Hiểu đúng và sử dụng đúng công cụ phái sinh để bình ổn chi phí xăng dầu
(DNTO) - Theo chuyên gia, hệ thống quản lý, cách hiểu về phái sinh của xăng dầu hết sức bất cập tạo ra nhiều rủi ro đối với các doanh nghiệp. Vì vậy cơ quan quản lý cần có cách hiểu và sử dụng công cụ phái sinh hiệu quả để bình ổn giá xăng dầu, sau đó mới nghĩ tới công cụ hành chính.
Để thị trường điều tiết
Chia sẻ trong Tọa đàm "Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả", hôm 30/7, các chuyên gia cho biết giá xăng dầu thế giới đang chiếm khoảng 65-77% công thức tính giá cơ sở nên đây là nhóm tác động lớn nhất đến giá xăng dầu.
Xăng dầu là mặt hàng rất nhạy cảm, thường xuyên biến động, phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài. Để đảm bảo bình ổn giá xăng dầu, Chính phủ Việt Nam sử dụng 3 công cụ chủ yếu: điều hành thông qua giá cơ sở (7 ngày lại phải công bố điều chỉnh một lần), công cụ thuế và trích lập quỹ bình ổn.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, mặc dù Nhà nước kiểm soát về giá, ấn định giá nhưng giá vẫn lên xuống theo thị trường thế giới. Việc điều hành này cũng vẫn mang tính chất mệnh lệnh hành cnhâhính của Nhà nước áp đặt cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Trong trường hợp dùng công cụ áp đặt quá mức sẽ không bảo đảm lợi nhuận cho doanh nghiệp, vì thế mới có hiện tượng nhiều cửa hàng xăng dầu tạm ngừng hoạt động thời gian qua.
Đối với công cụ về thuế hay trích Quỹ bình ổn, thực chất vẫn dùng chính nguồn lực của ngân sách hoặc nguồn lực của người dân để tạo ra bình ổn giá chứ chưa sử dụng công cụ sức mạnh của thị trường. Vì vậy, vị này cho rằng cơ chế quản lý hành chính Nhà nước nên chuyển sang công cụ thị trường, để thị trường điều tiết.
“Cơ sở để dùng công cụ thị trường là nguồn cung xăng dầu trong nước khá lớn (chiếm 70%), không hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài và không hoàn toàn bị động. Đương nhiên giá kinh doanh như thế nào cũng phải để cho các doanh nghiệp tự do xác định giá để có tính cạnh tranh. Nhà nước sẽ điều tiết nếu như doanh nghiệp bán giá phi thị trường hay liên kết để bán với giá cao. Có thể sử dụng công cụ thế nhập khẩu và thuế thu nhập để điều tiết, buộc doanh nghiệp phải nghĩ đến chuyện tăng lượng bán lên, bán với giá thấp hơn thì lợi ích nhiều hơn là chuyện khống chế lượng bán để tăng giá”, ông Cường nhấn mạnh.
Hiện Bộ Công Thương đang được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Nghị định mới để thay thế những Nghị định hiện nay về kinh doanh xăng dầu. Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho rằng mấu chốt quyết định thành công của các Nghị định về kinh doanh xăng dầu là trả lại những nguyên lý, nguyên tắc trong cơ chế thị trường có sự quản lý Nhà nước.
Trước hết là công thức giá phải tính đầy đủ, nên theo thông lệ quốc tế. Chi phí không nên bám vào thực tế của doanh nghiệp mà theo chuẩn mực có thể 15%… để cho doanh nghiệp tự quyết định. Đồng thời cũng không nên đưa vào xây dựng lợi nhuận định mức.
"Đã thị trường sao lại cộng định mức vào đấy. Làm kinh doanh lỗ phải chịu, lợi nhuận tiết giảm chi phí nằm ở trong đấy. Giả sử quy định luôn là chi phí lưu thông, chi phí hoạt động kinh doanh là 15% trên giá Nhà nước quy định, còn lại lợi nhuận và các khoản khác doanh nghiệp làm lỗ, không cạnh tranh được thì ra khỏi thị trường, mức đấy là mức Nhà nước quản lý được rồi. Trên mức đó thì chúng ta sẽ áp dụng những chế tài", ông Bảo đề xuất.
Công cụ phái sinh cần được dùng tốt hơn
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam khi thị trường xăng dầu có cạnh tranh thì xu hướng là luôn luôn đạt được mức giá mà người tiêu dùng được hưởng lợi, bên cạnh đó những quy định kèm theo mang tính chất quốc tế, chúng ta phải áp dụng, đó là những chính sách sử dụng nghiệp vụ về phái sinh.
Phái sinh ở đây không thuần túy là việc đầu tư về tài chính mà đây là những nghiệp vụ phòng vệ giá, tức là bảo hiểm giá xăng dầu. Nhưng quy định cũng thiếu đồng bộ khi những hoạt động về phái sinh không được hoạch toán vào chi phí bảo hiểm của xăng dầu mà lại cho đây là hoạt động về đầu tư tài chính.
“Thực tế tất cả các doanh nghiệp xăng dầu trên thế giới đều làm nghiệp vụ phái sinh. Nhưng nếu sử dụng nghiệp vụ này ở Việt Nam, nếu đúng thì không sao nhưng nếu lỗ thì doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bởi đây là hoạt động tài chính, không được tổ chức hoạch toán”, ông Bảo nói.
Ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc hãng hàng không Bamboo Airways cho rằng hệ thống quản lý, cách hiểu về phái sinh của xăng dầu hết sức bất cập, hạch toán về phái sinh cũng chưa rõ, tạo ra nhiều rủi ro đối với các doanh nghiệp.
“Một doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ thường xuyên hoạt động hợp lý khoảng 30% chi phí nhiên liệu của doanh nghiệp, không ai mua một giao dịch phái sinh 100% cho tiêu thụ xăng dầu. Mục đích là để bình ổn chi phí xăng dầu ở tỷ lệ 30% còn chấp nhận 70% là thả nổi theo giá nhiên liệu xăng dầu. Bình ổn là để giảm bớt rủi ro về dòng tiền khi giá xăng dầu tăng cao.
Bất kỳ doanh nghiệp nào sau khi thực hiện xong giao dịch phái sinh thì luôn mong giá xăng dầu giảm và chấp nhận chịu lỗ từ giao dịch phái sinh này để có lãi từ 70% xăng dầu thả nổi. Nhưng với cách hiểu, thái độ của chúng ta đối với phái sinh hiện nay, các doanh nghiệp này rất dễ bị quy trách nhiệm do phái sinh bị lỗ, mặc dù giao dịch phái sinh lỗ là diễn biến có lợi cho doanh nghiệp”, ông Lương Hoài Nam nói.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết công cụ phái sinh vừa là công cụ đầu tư vừa là công cụ bảo hiểm, được các doanh nghiệp lớn trên thế giới sử dụng phổ biến để phòng ngừa rủi ro. Tuy vậy, hiện nay các quy định văn bản về công cụ phái sinh chúng ta chưa đầy đủ vì còn mới, đặc biệt đối với kinh doanh xăng dầu thì chưa hoàn toàn có. Ông Long đề xuất Nghị định mới cần đưa thêm công cụ này, nghĩa là cho phép doanh nghiệp sử dụng công cụ phái sinh, phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Không đáng phải băn khoăn về Sàn giao dịch xăng dầu
Liên quan đến đề xuất thành lập sàn giao dịch xăng dầu, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho biết các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu hiện đã tham gia giao dịch trên các sàn xăng dầu thế giới. Trong nước cũng đã có các sàn giao dịch hàng hóa với một số hàng hóa rất thành công. Vì vậy, việc lập sàn giao dịch về xăng dầu theo ông Cường không đáng phải băn khoăn vì những cái hàng hóa có các chuẩn mực thì việc giao dịch trên sàn là phổ biến.
Tuy nhiên, cần xác định tính chất sàn đó như thế nào. Nếu coi nó giống như các sàn giao dịch xăng dầu thế giới, tức phải liên thông giữa sản phẩm của ta với các cái sản phẩm của các nhà cung cấp toàn cầu thì có thể thành lập một sản giao dịch xăng dầu riêng. Còn nếu chỉ để những nhà nhập khẩu xăng và những nhà phân phối giao dịch với nhau, trao đổi với nhau dễ hơn thì hoàn toàn có thể đưa qua các sàn điện tử hay thông qua các sàn giao dịch hàng hóa.
Ông Cường cho biết đồng tình với việc thành lập sàn nhưng gắn liền với nó là cho phép mua bán tự do. Thậm chí cũng phải xem xét cho người bán lẻ được quyền mua của nhiều nhà cung cấp chứ không phải chỉ được mua của một nhà cung cấp, nếu họ chứng minh là có hệ thống phân phối đảm bảo xăng dầu không bị pha trộn, minh bạch, quản lý được chất lượng. Từ đó khuyến khích các nhà đầu mối phân phối tìm các công cụ dự trữ xăng dầu tốt nhất, có thể bán ra với một giá thấp hơn kể cả khi giá biến động.
“Về mặt pháp lý không có luật nào cấm thành lập sàn. Tuy nhiên để vận hành sàn thành công phụ thuộc vào chuyện các nhà phân phối có được mua bán tự do hay không. Nếu còn ấn định là ông này chỉ được mua của ông kia, ông không được bán cho nhau thì sàn này lập ra vô nghĩa, nó không có nghĩa gì cả”, ông Cường nói.