TS. Chử Đức Hoàng: Từ ý tưởng tạo ra sản phẩm phải ‘thần tốc’
(DNTO) - “Trước đây, con đường từ ý tưởng tạo ra sản phẩm có thể mất hàng thập kỉ, nhưng hiện tại thời gian đó chỉ tính bằng tháng”, theo TS. Chử Đức Hoàng, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF).
TS. Chử Đức Hoàng, Phó Trưởng Phòng Tài trợ đề tài và Hoạt động đổi mới công nghệ tại NATIF cho biết, những năm gần đây, hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh, tuy nhiên so với thế giới, chỉ số đổi mới sáng tạo Việt Nam vẫn ở mức thấp.
Theo thống kê của Tạp chí Echelon (Singapore), Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tăng gần gấp đôi so với năm 2015 (khoảng 1.800 doanh nghiệp). Năm 2020, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam vẫn giữ nguyên thứ hạng 42 so với năm 2019 (năm 2019 tăng 3 bậc so với năm 2018) và đứng đầu trong số 29 quốc gia thu nhập trung bình thấp. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn duy trì vị trí thứ 3, sau Singapore (thứ 8) và Malaysia (thứ 33).
Ông Hoàng cho hay, hệ sinh thái của của Việt Nam có nhiều tính mới, thay đổi thường xuyên, từ cơ chế, thể chế (luật, nghị định, thông tư...) cho đến các nguồn lực hỗ trợ, thị trường…. Vì vậy, con đường từ ý tưởng tạo ra sản phẩm hiện phải “thần tốc”, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.
“Trước kia, nghiên cứu để tạo ra một công nghệ mất khoảng 5 năm và phải mất thêm hơn chục năm để tạo ra sản phẩm. Nhưng hiện tại thị trường không thể chờ một sản phẩm trong 15-20 năm. Ví dụ như Apple và Samsung, chỉ từ 8 tháng – 1 năm, hai hãng này đã có thể tung ra thị trường những dòng điện thoại đời mới nhất để cạnh tranh với thị trường”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Đại diện của NATIF cũng khẳng định, muốn khởi nghiệp thành công và đổi mới sáng tạo bắt buộc phải gắn vào hệ sinh thái, nếu không sẽ rất khó để tồn tại và phát triển, đặc biệt ở Việt Nam.
“Trong 3 năm trước, nguồn tài chính hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp khá dồi dào. Tuy nhiên hơn 1 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn tài trợ tài chính và sự kiện dành cho khởi nghiệp hạn chế đi và đi vào thực tế hơn, vào thị trường nhiều hơn. Doanh nghiệp nào tồn tại được, có nguồn vốn và nguồn quan hệ mới tiếp tục phát triển”, ông Hoàng chia sẻ.
Còn để hiện thực hóa từ ý tưởng đến sản phẩm và có thể thương mại hóa thành công, theo TS. Chử Đức Hoàng, một ý tưởng tốt, phát triển kịp thời là chưa đủ, quan trọng nhất vẫn là dung lượng thị trường và khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường, cả Việt Nam và thế giới.
Ông Hoàng đưa ra ví dụ về việc sản xuất máy thở. Trong năm 2020, tại Việt Nam, rất nhiều đơn vị như Đại học Duy Tân, Đại học Điện lực, Tập đoàn BKAV, Tập đoàn Vingroup công bố sản xuất được máy thở, tuy nhiên chỉ có máy thở của Tập đoàn Vingroup bước ra được thị trường.
Ngoài ra, hiện không chỉ thế giới mà cả Việt Nam đều quan tâm đến sự phát triển bền vững vì đây là yếu tố sẽ quyết định đến mô hình kinh doanh có phát triển được hay không. Một ý tưởng đột phá nhưng không đảm bảo tính bền vững thì chính ý tưởng đó sẽ giết chết chính startup vì không tồn tại trong môi trường quốc tế.
Vì vậy, theo lời khuyên của TS. Chử Đức Hoàng, các bạn trẻ không nên khởi nghiệp khi chỉ mới có ý tưởng mà nên tham gia vào một nhóm khởi nghiệp để lấy kiến thức, kĩ năng. Đặc biệt, khi khởi nghiệp phải kiên trì, nếu không thất bại sẽ rất sớm.
“Đứng dưới góc độ sinh viên, nhà nghiên cứu, nếu dự án thất bại có thể chỉ mất vài trăm triệu hoặc vài năm làm việc không công. Tuy nhiên nếu là doanh nghiệp, một lần thất bại là có thể mất hàng tỉ đồng và khiến hàng trăm người mất việc”, ông Hoàng nhấn mạnh.