Hưởng lợi từ Lô B - Ô Môn, cổ phiếu dầu khí nào được khuyến nghị giữ?
(DNTO) - Bất chấp việc thị trường biến động, nhiều cổ phiếu dầu khí vẫn giữ đà tăng khá ấn tượng.
Dù kết quả kinh doanh quý 3 của nhóm dầu khí khá phân hoá, tuy nhiên những thông tin tích cực từ Dự án lô B Ô Môn đang được xem là đòn bẩy tích cực của nhóm cổ phiếu này.
Tính đến phiên giao dịch ngày 7/11, một loạt cổ phiếu dầu khí bật tăng mạnh so với đầu tháng 11. Cụ thể, qua 5 phiên giao dịch, PVB tăng trên 15%, riêng phiên ngày 7/11 tăng kịch trần gần 10% trong khi chỉ số VN-Index mất gần 10 điểm; PVD tăng gần 12%, từ 23.550 đồng/cp lên 26.300 đồng/cp; PVS tăng gần 8% từ 33.000 đồng/cp lên 35.600 đồng/cp; PVC tăng trên 17%.
GAS chỉ tăng nhẹ trên 2% trong 5 phiên vừa qua, BSR là trên 5%. Đáng tiếc nhiều cổ phiếu lại có xu hướng giảm như PGD, PGS...
Thực chất, kết quả giao dịch của nhóm dầu khí trong các phiên gần đây đang cho thấy, thị trường đang dành nhiều kỳ vọng cho các doanh nghiệp được cho là sẽ hưởng lợi từ dự án Lô B - Ô Môn.
Thông tin quan trọng xuất hiện từ cuối tháng 10 khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ký kết và khởi công đại dự án khí - điện Lô B - Ô Môn, một dự án được mong chờ với hy vọng mang lại sự khởi sắc cho nhiều doanh nghiệp dầu khí.
Trong khi chờ quyết định đầu tư cuối cùng (FID) của các nhà đầu tư, những thông tin ban đầu như gói thầu EPCI #1 ước tính có tổng giá trị là 1,1 tỷ đô la đã chứng minh cho nỗ lực thúc đẩy dự án của Chính phủ, góp phần kích hoạt dòng tiền tìm về với nhóm cổ phiếu dầu khí.
Ngoài ra, dù đã giảm nhẹ so với giai đoạn đỉnh hồi tháng 9 vừa qua, giá dầu thế giới vẫn neo ở mức cao và dự đoán sẽ khó giảm khi xu hướng cắt giảm sản lượng được cho sẽ kéo dài cho đến hết năm. Đây cũng là động lực tăng trưởng cho nhiều cổ phiếu dầu khí.
Những cổ phiếu đáng lưu ý
Theo đánh giá của SSI Research, dự án Lô B sẽ doanh nghiệp thượng nguồn (PVS, PVD) và trung nguồn (GAS, PVB) được hưởng lợi chính.
Mã PVS được đánh giá cao nhất trong điều kiện khi gói EPCI #1 sẽ bắt đầu từ giữa năm 2024 với kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận đến từ mảng EPC.
''Chúng tôi giả định tổng giá trị EPC của dự án Lô B là 700 triệu đô la sẽ được PVS ghi nhận trong khoảng thời gian 2024-2026, bao gồm EPCI #1 và một số gói thầu đường ống khác", chuyên gia của SSI nhận định.
Tuy nhiên, đáng lưu ý là giá trị gói thầu có thể đóng góp rất nhỏ cho doanh nghiệp. Dù vậy PVS vẫn được nhận định là cổ phiếu khả quan, đáng lưu ý khi dự án Lô B được nhận định sẽ đóng góp chủ yếu cho doanh nghiệp trong 2025-2026.
PVD có thể tham gia hoạt động khoan trong giai đoạn xây dựng và phát triển dự án Lô B trong dài hạn, tăng trưởng lợi nhuận mạnh trong giai đoạn 2023-2025, trong khi GAS khả năng được hưởng lợi cung cấp khí cho các nhà máy điện do sản lượng sẽ ổn định cho đến năm 2026. Theo đó, đây là hai cổ phiếu được SSI khuyến nghị tích luỹ trong những phiên thị trường điều chỉnh.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần đề phòng với những rủi ro có thể xảy ra là giá dầu giảm hoặc dự án phải hoãn đến sang năm.
Hiện tại, kết quả kinh doanh quý 3 vừa được công bố đang cho thấy bức tranh lợi nhuận trong ngành đang được phân hoá rõ nét. BSR và GAS đang dẫn đầu mức lợi nhuận trước thuế trong quý 3 khi lần lượt đạt trên 3.600 tỷ đồng và 3.009 tỷ đồng. Nếu BSR có mức tăng lợi nhuận lên tới 600% so với cùng kỳ thì GAS lại giảm nhẹ 22%. Tính chung 9 tháng đầu năm, cả hai doanh nghiệp đều giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong các cổ phiếu họ PV của nhóm dầu khí, PVD đã thoát khỏi thua lỗ khi có lợi nhuận trong quý đạt trên 150 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 44 tỷ so với cùng kỳ; PVC tăng trên 300% từ 5 tỷ đồng lên 22 tỷ đồng. Chiều ngược lại, PVS có lợi nhuận trước thuế lại giảm 22%.