2 năm qua, doanh nghiệp xăng dầu rất khó khăn
(DNTO) - Nhiều quy định về kinh doanh xăng dầu còn bất cập khiến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhỏ trên thị trường luôn trong tình trạng “nằm trên giường bệnh”, thậm chí “nín thở” mỗi lần điều chỉnh xăng dầu.
Doanh nghiệp đề xuất có thể mua xăng dầu từ nhiều đầu mối
Tại Hội thảo góp ý Nghị định về kinh doanh xăng dầu (thay thế Nghị định số 83 và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83) hôm 14/5, các chuyên gia, doanh nghiệp chỉ ra một số quy định còn gây khó khăn, chưa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và bình đẳng cho doanh nghiệp trong ngành.
Ông Đỗ Thanh Hán, giám đốc một công ty xăng dầu tại TP.HCM, cho biết 2 năm nay, những doanh nghiệp bán lẻ như công ty ông như “nằm trên giường bệnh”. Gia đình ông 2 đời kinh doanh xăng dầu nhưng chưa bao giờ thấy việc kinh doanh khổ như vậy. “Nguồn cung hiện nay không còn biến động nhưng giá, cơ chế khiến doanh nghiệp suy yếu. Nhiều người đã tự đầu tư, bỏ vốn hoặc vay vốn để kinh doanh nhưng nếu khó khăn tiếp tục kéo dài sẽ phải bán hết cả sản nghiệp”, ông nói.
Ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch Công ty Cổ phần thương mại Dầu khí Đồng Nai, phản ánh dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu đang dành quá nhiều ưu ái cho doanh nghiệp đầu mối (chỉ chiếm thiểu số) như được nhập khẩu, mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước và bán cho các đại lý. Còn các thương nhân phân phối chỉ được mua của các đầu mối trong nước và bán cho cửa hàng trong hệ thống của mình, không được mua chéo của nhau, trong khi số lượng nhóm này lên tới hàng ngàn doanh nghiệp. Điều này khiến các cửa hàng xăng dầu ở khu vực Nam Bộ đóng cửa hàng loạt.
“Có tập đoàn chiếm tới 51% thị phần và cùng với 6/32 doanh nghiệp lớn khác chiếm tới 88% thị phần. Dù đang có tình trạng thống lĩnh thị trường, nhưng dự thảo lại cho phép doanh nghiệp đó toàn quyền quyết định giá bán buôn và giá bán lẻ đối với xăng dầu trong hệ thống phân phối. Như vậy triệt tiêu khả năng cạnh tranh công bằng, bình đẳng của các doanh nghiệp nhỏ và vi phạm Luật Cạnh tranh tại các quy định ‘áp đặt giá mua, giá bán’”, ông Phụng nói.
Đồng tình với quan điểm đang có tình trạng độc quyền, ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP), cho rằng dự thảo quy định thương nhân phân phối không được quyền mua bán lẫn nhau sẽ hạn chế cạnh tranh và làm tăng nguy cơ thao túng thị trường.
Các đầu mối hiện nay vừa nhập khẩu lại có quyền mua từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước (Nghi Sơn, Dung Quất), nhưng 300 thương nhân phân phối không được làm như vậy. Ông Dũng cho biết, thương nhân phân phối cũng là doanh nghiệp, có quyền tự do cạnh tranh. Nếu trong giai đoạn giá cả thất thường, doanh nghiệp phân phối được mua chéo của nhau thì có thể chia sẻ về sản lượng, giá bán. Vì vậy ông đề nghị nghiên cứu thành lập sàn giao dịch xăng dầu như sàn cà phê để công khai, giúp các đơn vị phân phối tiếp cận nguồn hàng.
Phía Bộ Công Thương cho rằng thương nhân phân phối mua hàng của nhau gây khó khăn trong kiểm soát nguồn cung, có thể khiến nguồn cung bị rối loạn và xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng như năm 2022 do nhiều đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu mua bán lòng vòng.
Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng các quy định mới không hạn chế hay phân biệt đối xử, doanh nghiệp được chọn tham gia. Tức không có sự bất công giữa doanh nghiệp phân phối với các bên còn lại của thị trường.
Phải tính đúng, tính đủ cơ cấu giá thành xăng dầu
Thực tế, điều quan trọng nhất với các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vẫn là chuyện lợi nhuận.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc công ty TNHH Xăng dầu Hải Âu Phát cho biết chi phí cố định của doanh nghiệp bán lẻ hiện 700 – 800 đồng/lít nên nếu được hưởng mức chiết khấu 1.100 đồng/lít cũng không có lời. Mỗi cửa hàng xăng dầu phải đầu tư tiền tỷ, trong khi bán được 1.000 lít mỗi ngày mới lãi 400.000 đồng.
“Chi phí kinh doanh nội địa và lợi nhuận của 3 khâu (đầu mối, phân phối và bán lẻ) là 3.000 – 5.000 đồng một lít cần cố định trong giá cơ sở. Nhà nước cần quy định tỷ lệ cụ thể phân chia khoản này cho 3 khâu”, ông Thắng đề xuất.
Tương tự, bà Trần Thụy Thùy Trâm, Giám đốc Công Ty TNHH thương mại Đoan Việt tính toán, với giá xăng RON 95 khoảng 25.000 đồng/lít thì chi phí khâu bán lẻ trên 1.300 đồng, tương đương hơn 5-6% trong cơ cấu. Bà đề nghị, chiết khấu tối thiểu ở khâu bán lẻ phải được cố định mức này để doanh nghiệp hòa vốn, hoặc 6-7% để họ có lợi nhuận.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng cơ chế giá đang tính ngược từ khâu bán lẻ lên trên, do đó các doanh nghiệp bán lẻ chịu ảnh hưởng đầu tiên, rồi tới phân phối và cuối cùng là đầu mối xăng dầu. Nhưng kinh doanh không thể tư duy ngược, giá phải đi với hàng, vì vậy ông cho rằng điều hành xăng dầu có thể làm theo cách điều hành tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước đưa ra tỷ giá tham chiếu và biên độ giao dịch, từ đó các ngân hàng niêm yết giá bán ngoại tệ trong hệ thống.
Liên quan đến việc xuất hóa đơn xăng dầu, ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang, cho việc này chưa được cấu thành vào giá thành sản phẩm. Hiện khách hàng chỉ mua 10.000 - 30.000 đồng thì cửa hàng cũng phải xuất hóa đơn, chi phí mỗi tờ hoá đơn từ 60 – 100 đồng. Vị này đề nghị các doanh nghiệp đầu mối bán lẻ phải tính vào cơ cấu giá.
Chia sẻ tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết cơ quan soạn thảo mong muốn nghe được ý kiến đa chiều, thậm chí trái chiều để xây dựng nghị định tốt nhất, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, hài hoà lợi ích của các bên.