Đằng sau mỗi vụ án xâm hại tình dục trẻ em là một số phận còn phải tiếp diễn
(DNTO) - Mỗi khi xảy ra một vụ xâm hại tình dục trẻ em, chúng ta uất hận đến độ muốn 'ăn tươi nuốt sống' thủ phạm. Bên cạnh việc điều tra nghi phạm, người ta thường hay khai thác nạn nhân để tìm chứng cứ. Nhưng đừng quên rằng, sau vụ án, các con còn có một cuộc đời rất dài vẫn phải sống tiếp.
Vẫn còn đâu đó xảy ra những vụ án xâm hại tình dục trẻ em mà chúng ta hằng ngày vẫn nghe thấy. Trừng trị thích đáng thủ phạm theo đúng quy định của luật pháp là lẽ đương nhiên. Nhưng ở một góc nhìn khác, làm thế nào để giảm đến mức thấp nhất có thể sự ám ảnh và tổn thương cho các con là trách nhiệm của chúng ta: Bố mẹ, các cơ quan chức năng và cả những người bàng quan “tốt bụng” một cách “hồn nhiên” ở xung quanh.
Còn nhớ trước đây, trên mạng xã hội xuất hiện clip một bé gái khoảng 10 tuổi ở Long An kể về việc bị cha ruột xâm hại tình dục. Clip do một người hàng xóm “tốt bụng”, bất bình với hành động vô lương tâm của người cha và thương xót cháu bé nên quay lại và tung lên mạng làm bằng chứng tố cáo. Trong clip, người hàng xóm “nhiệt tình” khơi gợi cho bé gái trả lời từng chi tiết sự việc, cụ thể đến nỗi không thể cụ thể hơn được nữa. Đáng nói là clip quay rất rõ mặt cháu chứ không hề xử lý làm mờ.
Thật ra cũng không thể trách người hàng xóm tốt bụng này. Xuất phát từ sự tức giận, bất bình cộng với sự nhiệt tình vô tư cùng một chút thiếu hiểu biết, chủ clip đã vô tình phát tán hình ảnh của bé đi khắp nơi mà nhất thời không nghĩ tới việc, rồi bé sẽ lớn lên, sẽ thành một thiếu nữ, bé cần xóa đi quá khứ, cần yêu thương một ai đó, cần có một gia đình và những đứa con…
Gần hơn, là câu chuyện một bé gái bị sàm sỡ trong tháng máy ở một chung cư. Khi có thông tin cho rằng cha mẹ bé từ chối tố cáo thủ phạm, rất nhiều người tỏ ra bất bình và cho rằng bố mẹ bé bị mua chuộc bằng tiền. Có người lại chỉ ra một vài nguyên nhân tiêu cực khác.
Thật ra, những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em luôn làm cho dư luận dậy lên một làn sóng phẫn nộ. Người ta luôn mong muốn kẻ gây án bị trừng trị đích đáng để làm gương. Ngoài việc điều tra thu thập chứng cứ về phía thủ phạm, người ta cũng không ngần ngại khai thác chi tiết sự việc từ phía nạn nhân. Vì các con còn bé nên khi lấy lời khai phải khơi gợi, hạch hỏi, kêu gọi mô tả sự việc tới lui nhiều lần, buộc các con phải cố nhớ lại sự việc xảy ra một cách chi tiết, cụ thể.
Mỗi lần phải kể lại sự việc là mỗi lần các con phải tua lại nỗi lo lắng, sợ hãi có khi là xấu hổ của mình. Có bé không chịu hợp tác bèn im như thóc, có bé khi thấy người lạ vào nhà là trốn kỹ trong phòng không dám ra… liền bị quát mắng, đe nẹt khiến các con càng thêm sợ. Điều này giống như chúng ta lấy bút chì tô đậm thêm lên, chà xát thêm lên vết hằn trong tâm hồn trẻ thơ của các con.
Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến bố mẹ của cháu bé kể trên muốn bỏ qua, muốn cho câu chuyện trôi nhanh mà không quyết liệt truy cứu.
Tóm lại, phản ứng quyết liệt với cái ác là không hề sai. Lôi sự việc ra ánh sáng để trừng trị kẻ ác cũng không hề sai. Nhưng ứng xử với tội ác và bất công của xã hội, nhất là tội ác xâm hại tình dục trẻ em, chúng ta phải hết sức bình tĩnh. Làm sao để thủ phạm bị đền tội mà nạn nhân ít tổn thương. Nhất là những tổn thương do lòng tốt, do sự trắc ẩn, do cơn phẫn nộ, “bất bình chính đáng” của cộng đồng mà ra.
Nói như vậy không phải là thỏa hiệp với tội ác. Việc tìm ra chứng cứ và trừng trị thủ phạm với việc giữ bí mật tối đa đời tư cá nhân nạn nhân trong những trường hợp như thế này là hai việc cần làm song song. Bởi: Đằng sau mỗi vụ án xâm hại tình dục trẻ em là một số phận còn phải tiếp diễn.