Giá điện tăng, cổ phiếu điện 'vui' quá sớm?
(DNTO) - Thông tin giá điện tăng đã kích hoạt nhiều cổ phiếu ngành điện trong bối cảnh thị trường chung đi xuống. Tuy vậy, theo chuyên gia, không phải doanh nghiệp ngành điện nào cùng được hưởng lợi, ngoài ra mức tăng trưởng quý 3 không mấy khả quan của toàn ngành cũng là điều nhà đầu tư cần lưu ý.
Dù chỉ số VN-Index phiên 10/11 mất tới hơn 12 điểm, thị trường nhuốm đỏ nhưng nhóm cổ phiếu ngành điện vẫn có một phiên giao dịch tích cực khi hàng loạt mã tăng mạnh.
Điều này đến từ việc, ngày 9/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin về quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,5%. từ mức 1.920,3 đồng lên mức giá mới là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT). Quyết định có hiệu lực bắt đầu từ ngày 9-11.
Sắc xanh phủ nhóm cổ phiếu ngành điện, đưa nhóm này thành nhóm tăng điểm cao nhất trong phiên. GEX tăng 2,1%, PAC tăng 3,1%; NTH tăng 8,7%; VPD tăng kịch trần gần 7%... Nhóm này đã hoàn toàn đi ngược thị trường khi chỉ số chung giảm sâu hơn 12 điểm, phần lớn nhóm ngành đều bị giảm.
Dòng tiền khá "nhạy" trước thông tin mới này cho thấy nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng về sự đà tăng trưởng của nhóm cổ phiếu ngành điện.
Dù vậy, theo ông Lưu Chí Kháng, trưởng phòng tự doanh Công ty Chứng khoán Kiến Thiết, chia sẻ với nhà đầu tư tại một chương trình chứng khoán ngày 10/11, nhà đầu tư nên hết sự cẩn thận.
Theo ông, việc tăng giá điện này không phải doanh nghiệp nào của ngành điện cũng được hưởng lợi.
"Vì các doanh nghiệp này đã ký hợp đồng với EVN trước đó rồi, thậm chí kéo dài theo từng lộ trình, từng hợp đồng. Việc tăng giá điện là để EVN bù lỗ với tỷ giá, than đá, sự cố môi trường... còn các doanh nghiệp đã ký hợp đồng cung cấp điện với EVN thì tôi không kỳ vọng được hưởng lợi trong ngắn hạn", ông Kháng chia sẻ.
Tuy nhiên trong dài hạn, nếu các hợp đồng được kỳ kết lại giữa các doanh nghiệp cung cấp điện và EVN với mức giá tăng thì các doanh nghiệp mới được hưởng lợi.
Các doanh nghiệp phân phối điện có phần khả quan hơn khi ông Kháng cho rằng: "Có thể họ sẽ được hưởng lợi khi đã ký với EVN với giá này nhưng lại phân phối lại với dân, doanh nghiệp với mức khác thì chênh được mức lợi nhuận nào đó".
Dù vậy, vị chuyên gia không đặt nhiều kỳ vọng cho nhóm ngành này. Ông khuyến nghị nhà đầu tư nên cẩn thận, không nên mua đuổi ở mức giá cao nhất là khi nhóm này có kết quả kinh doanh không mấy sáng.
Kết thúc quý 3, nhóm ngành điện cũng là một trong những nhóm ngành có mức tăng trưởng khá yếu. Lợi nhuận toàn ngành đã giảm mạnh trên 66% so với cùng kỳ. Nguyên nhân được cho đến từ các yếu tố như do thời tiết, sự cạnh tranh lớn giữa các doanh nghiệp trong ngành.
"Các nhà máy thủy điện ghi nhận lỗ do thời tiết không thuận lợi; giá phát điện trên thị trường cạnh tranh trong quý 3 giảm 30% so với cùng kỳ; các doanh nghiệp bán lẻ cũng ghi nhận mức sụt giảm lợi nhuận trên 62% so với cùng kỳ do cạnh tranh giá gay gắt giữa các công ty lớn", VNDirect cho biết.
Trong khi đó, nhu cầu đi trong sản xuất, xây dựng trong năm 2023 đang yếu đi khiến sản lượng tiêu thụ có thể sẽ suy giảm.
Sang năm 2024, nhiều chuyên gia dự báo khả quan cho ngành điện khi nhu cầu tăng lên do sự phục hồi của nền kinh tế. Cổ phiếu ngành điện cần được nhìn nhận trong dài hạn khi kết hợp với các yếu tố như công suất nguồn điện sẽ được cải thiện tăng, việc tăng giá điện ở hiện tại cũng có thể xem là động thái mang tính hỗ trợ tốt cho ngành.
"Chúng tôi cho rằng giá bán điện có - thể sẽ cần điều chỉnh hơn nữa để các chỉ tiêu tài chính của EVN được cải thiện, đáp ứng yêu cầu của các tổ chức cho vay vốn, đủ chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh và có lợi nhuận hợp lý để tái đầu tư", chuyên gia của Công ty PSI nhận định trong báo cáo vừa công bố.