Vì sao chưa thể bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu?
(DNTO) - Chuyên gia cho rằng xăng dầu là mặt hàng chiến lược cần được đảm bảo bình ổn. Việc duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) đảm bảo giá xăng dầu không tăng sốc trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới nhiều biến động, hài hòa được lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Từ đầu năm cho đến kì điều hành gần nhất ngày 24/10, giá xăng dầu trong nước đã trải qua tổng cộng 43 kì điều chỉnh. Tuy nhiên, điều đặc biệt trong thời gian qua là các mặt hàng xăng dầu đều không chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Nói cách khác, mức chi sử dụng Quỹ BOG từ đầu năm tới kỳ điều hành gần nhất là 0 đồng.
Có một số quan điểm cho rằng nên bỏ Quỹ BOG vì thời gian qua dù không sử dụng đến quỹ này nhưng thị trường vẫn ổn định. Xăng dầu hiện nay được điều hành giá 7 ngày/lần, giá xăng dầu trong nước đã bám sát giá thế giới, mức độ biến động giữa các lần điều chỉnh giá cơ bản không còn lớn.
Trong khi đó, để quản lý Quỹ BOG, doanh nghiệp đầu mối rất vất vả trong công tác kiểm kê sản lượng xuất bán, báo cáo, thanh kiểm tra… Để tránh việc sử dụng Quỹ BOG xăng dầu sai mục đích như vụ Xuyên Việt Oil, Hải Hà, Thiên Minh Đức… trong thời gian qua, một số kiến nghị cho rằng cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp quản lý quỹ. Nếu để doanh nghiệp đầu mối quản lý thì cần có quy định cụ thể về trích lập, chi sử dụng quỹ để không ảnh hưởng đến vốn của doanh nghiệp.
Nếu xét theo tình hình thực tế thị trường xăng dầu của nước ta hiện nay, theo PGS.TS Định Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng vẫn chưa thể bỏ Quỹ BOG.
Bởi lẽ, nguồn cung xăng dầu trong nước hiện chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu, 60% phải nhập khẩu. Trong khi đó giá xăng dầu thế giới hiện nay biến động lớn do ảnh hưởng của các cuộc xung đột địa chính trị, nếu không có quỹ này, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao sẽ kéo theo giá xăng dầu trong nước tăng, gây áp lực rất lớn cho lạm phát.
Ông Thịnh cho rằng trước mắt, cơ quan quản lý cần có cơ chế để điều tiết việc chi Quỹ BOG cho hợp lý cũng như quản lý các yếu tố liên quan đến hoạt động bán buôn và bán lẻ. “Trước hết cần tận dụng hiệu quả của việc xuất hóa đơn từng lần bán hàng và kết nối với cơ quan thuế để cung cấp thông tin đầy đủ, công khai minh bạch trong việc sử dụng quỹ này", ông nói.
Số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu tính đến cuối quý 2 năm nay là 6.061 tỷ đồng, giảm gần 600 tỷ đồng so với năm trước, theo Bộ Tài chính. Trong đó, số dư Quỹ tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - doanh nghiệp nắm một nửa thị phần bán lẻ xăng dầu trong nước - chiếm hơn một nửa, ở mức gần 3.079 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp đầu mối, phân phối xăng dầu cũng ghi nhận số dư Quỹ bình ổn giá ở mức cao. Ngược lại, một số doanh nghiệp đang ghi nhận mức âm Quỹ này là Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) với số âm hơn 138 tỷ đồng; Bình Minh Petro âm 16 tỷ đồng, Trường An âm 14,8 tỷ đồng) hay Tân Nhật Minh âm 36 tỷ đồng…
Tại dự thảo Nghị định mới nhất về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã không bỏ Quỹ BOG. Theo đó, việc bình ổn giá xăng dầu thực hiện theo quy định tại Luật Giá năm 2023.
Về xử lý số dư của Quỹ BOG, trong Dự thảo Nghị định mới, Bộ Công Thương nêu rõ: Quỹ BOG là Quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước, không thể tự ý chuyển về ngân sách nhà nước hay đi làm việc khác. Do đó, cần thiết duy trì Quỹ BOG theo Luật Giá.
Trường hợp mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương bình ổn giá, trích từ ngân sách ra để bình ổn, để hỗ trợ. Còn trong điều kiện bình thường, doanh nghiệp tự cân đối, mọi thứ vận hành theo thị trường.
Theo TS Nguyễn Tiến Thỏa, việc cơ quan soạn thảo (Bộ Công Thương và Bộ Tài chính) điều hành Quỹ BOG theo quy định của Luật Giá là hợp lý. Bởi Luật giá quy định rõ danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, các trường hợp bình ổn và biện pháp thực hiện bình ổn giá.
Trong khi đó, xăng dầu hiện vẫn là mặt hàng chiến lược trong sản xuất và an sinh xã hội, Nhà nước đang quản lý chặt chẽ, nên rất cần thận trọng trong quản lý, kinh doanh. Đặc biệt, cần xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống khẩn cấp như gián đoạn nguồn cung hoặc biến động giá cực đoan.
Với các doanh nghiệp được giao quản lý và sử dụng Quỹ BOG, theo PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng Nhà nước cần phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát tránh tình trạng doanh nghiệp sử dụng Quỹ BOG chi tiêu cá nhân, lạm dụng trục lợi. Nếu doanh nghiệp không có báo cáo, cần có biện pháp xử lý ngay.
“Thực tế, nếu cơ quan quản lý chuyên ngành chỉ làm công văn yêu cầu nộp tiền về, trong khi tiền quỹ đã bị chi tiêu vào mục đích khác, sẽ khó thu hồi. Khi được yêu cầu sao kê tài khoản mà không chứng minh tài khoản cụ thể, tức là báo cáo không trung thực, cần có biện pháp xử lý khác. Đặc biệt khi đã nhiều lần yêu cầu mà doanh nghiệp không báo cáo đầy đủ, cơ quan chức năng phải kiểm tra ngay để có biện pháp can thiệp, xử lý kịp thời", ông Long lưu ý.