Những rào cản đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam
(DNTO) - Hiện các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam gặp khá nhiều rào cản từ lúc thành lập cho tới quá trình phát triển, như rào cản về thủ tục hành chính, khâu quản lý của nhà nước chưa chặt chẽ… Và rào cản lớn là công nghệ ở nước ta chưa phát triển.
Những bất cập hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam
Theo bà Nguyễn Thị Mê-Ghi, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trong những năm gần đây, Việt Nam đã định hướng và bắt đầu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, hệ thống thủ tục hành chính của nước ta còn nhiều bất cập. Cơ chế hành chính chưa được thông thoáng và minh bạch. Những điều này đã trở thành cản trở lớn đối với các doanh nghiệp non trẻ khi muốn khởi nghiệp.
Do đó, Bộ Tài chính đã đưa ra các phương án ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Chính phủ đã và đang tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng Chính phủ vẫn còn những bất cập về việc thực hiện chính sách, đưa chính sách vào thực tế.
Cũng theo bà Mê-Ghi, vườn ươm khởi nghiệp ngày càng được chú trọng ở Việt Nam, các vườn ươm khởi nghiệp đã và đang làm việc tích cực để thúc đẩy những thế hệ doanh nhân mới của đất nước. Tuy nhiên, vì các vườn ươm còn non trẻ nên vẫn còn những hạn chế như: Cơ sở hạ tầng còn kém, chậm hoạt động làm giảm hiệu quả của các dự án, chưa có khung pháp lý chính thức, hoạt động nhỏ lẻ, chưa thống nhất…
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành công trong công cuộc phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia. Nhưng nhìn chung hệ thống cơ sở hạ tầng vẫn còn yếu kém, bộc lộ nhiều sai sót, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh.
“Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã có những bước đột phá nhất định cả về số lượng cũng như chất lượng. Tuy nhiên, các nhân tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam phát triển đến một mức độ nào đó đều bị chững lại, thiếu tính bền vững và tỉ lệ “chết” cao, đồng thời thiếu sự đồng bộ”, bà Mê-Ghi nhận định.
Đặc biệt bà Mê-Ghi chỉ ra, hiện các doanh nghiệp khởi nghiệp còn gặp khá nhiều bất cập, rào cản từ lúc thành lập cho tới quá trình phát triển như rào cản về thủ tục hành chính, khâu quản lý của nhà nước chưa chặt chẽ, hệ thống thông tin chưa phát triển… Và một rào cản lớn cho khởi nghiệp sáng tạo là công nghệ ở nước ta chưa phát triển.
Giải pháp cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Theo bà Mê-Ghi, giải pháp đầu tiên là phải rà soát, tổng hợp đề xuất việc sửa đổi, thay thế hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật để vừa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống, vừa hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bên cạnh việc ban hành và hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, Chính phủ cần thành lập các cơ quan, tổ chức để thực thi các chính sách, đồng thời hỗ trợ và quản lý các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng.
“Nhà nước thực hiện các chính sách và biện pháp giảm thuế, dành những ưu đãi đặc biệt về thuế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, bà Mê-Ghi nói.
Bà Mê-Ghi nhấn mạnh, để hỗ trợ hiệu quả và tích cực cho hoạt động khởi nghiệp, Chính phủ cần đưa ra nhiều biện pháp để hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Phát triển thêm các kênh huy động vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
“Nhà nước khuyến khích các nhà đầu tư thiên thần, thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm. Bên cạnh đó, cần xây dựng các kênh cung cấp thông tin cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về luật pháp, thị trường chuyển giao công nghệ. Hỗ trợ về pháp lý, tài chính … để các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có cơ hội tiếp cận với các doanh nghiệp lớn và lâu năm để học hỏi kinh nghiệm và nhận hỗ trợ từ các doanh nghiệp đó”, bà Mê-Ghi nêu giải pháp.
Về phía các doanh nghiệp khởi nghiệp, bà Mê-Ghi nhấn mạnh rằng, cần có sự chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố cần thiết khi khởi nghiệp. Chủ động nghiên cứu, cập nhật thông tin về chính sách, pháp luật để kịp thời nắm bắt, tận dụng các cơ hội, ưu đãi từ chính sách, Nhà nước và hạn chế tối đa các rủi ro trong quá trình khởi nghiệp.
“Cần tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước để tận dụng được tối đa nguồn vốn, nguồn nhân lực cũng như công nghệ hay thị trường. Các doanh nghiệp phải tận dụng sự tiến bộ và phát triển của khoa học công nghệ để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới”, bà Mê-Ghi khuyến nghị.