NHNN và Bộ Xây dựng họp 'nóng' với nhiều ông lớn, cổ phiếu bất động sản vẫn gặp khó
(DNTO) - Khá nhiều yếu tố đang khiến nhóm cổ phiếu bất động sản khó có thể lấy lại đà tăng trưởng trở lại dù đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của nhiều chính sách thời gian qua.
Trong phiên giao dịch hôm nay, ngày 13/11, nhóm cổ phiếu bất động sản dường như khá đuối sức. Nhiều cổ phiếu giảm điểm đã kéo cả nhóm đi xuống, như VHM giảm 2,25%, VIC mất 0,3%, BCM mất 0,9%; NVL mất 1,5%... Dù có nhiều mã đi ngược dòng như PDR tăng 2,9%, KDH tăng 1,4%, DXG tăng 1,4%... tuy nhiên vẫn không đủ sức kéo nhóm này.
Tính trung bình, nhóm cổ phiếu này đã mất hơn 0,7%. Trong khi đó, VN-Index cũng mất hơn 0,1% chốt phiên tại 1.100 điểm.
Đáng chú ý, trước nhiều khó khăn của ngành bất động sản, sáng hôm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã gặp mặt nhiều ông lớn trong ngành bất động sản như Vingroup, Becamex, Novaland... nhằm tháo gỡ khó khăn về mặt tín dụng, khi các doanh nghiệp ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn do không đáp ứng các điều kiện vay bởi sức khoẻ doanh nghiệp suy yếu, các vướng mắc về pháp lý, sự nguội lạnh của thị trường...
Hội nghị có sự tham dự của nhiều cơ quan ban ngành, thể hiện sự tích cực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản.
Dù vậy, nhóm cổ phiếu bất động sản hôm nay không nhận được sự phản hồi tích cực từ phía thị trường chứng khoán.
Những nỗi lo còn đó
Trái phiếu bất động sản tiếp tục trở thành nỗi lo với thị trường khi thống kê từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho thấy, năm 2024 tổng giá trị trái phiếu đáo hạn lên tới trên 329 ngàn tỷ đồng, con số cao nhất trong 3 năm trở lại đây (năm 2022 là 144.500 tỷ đồng và năm nay là 271.400 tỷ đồng).
Từ nay đến cuối năm, quý 4, áp lực trả nợ trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản cũng khá lớn khi đây là giai đoạn cao điểm đáo hạn trái phiếu nhưng lại rơi vào thời điểm thị trường bất động sản khó khởi sắc, nền kinh tế trong nước đang từng bước phục hồi.
Đây sẽ là gánh nặng lớn với các doanh nghiệp bất động sản.
Ngoài ra, những vướng mắc pháp lý cũng là rào cản lớn với các doanh nghiệp. Việc đẩy nhanh các vấn đề pháp lý được nhiều chuyên gia nhận định là vấn đề quan trọng để thúc đẩy kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản.
Theo VNDirect, hiện tại, nguồn cung các dự án rất hạn chế nhưng nguồn cầu lại chực chờ ở mức cao nên sự hồi phục của thị trường nhanh hơn. "Sự hồi phục sẽ rõ ràng hơn từ nửa cuối 2024 khi chính sách tiền tệ được nới lỏng hơn", các chuyên gia nhấn mạnh.
Theo đó, trước mắt, với nhóm cổ phiếu bất động sản, khó khăn có lẽ vẫn chưa qua. Nhà đầu tư nên ưu tiên tập trung vào các doanh nghiệp có quỹ đất lớn, đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý, cơ sở hạ tầng; sản phẩm phát triển tập trung vào phân khúc bình dân và tầm trung và khả năng tăng trưởng lợi nhuận và sức khỏe tài chính lành mạnh.
Tuy vậy, VNDirect chỉ ra một số rủi ro nhà đầu tư cần chú ý: Các thủ tục pháp lý xử lý chậm hơn dự kiến, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao và thị trường phục hồi yếu hơn dự kiến về mặt giá và khối lượng giao dịch.