Vì sao chứng khoán vẫn vững sau diễn biến mới của vụ Vạn Thịnh Phát?
(DNTO) - Bất chấp nhiều lo lắng dành cho thị trường chứng khoán phiên ngày 20/11, chỉ số VN-Index vẫn tăng nhẹ hơn 2 điểm, trong khi khối ngoại chủ yếu đổ tiền mua mạnh gom hàng, chiều bán khá yếu - diễn biến khá tích cực kể từ đầu tháng đến nay.
Cuối tuần qua, những con số gây sốc của vụ án Vạn Thịnh Phát chính thức được hé lộ. Cơ quan điều tra cho biết, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng thông qua Ngân hàng SCB. Dù không trực tiếp tham gia quản lý SCB nhưng bà Lan sở hữu 91,5% cổ phần và nắm mọi quyền điều hành tại đây.
Và nếu cộng với số tiền lãi phát sinh hơn 129 ngàn tỷ đồng chưa thanh toán, bà Trương Mỹ Lan đã gây thiệt hại tổng cộng hơn 415 ngàn tỷ đồng, một con số không hề nhỏ.
Thông tin trên đã gây không ít hoang mang với nhà đầu tư trên sàn chứng khoán. Diễn biến phiên sáng từng có thời điểm khá bi quan khi chỉ số VN-Index rơi sâu gần 20 điểm. Tuy nhiên, ngay sau đó, thị trường điều chỉnh, lực cầu tăng hấp thụ nguồn cung. Thêm vào đó, lực mua khá tốt từ khối ngoại đã giữ thị trường thăng bằng trở lại.
Kết phiên, chỉ số Vn-Index tăng hơn 2,47 điểm. Thanh khoản đạt hơn 19 ngàn tỷ đồng trên cả ba sàn. Khối ngoại mua ròng trên 460 tỷ đồng.
Vụ án Vạn Thịnh Phát được công khai lần đầu vào tháng 10 năm ngoái. Khi ấy, bà Trương Mỹ Lan bị khởi tố, bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong phát hành trái phiếu. Thị trường khi ấy giảm mạnh lùi gần về mốc 1.000 điểm trước đà bán tháo mạnh mẽ.
Phản ứng thị trường hôm nay nhìn chung khá tích cực thể hiện sự thận trọng, bình tĩnh nhìn nhận vấn đề của nhà đầu tư.
Cần thời gian để giải quyết khó khăn
Theo bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc tự doanh Công ty CP Chứng khoán DNSE, kinh nghiệm của bà cho thấy, một khi thông tin xấu đã được báo chí chính thống đăng tải thì có thể cơ quan chức năng đã dự trù các phương án xử lý, các mức thiệt hại đã được khoanh vùng để hạn chế tối đa rủi ro nhất là khi đây là một vụ án điển hình.
Xét về dài hạn, hậu quả còn kéo dài do Vạn Thịnh Phát có số tài sản lớn nhưng không dễ chuyển đổi và cần nhiều thời gian để giải quyết số tài sản này nhằm đền bù cho thiệt hại họ gây ra.
So với thời điểm đỉnh cao của tháng 10 năm ngoái, thanh khoản tại SCB cũng đã qua cơn khủng hoảng, hệ thống ngân hàng cũng sẽ bảo vệ những khách hàng của SCB. Trong ngắn hạn, theo nhìn nhận của bà Linh, mức ảnh hưởng với thị trường chứng khoán rất nhẹ.
Trong khi đó, theo Công ty Chứng khoán MBS, yếu tố tích cực của thị trường là tâm lý nhà đầu tư không bị cuốn theo mạch thông tin sau hai ngày nghỉ. Nhịp hồi đã kết thúc hay chưa vẫn cần theo dõi. Tuy nhiên nếu xuất hiện nhịp điều chỉnh thì vẫn là bình thường trong xu hướng đi lên của thị trường.
MBS khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên các nhóm cổ phiếu có câu chuyện như "Chứng khoán với thanh khoản trở lại ngưỡng tỷ đô, đầu tư công với điểm rơi vào quý 4, hay nhóm xuất khẩu (thủy sản, hóa chất, cảng biển...), bất động sản khu công nghiệp...".
Thị trường chứng khoán còn đón nhận thông tin về việc kiểm thử hệ thống KRX, kế hoạch sẽ chạy kiểm thử từ hôm nay đến cuối tháng 12 tới để chính thức vận hành. Điều này cũng đã hỗ trợ tích cực, tăng thêm niềm tin của nhà đầu tư với thị trường trong nước.