Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Đổi mới sáng tạo bằng hành động thực tế
(DNTO) - Trong một thế giới VUCA (Biến động - Volatility, Không chắc chắn - Uncertainty, Phức tạp - Complexity và Mơ hồ - Ambiguity), doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) sẽ cần làm gì để thích ứng?
Đây chính là nội dung được hơn 100 doanh nghiệp thảo luận sâu tại Hội thảo “Doanh nghiệp nhỏ và vừa - Đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững” do Đại học Việt - Đức, Ngân hàng thế giới, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu, Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tổ chức hôm 17/11.
Trước biến động khó lường của thế giới, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như nhiều hệ lụy, những doanh nghiệp SME cho rằng vẫn có nhiều cơ hội song hành cùng thách thức.
Những cơ hội lớn trong gia đoạn này chính là: Giá thuê nhà giảm, chi phí vận hành giảm, dịch vụ online phát triển mạnh hơn, khách hàng quốc tế biết đến doanh nghiệp Việt nhiều hơn, doanh nghiệp quen dần với đổi mới công nghệ và sáng tạo, người tiêu dùng và doanh nghiệp đã hiểu biết nhiều hơn về phát triển bền vững…
Từ các thách thức và cơ hội này, nhiều SME đã chỉ ra chuyển đổi tư duy, đổi mới công nghệ là một yếu tố cần thiết đối với doanh nghiệp. Ở khía cạnh này, doanh nghiệp có thể tự đào tạo, huấn luyện, thay đổi hoặc làm mới nhận thức cho nhân viên, đội ngũ, đổi mới hoạt động chuyển từ thủ công sang tự động hóa, đồng bộ các hoạt động theo hướng số hóa, cộng nghệ hóa…
Ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung Ương cho rằng Việt Nam có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo rất ấn tượng khi Chính phủ đã ra Luật, nghị định, đề án… và cam kết, định hướng nhiều chính sách hỗ trợ dành cho SME, startup. Việt Nam cũng có rất nhiều Trung tâm nghiên cứu, các Quỹ đầu tư khởi nghiệp, các Trung tâm đổi mới sáng tạo và nhiều đối tác quốc tế sẳn sàng cùng Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái này.
Tuy nhiên, theo ông Cương, cái khó nhất khiến doanh nghiệp chưa thể tham gia vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hay chưa quyết tâm chuyển đổi số đó là các khung pháp lý vẫn thiếu tính thực thi. Đặc biệt Việt Nam thiếu và yếu trong việc tìm kiếm nguồn lực có chất lượng. Trong cuộc thay đổi này, đòi hỏi doanh nghiệp phải có được nhân tố ưu tú, có tầm nhìn, có chất lượng để lãnh đạo doanh nghiệp đổi mới và định hướng chiến lược phát triển lâu dài.
Ông Cương cho rằng chỉ khi tìm ra “đúng bệnh” thì doanh nghiệp mới có thể đổi mới phát triển. Covid-19 là một cú hích khiến cho doanh nghiệp nhận ra họ cần phải thay đổi mạnh mẽ hơn, cần đổi mới sáng tạo nhanh hơn nữa.
Cuối cùng ông Cương khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam, dưới sự hỗ trợ của Chính phủ phải song hành cùng toàn bộ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo từ Viện nghiên cứu, Trung tâm đổi mới sáng tạo, Quỹ đầu tư đến các Trường Đại học, Trung tâm ươm tạo... phải cùng nhau hành động và thực hành, ứng dụng thực tế ngay để không chậm trễ hơn nữa.