. Các mẹ chồng ngẫm xem có phải như thế không?