Ngày Valentine, đừng lấy quà tặng làm thước đo giá trị của tình yêu
(DNTO) - Valentine hay còn gọi là Ngày lễ tình nhân được diễn ra vào ngày 14/2 hằng năm. Năm nay, ngày Valentine rơi đúng vào mồng ba Tết. Có thể gọi là “Song hỷ lâm môn”.
Ngày Lễ tình nhân được hiểu là ngày dành để tôn vinh tình yêu đôi lứa. Theo ý nghĩa vốn có thì nó khác xa với các ngày kỷ niệm dành cho phụ nữ như 8/3 hoặc 20/10… Nhưng trong thực tế, ở ta, chị em phụ nữ lại ngầm mặc định cho đây là ngày dành riêng cho mình. Theo đó, họ phải là người phải được quan tâm, được nhận quà. Và nghĩa vụ đó là của phái nam, trong khi thật ra, tình yêu là của đôi lứa, cả hai đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau.
Cũng vì suy nghĩ lệch lạc như vậy nên Ngày Valentine với cánh mày râu, bên cạnh niềm vui là sự áp lực đôi khi không hề nhẹ nhàng.
Nói về quà cáp, trên lý thuyết, ai cũng lu loa “quà chủ yếu mang giá trị tinh thần, “ăn thua” là thái độ: tình cảm, sự trân trọng; đúng đối tượng, đúng thời điểm kèm theo tính chất lãng mạn”. Nhưng thực tế hoàn toàn không phải như vậy.
Trong thời đại mạng xã hội gần như trở thành một “tín ngưỡng”, mọi thứ trên đời đều có thể trở thành “lễ vật cúng phây” thì mấy thứ quà tặng trong các ngày lễ, nhất là một ngày “trọng đại” như Valentine càng trở nên “hết sức tình hình” đối với chị em phụ nữ.
Nghĩ mà xem, trong khi “con nhà người ta” rộn ràng lên “phây” nào dây chuyền bạc, khuyên tai vàng, giày hàng hiệu, Smartphone đời mới… kèm theo những status ngồn ngộn ngôn tình thì mấy món quà chỉ có “giá trị tinh thần” làm sao không khiến chủ nhân của nó chạnh lòng, tủi thân thậm chí “mặt mũi nào ngó thiên hạ”.
Thế là từ chạnh lòng quay sang buồn bực, buông lời bóng gió xa xôi trách móc, giận hờn. Nhiều cặp đôi xảy ra lời qua tiếng lại khiến Valentine thành “cãi vã lung tung” là có thật. Sức ép này khiến nhiều anh rất lo lắng thậm chí “sợ” Valentine . Áp lực của họ trước hết là túi tiền, làm sao chọn được món quà vừa túi tiền của mình nhưng vẫn “coi cho được được”. Tiếp theo là đoán ý, xem sở thích, nhu cầu của cô nàng là gì trong thời điểm hiện tại để mà mua cho “trùng khớp ”. Cuối cùng là chọn địa điểm, trao quà ở đâu, vào giờ nào… Còn phải nói câu gì để tạo được sự lãng mạn.
Với các anh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, những người vụng về trong mua sắm và thô thiển trong lời ăn tiếng nói, đây quả là một thử thách không nhỏ.
Chính những kỳ vọng của các nàng và sức ép quá lớn với các chàng đã làm cho Ngày lễ tình nhân thay vì là một ngày vui, một ngày hạnh phúc lại có nguy cơ dẫn đến đổ vỡ, chia tay. Theo ước tính của Jodi Smith, chuyên gia tâm lý xã hội, chủ tịch hãng tư vấn Mannersmith Consulting, thì các cuộc chia tay giữa các đôi tình nhân thậm chí các vụ ly hôn giữa các cặp vợ chồng diễn ra trong ngày Lễ tình nhân tại Mỹ ngày càng phổ biến.
Ở nước ta, tuy chưa có công trình nghiên cứu thống kê nào nhưng trên thực tế không phải không xảy ra. Không riêng gì các em tuổi teen, các bạn gái trẻ, ngay cả các chị phụ nữ thành đạt, thậm chí các bà sồn sồn con cháu đùm đề, trong các ngày kỷ niệm liên quan đến phụ nữ, niềm mong đợi lớn lao nhất của họ vẫn là quà. Món quà đến từ bạn trai, từ người yêu, người chồng cũng có thể từ một người khác phái vu vơ nào đó cũng có thể làm cho họ vui cả ngày, thậm chí nhiều ngày sau nữa. Ngược lại là buồn bã, tủi thân, than thở, oán trách… như thể cả thế giới đang quay lưng với mình.
Vì sao mà một món quà của người đàn ông có thể ảnh hưởng đến niềm vui, nỗi buồn của chị em như vậy? Tại sao những món quà vô tri giác kia lại được xem như là thước đo giá trị trong tình yêu? Thử hỏi một “màn trình diễn” rất ngôn tình trong một thời khắc ngắn ngủi sẽ có ý nghĩa gì nếu như mấy trăm ngày còn lại trong năm, người ta sống với nhau không bằng sự tôn trọng, yêu thương.
Cuối cùng thì… Ngày mai, mồng ba Tết trùng với Ngày lễ tình nhân mình cũng nên tặng cho nhau một món quà chứ. Còn quà gì, ai tặng ai, tặng như thế nào thì là tùy thuộc vào từng hoàn cảnh. Miễn sao đừng đặt nặng nó quá, đừng để nó ảnh hưởng đến tình yêu và hôn nhân.