TS Vũ Tiến Lộc: Cần từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, nới lỏng thị trường
(DNTO) - Theo chuyên gia kinh tế Vũ Tiến Lộc, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, nới lỏng thị trường phải được coi là quốc sách trong thời điểm hiện nay, vì dịch bệnh dự báo sẽ còn kéo dài, trong khi lượng lớn doanh nghiệp đang suy kiệt, khó trụ vững.
TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có những quan điểm về mở cửa nền kinh tế trong Hội thảo “Xúc tiến Đầu tư trong bối cảnh Covid-19: Những thay đổi và biện pháp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư nước ngoài", do VIAC tổ chức mới đây.
Mở cửa kinh tế là xu thế chung của thế giới
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong 8 tháng vừa qua, đã có hơn 85.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Lực lượng doanh nghiệp đang hoạt động phần đông suy kiệt, khó trụ vững thêm vài tháng tới; nhiều doanh nghiệp trên thực tế đã chết lâm sàng, không ít chuỗi cung ứng bị đứt gãy, khó khả năng khôi phục.
Trước tình hình đó, một số nhãn hàng quốc tế có động thái tìm đến các chuỗi cung ứng khác ngoài Việt Nam. Đằng sau bức tranh ảm đạm của doanh nghiệp là thực trạng sinh kế của người dân, là an toàn hệ thống ngân sách quốc gia. Hàng chục triệu người lao động đang chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ Covid-19.
Mở cửa kinh tế cũng đi kèm với những rủi ro và phải có kế hoạch kiểm soát, thực hiện quản lý rủi ro để mở cửa cho sản xuất kinh doanh.
TS Vũ Tiến Lộc
Bình luận về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, hiện Chính phủ, chính quyền các địa phương nhận ra rằng không thể đóng cửa mãi nền kinh tế như những ngày qua mà cần có những giải pháp tiếp cận tổng thể, cân bằng hơn, ưu tiên chống dịch nhưng cũng phải rất coi trọng nhiệm vụ bảo vệ nền kinh tế.
Bởi bảo vệ nền kinh tế cũng chính là bảo vệ khả năng chống chịu của toàn hệ thống, toàn dân, của nền tài chính quốc gia. Từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, nới lỏng thị trường phải được coi là quốc sách vì dịch bệnh dự báo sẽ còn kéo dài, cuộc chiến với Covid-19 sẽ là cuộc chiến trường kỳ.
“Mở cửa để tái khởi động nền kinh tế, để kinh doanh an toàn, để sống chung với Covid-19 là giải pháp không thể nào khác và đây cũng là xu thế chung của thế giới trong bối cảnh hiện nay”, ông Lộc cho biết.
Tuy nhiên, việc mở cửa kinh tế cũng đi kèm với những rủi ro và theo ông Lộc, phải có kế hoạch kiểm soát, thực hiện quản lý rủi ro để mở cửa cho sản xuất kinh doanh.
Ví dụ có thể áp dụng nguyên tắc hộ chiếu vaccine hay giấy thông hành xanh, cho phép người dân sau khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine có thể tự do di chuyển, cho phép các doanh nghiệp được mở lại sản xuất kinh doanh theo cẩm nang hướng dẫn kinh doanh an toàn do Bộ Y tế phê duyệt, cho phép con người, hàng hóa, nguyên liệu vật tư lưu thông khi không thuộc danh mục hàng hóa cấm lưu thông, bảo đảm các quy định phòng, chống dịch bệnh phù hợp các quy định của ngành Y tế.
Điều đặc biệt mà vị chuyên gia này nhấn mạnh là việc đảm bảo thống nhất các quy định giữa Trung ương và địa phương, tránh mỗi nơi một nẻo. Việc áp dụng Chỉ thị 16+ cũng phải được phép của Trung ương. Riêng đối với khu vực sản xuất kinh doanh, kiến nghị Bộ Y tế nên sớm ban hành cẩm nang hướng dẫn sản xuất kinh doanh an toàn. Chính phủ cần giao cho các địa phương, bộ ngành thực hiện nhiệm kép, ưu tiên phòng, chống dịch bệnh nhưng không được lơ là các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Vị chủ tịch của VIAC cũng bày tỏ quan điểm về việc khen, chê, xử phạt hay động viên cán bộ các cấp phải căn cứ vào chỉ tiêu kép, chứ không phải chỉ căn cứ vào thành quả chống dịch, mặc dù điều đó là rất quan trọng.
“Nghiêm cấm đẻ ra các biện pháp cách ly, phong tỏa cấm đoán cực đoan, duy ý chí như một số địa phương đang làm, gây cản trở vô lý cho hoạt động dân sinh và sản xuất kinh doanh. Cần siết chặt kỷ luật công cụ theo hướng coi các hành vi gây trở ngại cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cướp đi sinh kế của người dân là vô cảm, thiếu trách nhiệm, là có tội”, ông Lộc cho hay.
Cần có giải pháp giúp giảm rủi ro cho nhà đầu tư ngoại
Hiện nay, TP.HCM và một số địa phương như Kiên Giang, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu… đang chuẩn bị kế hoạch mở cửa hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch. Theo ông Vũ Tiến Lộc, điều này sẽ tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể tái khởi động; duy trì, mở rộng hoạt động kinh doanh.
Trước việc một số cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam cảnh báo về tình trạng rút dần đơn hàng ra khỏi Việt Nam, theo ông Lộc, các nhà đầu tư kinh doanh nước ngoài vẫn đang là động lực rất quan trọng để duy trì và phát triển kinh tế Việt Nam trong thời kỳ khủng hoảng.
Dẫn số liệu thống kê đến 22/8, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 19,12 tỷ USD, bằng 97,9% cùng kỳ năm 2020, ông Lộc cho biết đây là một nỗ lực rất lớn, thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh và khả năng khống chế dịch bệnh của Việt Nam.
Trong suốt thời gian vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bằng nhiều hình thức, phối hợp với cơ quan chức năng của Việt Nam có những kiến nghị tích cực với các địa phương, Chính phủ để thi hành thực hiện các biện pháp thúc đẩy, bảo vệ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Mặc dù vậy, theo vị chuyên gia này, cần có những biện pháp tích cực hơn để thúc đẩy hoạt động đầu tư kinh doanh ngay trong bối cảnh khó khăn này. Đặc biệt là cần có những biện pháp giúp các nhà đầu tư giảm được rủi ro và quản trị tốt rủi ro trên mọi phương diện, trong đó có cả phương diện pháp lý của môi trường kinh doanh.